Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Quan tâm đến năng lực ứng cử viên

28/04/2011 | 14:51 GMT+7

Ngày 24-2-2011, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII. Bên cạnh vấn đề về cơ cấu thì năng lực các ứng cử viên nhận được quan tâm đặc biệt.

 

Sau khi nghe Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh giới thiệu về một số nội dung chủ yếu và những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử Quốc hội, trình bày dự kiến số lượng người của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH khóa XIII của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận trên tinh thần đóng góp và dân chủ. Qua thảo luận, các ý kiến đều đồng tình cao với dự kiến mà UBMTTQVN tỉnh đưa ra. Các đại biểu cũng cho rằng, chuyện đảm bảo cơ cấu là đúng và cần thiết, nhưng vấn đề quan trọng là phải chú trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà bỏ quên hoặc xem nhẹ tiêu chuẩn này. Phải giới thiệu những người ứng cử có đủ năng lực, dám nghĩ, dám làm để đảm bảo khi đắc cử, họ sẽ làm tròn trách nhiệm của một đại biểu dân cử. Không để xảy ra tình trạng thiên vị trong việc giới thiệu người ứng cử, mà phải giới thiệu những người thực sự tiêu biểu để bầu vào Quốc hội cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta.

 

Cuối cùng, hội nghị đã đi đến thống nhất về dự kiến số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Hậu Giang là 10 người và dự kiến vận động từ 1 đến 2 người tự ứng cử. Số đại biểu được bầu là 6 (trong đó, 4 đại biểu của tỉnh, 2 đại biểu của Trung ương). Trong số 10 ứng cử viên ĐBQH lần này, có 1 đại biểu tái cử. Theo cơ cấu kết hợp sẽ có 4 nữ, 1 người trẻ. Những đơn vị có người được giới thiệu ứng cử gồm: Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giáo dục và Đào tạo, lĩnh vực Văn học nghệ thuật, Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành y tế, ngành nông nghiệp, ngành tòa án, ngành công thương (mỗi đơn vị được phân bổ 1 đại biểu). Riêng đối với ngành y tế thì ứng cử viên phải là bác sĩ và ngành nông nghiệp là kỹ sư.

 

Các đại biểu biểu quyết tại hội nghị.

 

 

Cùng ngày, cũng đã diễn ra Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

 

Theo đó, dự kiến số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII là 104 người, vận động 4 người tự ứng cử. Tổng số đại biểu được bầu sẽ là 50 người. Cơ cấu, thành phần và số lượng gồm: khối Đảng có 12 người (11,53%), khối Mặt trận và đoàn thể 6 người (5,76%), khối cơ quan Nhà nước 29 người (27,88%), lực lượng vũ trang 2 người (1,92%), tổ chức kinh tế 17 người (16,34%), tổ chức xã hội nghề nghiệp 5 người (4,80%), đơn vị sự nghiệp 13 người (12,50%), tôn giáo 5 người (4,80%), dân tộc 5 người, cơ sở 10 người (9,61%). Trong số 104 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Hậu Giang khóa VIII có 32 nữ (30,76%), trẻ 17 người (16,34%), ngoài Đảng 21 người (20,19%), tôn giáo 5 người (4,80%) và dân tộc 7 người (6,73%).

 

Từ ngày 4-3 đến 14-3-2011 là thời gian các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH. Khoảng thời gian từ 4-3 đến 18-3-2011, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và ấp, khu vực (đối với cấp xã) tiến hành giới thiệu người ra ứng cử đại biểu HĐND.

 

Đến 17 giờ ngày 18-3-2011 sẽ là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ của những người ứng cử và tự ứng cử ĐBQH. Còn thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ của những người ứng cử và tự ứng cử đại biểu HĐND là vào 17 giờ ngày 23-3-2011.

Tại hội nghị, ngoài việc kiến nghị phân bổ thêm số ứng cử viên cho Sở Thông tin và Truyền thông, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Ông Bùi Văn Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cho rằng, những ứng cử viên ở cơ sở, đặc biệt là trong Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các câu lạc bộ ở xã, phường hiếm có ai dưới 30 tuổi, nên khó đáp ứng cơ cấu người trẻ. Do đó, cần xem xét lại cơ cấu cho hợp lý để việc giới thiệu người ứng cử được dễ dàng.

 

Còn ông Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nhìn nhận việc phân bổ đại biểu ứng cử lần này rất dân chủ, phong phú, đa dạng và tương đối đầy đủ các thành phần. Nhưng ông cũng nêu một vấn đề cần rút kinh nghiệm đó là nên có quy định cụ thể hơn đối với việc giới thiệu ứng cử viên ở các đơn vị. Cần đảm bảo được tỷ lệ người ứng cử là cán bộ, hội viên, người ngoài Đảng… để không khéo thì nơi nào cũng giới thiệu giám đốc, thủ trưởng hết thì không hay.

 

Riêng ông Lê Hiền Tài, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh lại quan tâm nhiều đến các ứng cử viên ở cơ sở. Theo ông thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rằng, HĐND tỉnh không có nghĩa là của tỉnh, của các sở, ban ngành, mà HĐND cũng là của cơ sở. Để từ đó người dân có thể tự tin ứng cử.

 

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Chủ tọa hội nghị ghi nhận những ý kiến mà các đại biểu đóng góp. Đối với vấn đề tăng thêm số lượng đại biểu, phía Mặt trận sẽ kết hợp với Ủy ban bầu cử xem xét, giải quyết. Ông cũng nhấn mạnh, đây chính là dịp quan trọng để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, do đó các tổ chức thành viên, các địa phương, các sở, ban ngành, tổ chức đoàn thể, tôn giáo, dân tộc… phải có sự hỗ trợ, phối hợp để giúp nhân dân sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu nhất bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp để góp phần xây dựng Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, thật sự trong sạch, vững mạnh…

 

Tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương. Thường trực HĐND các cấp điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu và tự ứng cử đại biểu HĐND. 

 

HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>