Sức mạnh của thi đua

11/05/2018 | 09:00 GMT+7

Theo đánh giá của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2017 và phát động phong trào thi đua năm 2018 diễn ra vào sáng ngày 10-5, chất lượng phong trào thi đua yêu nước năm qua không ngừng nâng lên. Sự quyết tâm của các cấp, các ngành là tiền đề tạo nên kết quả này.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, nhấn mạnh: “Phong trào thi đua yêu nước được gắn với các hoạt động chính trị - văn hóa - xã hội, với sản xuất và đời sống của cán bộ, người dân đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh, ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân”.

Ông Huỳnh Thanh Tạo (bìa trái), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 7 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2016.

Quyết tâm sẽ tạo nên   kết quả tốt

Năm 2017, UBMTTQ Việt Nam tỉnh được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam điển hình cả nước 5 mô hình hiệu quả và được nhận cờ thi đua đơn vị xuất sắc. Đó là nỗ lực rất lớn của hơn 830 cán bộ trực tiếp làm công tác Mặt trận trong toàn tỉnh.

Nổi bật là trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ các cấp đã xây dựng 22 mô hình mới, nhân rộng 37 mô hình, có thể kể đến như mô hình “30 khu dân cư không hộ nghèo”. Việc vận động các nguồn quỹ cũng đạt được những con số ấn tượng, cụ thể là vận động hơn 261 tỉ đồng vào Quỹ vì người nghèo và An sinh phúc lợi xã hội; 1,95 tỉ đồng cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa…

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, đạt được kết quả trên là do Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã phát động, triển khai các phong trào thi đua theo phương châm: “Nắm chắc chủ trương; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; bám sát cơ sở”. Từ đó, phát huy hiệu quả sự sáng tạo của mỗi cán bộ Mặt trận trong từng phong trào, biến phong trào thi đua trở thành một khối đoàn kết, thống nhất, tránh chồng chéo, lãng phí. Hướng dẫn, phát động các địa phương chọn đúng nội dung trọng tâm của từng phong trào gắn với nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại đơn vị. Nhờ vậy mà các kế hoạch, báo cáo đi vào cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện về thời gian cho cán bộ tập trung xuống khu dân cư hướng dẫn người dân thực hiện các phong trào (đã giảm hơn 40% các loại văn bản ở cơ sở).

Dẫn đầu cụm thi đua các huyện, thị, thành là kết quả xứng đáng cho quyết tâm thực hiện các phong trào thi đua của cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố Vị Thanh.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh Nguyễn Văn Hòa, thành phố đã xây dựng kế hoạch thi đua phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và triển khai thực hiện sâu rộng trên địa bàn. Đáng chú ý là hàng tháng, Thành ủy, UBND thành phố đều họp để đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua của tỉnh, của thành phố để chỉ đạo khắc phục kịp thời các hạn chế gặp phải.

“Đối với các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể không đạt thứ hạng thi đua do ngành dọc cấp trên tổ chức thì lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố yêu cầu rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp tháo gỡ những mặt còn hạn chế, yếu kém để thực hiện thi đua năm sau đạt kết quả cao hơn”, ông Hòa cho biết thêm.

Sự quyết liệt đó giúp thành phố đạt thứ hạng cao 6/7 phong trào thi đua do tỉnh phát động; 28/35 ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể thành phố đạt thứ hạng thi đua do ngành dọc cấp trên tổ chức.

Vào ngày 19-10-2017, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này theo Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân Đặng Ngọc Tân là do: “Địa phương đã thực hiện quyết liệt phong trào thi đua”.

Trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, xã đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 14%. Để giảm nghèo nhanh, bền vững, địa phương này phối hợp với ngành chức năng cấp trên quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tập huấn về khoa học - kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất… Sự cộng hưởng của nhiều giải pháp giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2017 chỉ còn 3,09%.

Bên cạnh công tác giảm nghèo, xã cũng tập trung vận động Nhân dân đóng góp tiền của, công sức để phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng cảnh quan môi trường. Nhờ vậy mà đến nay, diện mạo xã Thạnh Xuân đổi thay toàn diện theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

Khắc phục bệnh hình thức trong thi đua

Đánh giá phong trào thi đua trên toàn tỉnh năm qua, ông Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, cho biết các ngành, các cấp đã đăng ký thi đua với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh bằng những nội dung, chỉ tiêu cụ thể; có quan tâm theo dõi, tổng kết đánh giá, đề nghị khen thưởng kịp thời. Các mô hình mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã được phát hiện, biểu dương, nhân rộng kịp thời.

Điển hình như em Huỳnh Hoàng Khánh và em Nguyễn Thị Ngọc Dung (học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam) với mô hình “Đập ngăn mặn thông minh”; ông Trần Thanh Hùng (ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành) thành công với việc ươm giống cá chạch lấu; ông Huỳnh Văn Dân (ở ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy) với mô hình sản xuất giống cây ăn trái, cây cảnh…

Bên cạnh đó, tỷ lệ khen thưởng, tuyên dương người lao động trực tiếp, công nhân, nông dân được nâng lên, đã khích lệ, thu hút được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo Nhân dân trong các phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh năm qua.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn là phong trào thi đua - khen thưởng của tỉnh đang tồn tại những hạn chế, như đánh giá của Bí thư Huyện ủy Vị Thủy Lê Minh Cường: “Công tác thi đua ở một số nơi còn hình thức, chưa quan tâm nhiều đến nội dung, chất lượng phong trào”.

Ông Lê Tiến Châu cũng chỉ rõ phong trào thi đua ở một số sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị chưa duy trì thường xuyên, có nơi còn mang nặng tính hình thức hoặc chạy theo thành tích, nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua chưa thực sự đổi mới, thiếu tính sáng tạo, chưa chú trọng nâng cao chất lượng nên kết quả phong trào thi đua chưa thực sự bền vững…

Để khắc phục bệnh hình thức trong thi đua, ông Lê Tiến Châu yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh phải xây dựng được các phong trào thi đua thiết thực và bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, giới thiệu, nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở. Nội dung, mục tiêu phong trào thi đua phải được cụ thể hóa, phù hợp với thực tế và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, việc bình xét, khen thưởng phải công khai, minh bạch, chính xác và kịp thời mới có tác dụng động viên, nêu gương và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục...

Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2017 và phát động phong trào thi đua năm 2018, có 7 tập thể được nhận Cờ thi đua của Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2016; 34 tập thể đạt hạng nhất, nhì, ba thuộc cụm, khối thi đua năm 2017 được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh; 18 tập thể đạt hạng khuyến khích thuộc cụm, khối thi đua năm 2017 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

 

Năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao với mục tiêu: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế theo chiều sâu; khai thác tốt tiềm năng; tăng cường công tác đối ngoại; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Giữ vững quốc phòng - an ninh, kỷ luật, kỷ cương; phòng chống tham nhũng, lãng phí”.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>