Nhiệm kỳ thành công

10/05/2023 | 18:29 GMT+7

Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Long Mỹ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, tổ chức triển khai, thực hiện đồng bộ, hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện lần thứ XI đề ra. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức hội đối với giai cấp nông dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, chính quyền và nông dân.

Nhờ mô hình nuôi lươn mà gia đình bà Phạm Thị Tuyết Hận sung túc hơn.

Theo đó, nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân huyện Long Mỹ đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đề ra, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt, vượt rất cao. Đáng chú ý, công tác chăm lo đời sống hội viên được các cấp hội quan tâm thực hiện với nhiều cách làm hay, hiệu quả.

Xóa trắng hội viên nghèo

Theo Hội Nông dân huyện, Nghị quyết nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra sẽ xóa 171 hội viên nghèo, nhưng chỉ đến năm 2020 hội đã hoàn thành mục tiêu trên. Đó là kết quả ngoài nỗ lực, cố gắng của hội viên thì còn sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của các cấp hội, nhất là nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả.

Chỉ tay về các bồn nuôi lươn mà gia đình vừa bắt 60.000 con về nuôi, bà Phạm Thị Tuyết Hận, ở ấp 8, xã Thuận Hưng, vui vẻ khoe: “Nuôi lươn khoảng 4 năm, đây là lần đầu tiên gia đình tôi nuôi số lượng lớn như thế. Với kiến thức, kinh nghiệm và thị trường như hiện nay tôi tin sẽ đạt kết quả cao”.

Sự tự tin của bà Hận có cơ sở, bởi trước năm 2019 do đất ít nên thu nhập gia đình khá bấp bênh, muốn cải thiện nhưng chẳng biết nuôi, trồng cây, con gì. Qua nhiều lần tham quan một số mô hình nuôi lươn, đồng thời được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay vốn, gia đình bà mới xây bể, rồi bắt 5.000 con để nuôi. Sau gần 1 năm, trừ chi phí lời khoảng 30 triệu đồng. “Thời điểm đó giá lươn khoảng 250.000 đồng/kg và thị trường lại hiếm, dễ tiêu thụ”, bà Hận cho biết.

Thấy hiệu quả, bà dần mở rộng diện tích và tăng số lượng. Đến năm 2022, bà nuôi gần 40.000 con lươn. Theo bà Hận, năm rồi tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kinh tế thị trường, nhưng bù lại bà được thương lái bao tiêu, nên trừ chi phí lời khoảng 100 triệu đồng, giúp đời sống gia đình ổn định, thoải mái.

“Nuôi lươn không cực, chủ yếu đảm bảo nước sạch, đầu ra được bao tiêu, nên gia đình tôi khá an tâm trong việc tăng số lượng. Hiện giá khoảng 115.000 đồng đến 120.000 đồng/kg, người nuôi lươn cũng có lời ”, bà Hận cho biết.

Cách đó không xa, hộ ông Trần Văn Niềm, ở ấp 8, xã Thuận Hưng, được xem là “đầu tàu” trong việc nuôi lươn thời gian qua của ấp. Cách đây khoảng 10 năm, ông Niềm khởi đầu nuôi lươn với diện tích 50m2, hiện nay đã nâng lên gần  1.000m2, nuôi khoảng 100.000 con lươn.

Theo ông Niềm, ngoài nuôi lươn thịt, ông còn sản xuất và cung cấp lươn giống cho hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trừ chi phí, từ năm 2015 đến nay trung bình ông lời khoảng 300 triệu đồng/năm. Từ thành công trên, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi mô hình của ông.

Ông Niềm chia sẻ: “Nuôi lươn rất thích hợp cho những gia đình có diện tích đất ít và người lớn tuổi, bởi nhẹ công chăm sóc. Đặc biệt, đảm bảo đầu ra và thị trường khá ổn định”.

Theo Hội Nông dân huyện Long Mỹ, ngoài 2 hộ trên, hiện toàn huyện có 4.950 hộ có mô hình thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Điển hình như: mô hình trồng bưởi da xanh của hộ ông Nguyễn Văn Thường (xã Thuận Hòa); nuôi baba, cua đinh của hộ ông Võ Văn Sáu (xã Xà Phiên); trồng bưởi, mít của hộ ông Trần Văn Ái (xã Thuận Hòa); dưa lưới của hộ ông Ngô Thanh Bình (xã Lương Tâm); trồng nấm rơm trong nhà kính của ông Võ Như Ý (xã Lương Tâm)…

Điều hay của các mô hình là tùy theo điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, mà mỗi hộ vận dụng cách làm riêng, phù hợp, nhất là đều quyết tâm, khát vọng trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Do đó, nhiệm kỳ qua, hội có 7.060 hộ nông dân được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương 28 hộ, cấp tỉnh 490 hộ, cấp huyện 1.390 hộ, cấp cơ sở 5.152 hộ.

“Nhìn chung, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện ngày càng phát huy hiệu quả với nhiều mô hình phát triển thu nhập cao và được nhân rộng, góp phần tích cực thực hiện tốt công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo địa phương”, ông Đặng Thanh Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Mỹ, cho biết.

Từ kết quả trên, nhiệm kỳ qua thu hút đông đảo nông dân tham gia vào hội, với kết nạp 4.110 hội viên mới, nâng tổng số hội viên hội nông dân toàn huyện là 13.706 người, không có hộ nào thuộc diện nghèo.

Chăm lo hội viên khó khăn

Bên cạnh nhân rộng mô hình hay, hiệu quả, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Long Mỹ còn quan tâm chăm lo đời sống hội viên, nhất là vận động hỗ trợ xây dựng, sửa nhà cho hội viên gặp khó khăn nhà ở.

Chỉ tay về ngôi nhà vẫn còn thơm mùi vôi, bà Huỳnh Thị Mướt, ở ấp 9, xã Thuận Hưng, vui vẻ nói: “Nếu Hội Nông dân xã không hỗ trợ, tạo điều kiện thì tôi chẳng có được căn nhà như thế này. Với nhiều người đây là căn nhà nhỏ, đơn sơ, nhưng gia đình tôi đó là điểm tựa để tập trung lao động, sản xuất”.

Hộ bà Mướt không có đất sản xuất. Để lo cuộc sống gia đình, chồng bà làm thợ hồ, bà đan đát lục bình. Cách đây vài năm, trong quá trình lao động chồng bà bị tai nạn, nên bao nhiêu tiền tích cóp đều mang ra để chữa trị.

Cuối năm 2022, căn nhà lá của gia đình bà đã xuống cấp. Nhằm giúp bà an cư, Hội Nông dân xã Thuận Hưng vận động mạnh thường quân 50 triệu đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho bà vay 50 triệu đồng để xây lại nhà. Bà còn mượn người thân thêm 70 triệu đồng để bổ sung thêm. Sau hơn 1 tháng căn nhà đã hoàn thành trong niềm vui của gia đình.

“Có nhà vững chắc rồi, vợ chồng tôi đã an tâm, tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế để cuộc sống no ấm, đủ đầy”, bà Mướt cho biết.

Đó là một trong 9 căn nhà mà hội nông dân các cấp trên địa bàn huyện Long Mỹ hỗ trợ cho hội viên gặp khó khăn về nhà ở, với tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Theo đánh giá của hội nông dân xã, thị trấn trên địa bàn huyện, sau khi được sửa chữa, xây mới nhà, tất cả gia đình rất phấn khởi, tập trung lao động sản xuất, bước đầu cuộc sống dần ổn định.

Ngoài hoạt động trên, Hội Nông dân huyện và cơ sở còn vận động trong nội bộ nông dân thực hiện tương trợ, giúp đỡ 490 hộ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 832 triệu đồng; 1.432 ngày công lao động; hỗ trợ 238 triệu đồng mua cây, con giống. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân với 273 tấn phân bón, 7,8 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 986 tấn lúa giống và hỗ trợ 100 máy nông nghiệp phục vụ nuôi trồng, sản xuất.

Phát huy tinh thần “đoàn kết - đổi mới - đột phá - quyết tâm - khát vọng” Hội Nông dân huyện Long Mỹ sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng sâu sát cơ sở, chi, tổ hội và nông dân; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân; tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh, chú trọng đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực hành động của đội ngũ cán bộ.

“Chúng tôi sẽ quan tâm hơn nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội nông dân trong phát triển nông nghiệp; tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân; phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”, ông Đặng Thanh Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Mỹ, cho biết thêm.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>