Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở ở tỉnh Hậu Giang

06/04/2015 | 07:36 GMT+7

Muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn), trước hết phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm. Đây là điều kiện tiên quyết và cũng là yêu cầu mang tính cấp thiết, bao trùm, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng cán bộ, công chức và tạo cơ sở, nền tảng cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở cần phải thực hiện một cách có hệ thống và đảm bảo sự liên thông, gắn kết giữa các khâu: tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ.

Tỉnh Hậu Giang sau hơn 11 năm thành lập, được sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị của cán bộ, công chức không ngừng được nâng lên. Hệ thống chính trị cấp cơ sở luôn được kiện toàn và ổn định. Đến nay, số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên, chiếm 89,29% tổng số cán bộ, công chức toàn tỉnh. Trong đó, cán bộ chủ chốt có trình độ chuyên môn đại học trở lên, chiếm 78,29% và trình độ cao cấp lý luận chính trị, chiếm 43,82%; cán bộ chuyên trách (trừ các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND) có trình độ từ trung cấp trở lên về chuyên môn và lý luận chính trị, chiếm 79,38%; công chức cấp xã có 726/756 người có trình độ từ trung cấp trở lên về chuyên môn và lý luận chính trị, chiếm 96,03%. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở tỉnh Hậu Giang thời gian qua.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác cán bộ ở cấp cơ sở của tỉnh Hậu Giang thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ ở một số địa phương còn thấp và chưa đạt chuẩn so với yêu cầu. Việc bố trí sử dụng cán bộ chưa mang tính căn cơ, tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa đủ chuẩn, chưa đảm bảo tính kế thừa còn diễn ra ở nhiều đơn vị. Chưa có sự “ăn khớp” và phù hợp nhất định giữa vị trí, chức trách cán bộ được phân công so với chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo. Công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức ở một số đơn vị cơ sở chưa đảm bảo tính kế thừa giữa các thế hệ cán bộ, công chức. Các điều kiện để cán bộ luân chuyển phát huy sở trường và vốn kiến thức sẵn có, nhằm vận dụng hiệu quả vào công tác trong thực tiễn ở cấp cơ sở chưa thực sự phù hợp. Các chế độ về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, thù lao… vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với sức lao động của người cán bộ, công chức công tác ở cơ sở. Điều kiện, môi trường làm việc tại cơ sở không thu hút được đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực thực sự từ cấp tỉnh, cấp huyện. Trong quy hoạch cán bộ mới chỉ quan tâm các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, chưa chú ý đến các chức danh khác. Công tác đánh giá cán bộ ở một số nơi còn qua loa, chiếu lệ. Công tác kiểm tra, giám sát cán bộ ở một số cấp ủy chưa thực sự nghiêm túc.

Những hạn chế, bất cập trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở chưa cao, chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ. Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, tuyển dụng cán bộ. Đảm bảo nguyên tắc công khai, khách quan, công bằng, dân chủ và cạnh tranh trong tuyển dụng. Theo đó, thực hiện nghiêm túc, triệt để và hiệu quả Nghị định 112/2011/NĐ-CP ngày 5-12-2011 của Chính phủ và Thông tư 06/2012/TT-BNV ngày 30-10-2012 của Bộ Nội vụ trong việc công khai nhu cầu, số lượng và chức danh cần tuyển dụng; công khai điều kiện dự tuyển, thủ tục, quy trình tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người đều có cơ hội được dự tuyển. Qua đó, tạo nên sự bình đẳng trong thi tuyển, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ cán bộ, công chức.

Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng. Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ theo nhu cầu công việc và đơn vị sử dụng cán bộ, công chức. Nội dung chuyên môn đào tạo, bồi dưỡng cần phải dựa trên nhu cầu và yêu cầu của chức danh, vị trí công tác nhằm đảm bảo sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức cơ sở phải giải quyết tốt các nhiệm vụ cụ thể ở địa phương. Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch theo hướng “động” và “mở”. Việc quy hoạch cán bộ vào vị trí mới nhất thiết phải xem xét đến khả năng chuyên môn mà người cán bộ đó có thể đảm nhiệm tốt vị trí được quy hoạch. Sau khi quy hoạch, cần sớm tạo điều kiện cho người được quy hoạch đi đào tạo hoặc bồi dưỡng đúng với chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ ở vị trí mới.

Ba là, nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng cán bộ, công chức cấp cơ sở sau đào tạo. Việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải theo đúng với chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng. Trong bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải kết hợp linh hoạt, hài hòa giữa cán bộ, công chức trẻ và cán bộ, công chức lớn tuổi.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ. Để làm tốt khâu này, trước hết phải xuất phát từ yêu cầu của địa phương, cơ sở và phải đảm bảo tính ổn định của tổ chức bộ máy nơi đi và nơi đến. Việc lựa chọn cán bộ luân chuyển phải thận trọng, dựa trên trình độ chuyên môn nghiệp vụ và khả năng phù hợp với vị trí, nhiệm vụ mới được đảm trách. Công khai và có sự trao đổi, thống nhất chung giữa cơ quan có cán bộ được luân chuyển với nơi cán bộ được luân chuyển đến. Nâng cao vai trò của cấp ủy đảng trong công tác theo dõi, giáo dục, giúp đỡ cán bộ được luân chuyển đến hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm là, đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Công tác đánh giá cần phải được tiến hành một cách toàn diện, thận trọng, khoa học, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tình hình ở từng địa phương, cơ sở. Xây dựng cơ chế liên đới trách nhiệm, người đánh giá phải chịu trách nhiệm về những nội dung nhận xét, đánh giá của mình đối với cán bộ được đánh giá. Rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức theo từng loại chức danh, công việc được đảm trách dựa trên Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5-11-2012 của Ban Tổ chức Trung ương và Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17-5-2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, từ các tiêu chí này sẽ là cơ sở để lượng hóa một số nội dung trong đánh giá, khắc phục những hạn chế đối với việc sử dụng phương pháp định tính trong đánh giá.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát năng lực chuyên môn và đạo đức, tác phong của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn những hành vi sai lệch như: thiếu trách nhiệm, lạm dụng quyền lực cố ý làm sai; tạo điều kiện để người cán bộ, công chức chấn chỉnh hành vi, lề lối, tác phong làm việc, tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị cấp cơ sở trung thực, dân chủ, minh bạch và phục vụ nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên và theo tiến độ thực hiện nhiệm vụ. Ban kiểm tra, giám sát phải là người có đủ trình độ, am hiểu lĩnh vực cần kiểm tra, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực và công minh trong nhận xét, đánh giá. Kiên quyết không đề cử và bầu vào Ban kiểm tra, giám sát những người yếu chuyên môn nghiệp vụ, “dĩ hòa vi quý” hoặc có tư tưởng định kiến, độc đoán, bè phái, lợi ích nhóm… làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ.

Bảy là, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách thu hút, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức. Tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở không ngừng được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý. Từng bước xây dựng chế độ lương, khen thưởng, phụ cấp thỏa đáng và tương xứng với nhiệm vụ để người cán bộ cấp cơ sở yên tâm công tác. Có chế độ động viên, khen thưởng kịp thời những gương điển hình có thành tích tốt trong công tác.

Tóm lại, đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở không chỉ thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý và điều hành trực tiếp mọi mặt đời sống xã hội ở cơ sở, mà còn làm chức năng vận động quần chúng và triển khai thực hiện thắng lợi những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn ở cơ sở. Do đó, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị đội ngũ cấp cơ sở là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và thường xuyên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>