Phát huy hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội

27/01/2017 | 15:20 GMT+7

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Hậu Giang có 5 ĐBQH, trong đó 2 đại biểu Trung ương và 3 đại biểu địa phương. Kế thừa và phát huy những thành tích, kết quả đạt được của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các khóa trước, khởi đầu nhiệm kỳ khóa XIV (2016-2021) hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đạt những kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, góp phần vào thành tựu chung của đất nước và của địa phương.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách đơn vị tỉnh Hậu Giang, phát biểu tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

Nâng cao chất lượng

Ngay từ đầu nhiệm kỳ (tháng 5-2016), ngoài việc duy trì lịch tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại của công dân tại trụ sở Đoàn ĐBQH, công tác tiếp xúc cử tri luôn được lãnh đạo Đoàn tiến hành nghiêm túc, đúng luật với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đoàn đã phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 19 điểm tiếp xúc cử tri trên địa bàn, ghi nhận 159 lượt ý kiến, kiến nghị. Qua đó, tổng hợp đầy đủ, phân loại kiến nghị theo nhóm vấn đề báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các kiến nghị liên quan đến địa phương, Đoàn có văn bản đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và cấp huyện giải quyết.

Bà Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ: “Muốn nắm được tâm tư, nguyện vọng của cử tri thì cần thường xuyên đổi mới hình thức tiếp xúc, đại biểu phải luôn lắng nghe và trăn trở với những điều mà nhân dân quan tâm. Từ đó, đề xuất với Quốc hội những giải pháp xây dựng văn bản luật phù hợp; tham gia với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý những bất cập, tồn tại cũng như đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống”.

Nét nổi bật dễ thấy nhất của hoạt động tiếp xúc cử tri thời gian gần đây là ĐBQH tiếp xúc luân phiên ở nhiều địa phương, địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh để được ghi nhận nhiều ý kiến. Ngoài tiếp xúc định kỳ, Đoàn còn tổ chức theo chuyên đề, đối thoại với cử tri để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con. Trong quá trình tiếp xúc, ĐBQH luôn cầu thị lắng nghe ý kiến, kiến nghị, đồng thời lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; lý giải, giải quyết nhiều vấn đề cử tri đặt ra. 

Mỗi khi nghe thông báo Đoàn ĐBQH tỉnh về tiếp xúc cử tri ở địa phương là ông Đỗ Văn Thịnh, ngụ ấp Mang Cá, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, thu xếp công việc gia đình để tham dự, trực tiếp gửi gắm nguyện vọng của mình. “Tôi nhận thấy các ĐBQH rất có trách nhiệm với cử tri, luôn thân thiện, cầu thị ghi nhận các ý kiến đóng góp. Vấn đề nào dân kiến nghị thuộc thẩm quyền địa phương thì ĐBQH yêu cầu giải quyết tại chỗ, có lý có tình; vấn đề vượt khả năng hoặc cần có thời gian giải quyết thì đại biểu ghi nhận và sau đó sẽ thông báo kết quả giải quyết cho bà con”, ông Thịnh bộc bạch.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng được Đoàn đặc biệt quan tâm. Năm 2016, qua các đợt tiếp xúc cử tri, Đoàn ghi nhận và chuyển 40 lượt ý kiến, kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đến nay đã nhận được 29 văn bản phản hồi, giải quyết thỏa đáng.

Nhiều đóng góp cho công tác lập pháp

Cũng như những nhiệm kỳ trước, một trong những hoạt động quan trọng của Đoàn ĐBQH tỉnh là cho ý kiến đóng góp về những dự thảo luật, Nghị quyết của Quốc hội. Xác định công tác lập pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Đoàn tạo điều kiện thuận lợi để các ĐBQH nghiên cứu đóng góp vào dự thảo luật theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trong năm, Đoàn tổ chức lấy ý kiến đóng góp 10 dự thảo luật; các đại biểu cũng nghiên cứu cho ý kiến đối với 12 dự thảo luật quan trọng… ĐBQH Phạm Hồng Phong, Thẩm phán cao cấp, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết: “Công tác lập pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội và chất lượng công tác lập pháp phụ thuộc rất nhiều vào ý kiến đóng góp, phản biện của từng vị đại biểu. Để công tác xây dựng pháp luật có chất lượng, hiệu quả, ngoài việc nghiên cứu toàn bộ hồ sơ của từng dự án luật, đòi hỏi mỗi ĐBQH phải có kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực pháp luật và cái nhìn tổng quan đối với hệ thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, từng đại biểu phải dành thời gian nghiên cứu các tài liệu tham khảo khác liên quan đến dự án luật cần đóng góp. Như vậy mới có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để góp ý kiến vào từng điều luật cụ thể, tránh những xung đột pháp luật”.

Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã đưa ra thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi). Qua nghiên cứu, ĐBQH Đặng Thế Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, đã có ý kiến đóng góp để Quốc hội xem xét lại một số vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về tài sản công. Theo ông Vinh, nhiều đạo luật chuyên ngành quy định về quản lý nhà nước đối với từng loại tài sản công và tùy vào tính chất, tầm quan trọng mà có phân cấp quản lý cụ thể, do vậy, cơ quan chuyên môn cần rà soát quy định trong Chương II và các điều liên quan đến thẩm quyền trong dự thảo luật để đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp. Ví dụ, về thẩm quyền của Quốc hội tại Điều 13 dự thảo luật này quy định, quyền lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng về tài sản công hết sức chung chung, nhưng Luật Đất đai quy định Quốc hội quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Đây không chỉ là vấn đề quan trọng mà còn là những vấn đề rất cụ thể. 

Trong phiên họp thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH tập trung bàn đến nội dung dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 vẫn tiếp tục khó khăn, nguồn thu ngân sách ngày càng hạn hẹp. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư công, nhu cầu về chính sách an sinh xã hội và nhu cầu đầu tư xã hội rất lớn. Vậy giải pháp nào để thực hiện đạt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phòng, chống tham nhũng, lãng phí và vi phạm pháp luật hiệu quả hơn. Tại đây, bà Nguyễn Thanh Thủy thẳng thắn phát biểu: “Những tồn tại, yếu kém kéo dài trong lĩnh vực quản lý tài chính, quản lý đô thị, môi trường, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, tham nhũng, lãng phí… chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan, tức là nguyên nhân từ chính yếu kém trong năng lực, đạo đức thi hành công vụ của người cán bộ, công chức, từ vị trí lãnh đạo, quản lý đến vị trí tổ chức, thực hiện nhiệm vụ công vụ được giao. Cử tri đề nghị những tồn tại, yếu kém từ nguyên nhân chủ quan trên cần được khắc phục và xử lý nghiêm. Có như vậy thì quyết tâm chính trị xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì nhân dân của Thủ tướng Chính phủ mới trở thành hiện thực”.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động

Theo Đoàn ĐBQH, để cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn trong thời gian tới, đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, từng ĐBQH phải có tinh thần trọng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Đồng thời, tùy theo nội dung, tính chất của mỗi đợt tiếp xúc cử tri sẽ lựa chọn thành phần tham dự phong phú, đa dạng, ghi nhận được nhiều ý kiến bức xúc, xác đáng của bà con đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng có chiều sâu và chất lượng.  

Bên cạnh đó, trong công tác giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, khi có kết quả trả lời của ngành chức năng, Đoàn ĐBQH sẽ tiếp tục phối hợp với Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và UBMTTQ Việt Nam tỉnh thông báo công khai, trực tiếp và rộng rãi đến cử tri. Đối với những kiến nghị chậm trả lời, Đoàn sẽ có văn bản yêu cầu sớm xem xét, thông báo kết quả giải quyết theo luật định. Ngoài ra, Đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND tỉnh trong tổ chức tiếp dân định kỳ và thường xuyên; cùng tham gia trực tiếp đối thoại với dân tại những điểm bức xúc để giải quyết kiến nghị của cử tri một cách kịp thời, thỏa đáng.

Trong công tác giám sát và xây dựng luật, Đoàn sẽ xây dựng kế hoạch và quyết định giám sát theo chuyên đề; tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự thảo luật theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội.

Với tinh thần trách nhiệm cao của các vị ĐBQH được thể hiện rõ qua quá trình hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay và những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, tin rằng Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ đáp ứng tốt hơn sự kỳ vọng, tin yêu của cử tri trong tỉnh; tiếp tục có nhiều giải pháp đột phá, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của người đại biểu dân cử trong xã hội.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh:

- “Cùng với sự đổi mới chung để không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội với đất nước và nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; tiếp tục có những cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động”.

 

MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>