Tận tâm như cán bộ ấp

09/11/2012 | 05:51 GMT+7

Dù chế độ còn hạn chế, công việc nhiều như “trăm dâu đổ đầu tằm”, nhưng cán bộ ấp luôn thể hiện được sự tận tâm, hết lòng với công việc chung.

 

Vui vì là cán bộ ấp!

 

Theo chân cán bộ ấp Mỹ Hiệp I vào dịp thu thuế phi nông nghiệp mới thấy hết cái khó, cái khổ của họ. Ông Huỳnh Văn Nhất, Trưởng ấp Mỹ Hiệp I, cho biết: “Mấy công việc khác mình làm ban ngày, còn đi thu thuế thì thường đi vào buổi chiều hoặc 6, 7 giờ tối, khi đó bà con mới có ở nhà. Có nhiều khi đất ở đây, nhưng chủ ở huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang), bên huyện Vị Thủy hay Phụng Hiệp…, sau khi gọi điện hẹn thì phải chạy còng còng tới chỗ để thu, có khi chỉ có vài ngàn đồng”.

 

Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Vị Đông Tô Văn Thiện (bìa trái) khảo sát một khu đất tranh chấp trước khi đưa ra hòa giải.

 

Theo những cán bộ thu thuế nơi đây, dù được hỗ trợ từ Chi cục Thuế TP.Vị Thanh sau khi đăng nộp tiền thu thuế, nhưng cũng không dư dả gì, lớp điện thoại, lớp tiền xăng xe… Có hộ hẹn 2-3 lần vì không có tiền, những trường hợp như vậy chỉ biết kiên trì… đợi khi dân có tiền sẽ đóng.

 

Phó Trưởng ấp Mỹ Hiệp I Trần Văn Tổng bộc bạch: “Một ngày ở nhà tui làm được một cái lợp đặt cá để bán, giá 200.000 đồng, trừ chi phí cũng còn lời được khoảng 150.000 đồng, còn đi làm phó trưởng ấp như vầy mỗi tháng tui được hỗ trợ không đầy 600.000 đồng”.

 

Tuy nói vậy, nhưng ông Tổng vẫn gắn bó với hoạt động của ấp hơn 20 năm nay. “Làm công việc gì cũng có niềm vui riêng. Mình làm ở ấp thì gần dân, được dân tin tưởng, tín nhiệm, dân biết mình, mình nói ra dân ủng hộ, đó chính là động lực giúp tôi gắn bó với “nghề” cán bộ ấp”- ông Tổng bộc bạch.

 

Còn ông Nhất bày tỏ nỗi niềm: “Ngại nhất là xin tiền nhà, bị phàn nàn lắm. Thú thật tiền lương hơn 1 triệu đồng thì sống không nổi đâu, không có đam mê, không tinh thần trách nhiệm thì không thể làm cán bộ ấp được”.

 

Mỗi ngày, tại nhà thông tin ấp đều có ít nhất 2 cán bộ ấp trực để tiếp dân. Ông Nguyễn Văn Chỉ, người dân ở ấp nhận xét: Cán bộ ở ấp này tận tâm lắm. Tôi thấy khi dân cần là cán bộ có mặt. Làm việc mọi lúc, mọi nơi. Có lần đang chạy xe ngoài đường, người dân kêu vào nhờ chứng giấy, vậy là cái yên xe thay cho cái bàn. Thân tình lắm, nói chung là không có chuyện “hành dân”.

 

Ngược xuôi hòa giải

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 526 tổ hòa giải ở các ấp, khu vực. Chất lượng hoạt động hòa giải ngày càng được nâng cao, đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của người dân.

 

Hoạt động xử lý và hòa giải ở ấp nhanh đến không ngờ, không thủ tục rườm rà. Qua mỗi đợt hòa giải thành tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, người dân càng tin tưởng hoạt động hòa giải của tổ hòa giải ấp. Tuy nhiên, để có những cuộc hòa giải thành, những cán bộ ấp phải chạy vạy ngược xuôi, thuyết phục đôi bên… khô cả cổ.

 

Ông Tô Văn Thiện, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp 4, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Buồn nhất là những vụ việc hòa giải không thành, nặng lòng và lo lắm, nhưng đành chịu, vì đã vượt quá khả năng của tổ hòa giải ấp rồi”.

 

Từ đầu năm đến nay, Tổ hòa giải ấp 4 tiếp nhận 12 tranh chấp trong nội bộ nhân dân, đã hòa giải thành 100%. Trung bình mỗi năm Tổ hòa giải ấp 4 nhận 15 đơn thư tranh chấp, khiếu nại, trong đó hòa giải thành đạt khoảng 90%. “Mỗi vụ hòa giải thành chúng tôi được UBND xã hỗ trợ 150.000 đồng, mà tổ hòa giải đến hơn 10 thành viên. Thật tình có những vụ việc phải chạy tới chạy lui đo đạc, khảo sát rồi mời các bên thì 150.000 đồng cũng không thấm vào đâu”.

 

Nhưng với các thành viên tổ hòa giải mỗi vụ việc được hòa giải thành là niềm vui lớn. Ông Thiện nói: “Quan trọng là sau hòa giải, bên nào sai phải tự nhìn nhận và khắc phục, nhất là phải giữ gìn được tình làng nghĩa xóm, ra đường hai bên gặp nhau cũng phải chào, đó mới là cuộc hòa giải thành công”.

 

Nhưng không phải lúc nào cũng nhận được 150.000 đồng cho các vụ việc đã hòa giải thành. Ông Thiện kể: “Mới đây, có hòa giải một vụ tranh chấp tiền bạc, bên thiếu nợ nghèo quá nên không thể trả cả số tiền gốc lẫn lãi. Do đó, sẽ cho trả dần mỗi tháng một ít, như vậy biên bản hòa giải phải lưu lại ấp không chuyển về xã được, vì vậy tổ hòa giải không được nhận 150.000 đồng như những vụ hòa giải thành khác”.

 

Ông Phan Văn Dảnh, người dân ấp 4, khen: “Dân ở đây tin tưởng tổ hòa giải lắm, xử lý vụ nào cũng êm thấm, giải quyết có lý có tình, giữ được tình làng nghĩa xóm. Bên được cũng cười, bên thua cũng vui vẻ chấp thuận - cái hay là ở chỗ này”.

 

Toàn tỉnh có hơn 1.800 cán bộ không chuyên trách đang tận lực, tận tâm cho hoạt động chung. Hai chữ tận tâm chưa nói hết tinh thần trách nhiệm, hết lòng của những cán bộ ấp. Nói như nhiều người dân thì: Cán bộ ấp là người nghèo nhưng có nghĩa, có tình! Nhờ cán bộ ấp góp sức, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở ngày càng được nâng cao.

 

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>