Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số

02/10/2020 | 06:00 GMT+7

Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện để phục vụ tốt hơn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện nhiệm vụ trên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lã Hoàng Trung (ảnh) cho biết:

- Việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, được triển khai ở tất cả các địa phương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng rất quan tâm chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan.

Năm 2019 và 2020, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh đã triển khai được một số ứng dụng công nghệ cơ bản trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử và bước đầu ghi nhận một số kết quả quan trọng. Đó là hệ thống thư điện tử; ứng dụng cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp; Cổng thông tin điện tử của tỉnh; hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội; ứng dụng app Hậu Giang, Hệ thống quản lý văn bản điều hành…

Qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức quen với việc trao đổi văn bản điện tử, người dân dần quen với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thông tin về hoạt động của cơ quan nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng được công khai, giúp tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nâng lên và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Theo ông, việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh hiện nay gặp những khó khăn, hạn chế gì ?

- Đó là các ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản trong hoạt động ở cơ quan nhà nước mới đưa vào ứng dụng, triển khai 2 năm gần đây nên việc tác động tới người dân còn chưa rõ, cần phải đánh giá thêm. Các ứng dụng cũng cần phải chỉnh sửa để hoạt động trơn tru, ổn định, phục vụ có hiệu quả cho công tác lãnh đạo, điều hành.

Tỉnh cũng chưa có kế hoạch cụ thể về lộ trình, kế hoạch lâu dài xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số và chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành trong năm 2020.

Về hạ tầng kỹ thuật, qua khảo sát sơ bộ thì máy móc, đường truyền của các sở, ban, ngành tỉnh và cấp huyện đều cũ; đội ngũ nhân lực về công nghệ thông tin của tỉnh mỏng, cơ quan nhà nước nói chung có rất ít cán bộ công nghệ thông tin; các huyện, thị, thành có 1 hoặc không có cán bộ công nghệ thông tin nào. Mặt khác, các ứng dụng mới triển khai, để hoạt động ổn định, phục vụ đông đảo người dân trong thời gian dài là việc phức tạp...        

Vậy Sở đã đề ra những giải pháp gì để triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hiệu quả hơn ?

- Trước tiên, chúng tôi sẽ xây dựng những chính sách, tạo nền tảng đầu tiên để thực hiện, gồm xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành tới đây. Tiếp đó, chúng tôi xây dựng nghị quyết trình HĐND thông qua Đề án chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh. Trong dự thảo Đề án chính quyền điện tử mà Sở đang trình có giải pháp khắc phục khó khăn về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, tức là phải mua sắm máy móc mới cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

Lộ trình cụ thể trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong thời gian tới là gì ?

- Trước hết, chúng tôi tiếp tục nâng cấp hạ tầng cơ sở kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị, đường truyền internet cho các cơ quan; tiếp tục hoàn thiện những ứng dụng cơ bản để đảm bảo thực sự hoạt động trơn tru, đóng góp thiết thực cho công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan nhà nước và tăng cường sự tương tác giữa cơ quan nhà nước với người dân. Trong giai đoạn 2023-2025 sẽ triển khai các ứng dụng thông minh chuyển đổi số trong các lĩnh vực cụ thể, như chuyển đổi số trong nông nghiệp, du lịch, hỗ trợ việc phát triển công nghiệp tỉnh nhà.

Thực tế, nhận thức của cấp ủy, chính quyền ở nhiều nơi về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn hạn chế. Để thay đổi điều này thì cần làm gì, thưa ông ?

- Nâng cao nhận thức cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp là yếu tố rất quan trọng, là giải pháp đầu tiên trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Theo đó, chúng tôi sẽ tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chính sách quy định mang tính bắt buộc ở tất cả các sở, ban, ngành và cấp huyện phải có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin.

Sẽ đưa các chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chính quyền điện tử trong đánh giá, xếp hạng. Sở sẽ tham mưu để đưa ra mức độ thống kê rất rõ ràng, minh bạch như: tỷ lệ cán bộ sử dụng Hệ thống quản lý văn bản điều hành; tỷ lệ cán bộ sử dụng thư điện tử công vụ và sử dụng chữ ký số trong hoạt động… Hàng tháng đều có số liệu thống kê cụ thể để báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh. Qua đó động viên, khuyến khích nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của các ứng dụng công nghệ trong việc mang lại hiệu quả hoạt động. Mặt khác, cũng sẽ có những đánh giá khách quan, trung thực và nghiêm khắc để nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cơ quan trong ứng dụng công nghệ thông tin...

Chính quyền điện tử và chuyển đổi số là gì ?

 

Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Mục tiêu của chính quyền điện tử là làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan chính quyền, tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chính quyền. Người dân, doanh nghiệp được các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn bằng việc cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến. Người dân trở thành trung tâm trong quá trình các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin và dịch vụ.

Mục đích của chính quyền điện tử là làm cho mối tác động qua lại giữa người dân, doanh nghiệp, nhân viên chính quyền và các cơ quan chính quyền trở nên thuận tiện, thân thiện, minh bạch, đỡ tốn kém và hiệu quả hơn…

——-

Chuyển đổi số đơn giản là chuyển đổi hoạt động của chính quyền của nền kinh tế và của xã hội lên môi trường số. Chuyển đổi số chính là bước phát triển tiếp theo có tính đột phá của việc ứng dụng công nghệ thông tin. Chuyển đổi số sử dụng các công nghệ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và nền tảng để triển khai công nghệ thông tin nhanh hơn, rẻ hơn và tạo ra các giá trị mới, từ đó thay đổi cách thức sản xuất và quản trị…

           

Công bố các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh

 

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh gồm 2 chức năng chính, tương ứng với 2 phân hệ: điều hành các ứng dụng đô thị thông minh và giám sát an toàn an ninh mạng. Đây là 2 chức năng quan trọng trong việc vận hành các ứng dụng chính quyền điện tử, đô thị thông minh trên địa bàn.

Việc điều hành đô thị thông minh trước mắt bao gồm các ứng dụng:

- Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

- Hệ thống giám sát, điều hành giao thông: Là đầu não quản lý điều phối hệ thống giao thông thông minh. Hệ thống sẽ kết nối các camera giao thông quan sát các nút giao thông, các tuyến huyết mạch, tích hợp hệ thống điều khiển  đèn tín hiệu, hệ thống giám sát xử phạt vi phạm giao thông và tính toán, hiển thị các chỉ số quản lý về giao thông.

- Hệ thống giám sát điều hành an ninh công cộng: Tích hợp các camera an ninh của tỉnh, xử lý hình ảnh thông minh qua thuật toán, nhận diện giúp tìm kiếm các đối tượng nghi vấn, phát hiện và tự động cảnh báo các hành vi, vi  phạm pháp luật…

- Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường: Thực hiện tiếp nhận, phân loại sự vụ theo lĩnh vực và chuyển đến các đơn vị chuyên ngành để thực hiện xử lý, lưu trữ theo quy trình; tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, du khách, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn đô thị qua nhiều hình thức; tổng hợp các thông tin vụ việc  được phản ánh phục vụ hiển thị trên màn hình giám sát, báo cáo thống kê, phân tích theo nghiệp vụ chuyên ngành…

Việc giám sát an toàn, an ninh mạng gồm: thu thập, xử lý và phân tích các sự kiện an toàn, an ninh thông tin; vận hành, giám  sát và xử lý sự cố an toàn thông tin cho toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin trên địa bàn…

 

 

Xin cảm ơn ông !

TRƯỜNG SƠN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>