Sát cánh với hộ nghèo

22/10/2015 | 07:18 GMT+7

5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, đang dần được kéo giảm. Để có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của người dân thì vai trò của chính quyền địa phương và Mặt trận, đoàn thể vô cùng quan trọng.

Ông Thạch Phol, ở ấp Thị Tứ, đang chăm sóc cho đàn gà của gia đình.

Theo kết quả phúc tra rà soát năm 2011, thị trấn Bảy Ngàn có 512 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,31%, nhưng đến thời điểm hiện tại còn 120 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,32%. Để công tác giảm nghèo đạt kết quả, nhiều năm qua, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đã xây dựng chương trình và kế hoạch cụ thể. Các chính sách được thị trấn Bảy Ngàn tích cực triển khai thực hiện như: cho hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để làm ăn, hỗ trợ nhà tình thương, triển khai dự án cho vay vốn giải quyết việc làm… Kết quả 5 năm qua, đã hỗ trợ cất 164 căn nhà tình thương cho hộ nghèo theo Quyết định 167; giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 1.210 lao động nông nhàn và hỗ trợ hơn 3.370 lao động của địa phương đi làm việc ở nơi khác. Ngoài ra, để khuyến khích người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo đầu tư xây dựng mô hình kinh tế, Đảng ủy, UBND thị trấn Bảy Ngàn chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tín chấp vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên cho hộ nghèo và hộ cận nghèo có điều kiện xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Riêng những hộ nghèo không đất sản xuất, địa phương nỗ lực vận động học nghề và cho vay vốn giải quyết việc làm để người dân có nguồn thu nhập ổn định. Ông Lý Thinh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bảy Ngàn, cho biết: “Hội nông dân luôn đi sâu, đi sát tìm hiểu đời sống của những hộ nghèo trên địa bàn, qua đó có những hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, giúp hộ nghèo làm ăn vươn lên. Hiện tại, nhiều hộ nghèo trên địa bàn đã xây dựng được mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao”.

Ông Thạch Phol, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, được biết đến là một nông dân có mô hình chăn nuôi điển hình ở địa phương. Khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, nhưng ông mạnh dạn đầu tư chăn nuôi heo, gà để phát triển kinh tế gia đình. Bằng sự cần cù, ham học hỏi, mô hình chăn nuôi của ông ngày càng được mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả. Ông Thạch Phol cho biết: “Nhà không đất nhưng con đông, có thời gian cả nhà đi lên Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê, làm mướn. Sau khi về đây, thấy tôi có nhu cầu chăn nuôi, chính quyền địa phương đã hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, hiện tại mô hình chăn nuôi của gia đình đạt được hiệu quả. Trung bình mỗi năm, 2 mô hình chăn nuôi gà và heo cho thu nhập hơn 65 triệu đồng”.

Còn bà Danh Thị Riêng, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, nhưng đến năm 2010, gia đình vay vốn rồi xây dựng mô hình chăn nuôi. Cuối năm vừa rồi, tôi nuôi được một lứa heo 5 con, bán ra lời gần chục triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi tiếp tục đầu tư nuôi tăng thêm số lượng. Hiện tại, tôi còn nuôi thêm đàn vịt siêu thịt và sẽ xuất bán khi được giá”. 

Với quan điểm hỗ trợ và cho vay vốn hộ nghèo phải đi liền với công tác tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn vay căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình, thị trấn Bảy Ngàn đã có những biện pháp thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động ở địa phương cũng góp phần giúp người nghèo biết cách tự thoát nghèo và tránh tái nghèo khi gặp rủi ro. Ông Nguyễn Trung Hậu, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Bảy Ngàn, cho biết: “Muốn giúp hộ nghèo thoát nghèo thì chính quyền địa phương phải sát cánh với hộ nghèo. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, việc làm sao để người nghèo coi việc thoát nghèo phải do chính bản thân mình mới là quan trọng. Chính vì thế, thời gian qua, công tác tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu luôn được địa phương quan tâm. Làm sao sự nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo của người dân chính là động lực, là điều kiện cần để công tác xóa đói giảm nghèo ở thị trấn Bảy Ngàn thành công và bền vững”.

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>