Mặt trận và các tổ chức thành viên cần “chạy kịp” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà

24/08/2022 | 18:49 GMT+7

Dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết là không khí tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên được tổ chức mới đây.

Hội nghị đã trở thành diễn đàn thực sự bổ ích để lãnh đạo tỉnh lắng nghe và hiểu hơn thực tế thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, nhất là khó khăn, vướng mắc mà họ đang gặp phải.

Đại biểu phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết tại hội nghị.

Phản ánh khó khăn từ cơ sở

Là người phát biểu đầu tiên tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Tươi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, cho biết, trước đây, Mặt trận cấp xã có 2 phó chủ tịch, sau khi thực hiện theo Nghị quyết số 27 của HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng và mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở ấp, khu vực thì giảm chỉ còn 1 phó chủ tịch. Ngoài nhiệm vụ của đơn vị, cán bộ Mặt trận cấp xã còn tham gia thực hiện các công việc của chính quyền, đoàn thể, do đó nhiệm vụ rất nhiều nhưng phụ cấp dành cho phó chủ tịch Mặt trận cấp xã hiện nay rất thấp. Đề nghị tỉnh quan tâm xem xét tăng mức phụ cấp hỗ trợ cho chức danh này.

Ngoài bà Tươi, nhiều đại biểu đã mạnh dạn phản ánh những khó khăn mà Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cấp cơ sở gặp phải trong hoạt động. Theo đó, công việc mà cán bộ không chuyên trách ở cơ sở phải đảm nhận là rất nhiều nhưng mức phụ cấp, trợ cấp mà họ được nhận chưa tương xứng. Điều này dẫn tới tình trạng một số trường hợp phải nghỉ việc vì cuộc sống gia đình khó khăn.

Ông Mai Chí Toại, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, nhìn nhận có tình trạng cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên ở cơ sở bị già hóa, còn người trẻ thì ít chịu tham gia vì mức phụ cấp thấp không đủ sống. Do đó, cần cải thiện vấn đề về thu nhập thì mới có thể thu hút người trẻ tham gia công tác tại Mặt trận và đoàn thể ở cơ sở.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, cựu chiến binh ở thành phố Ngã Bảy thì đề nghị nên xem xét giảm chỉ tiêu kết nạp hội viên cựu chiến binh ở cơ sở vì công tác này đang gặp khó. “Nhiều trường hợp không thể kết nạp vào tổ chức hội vì già yếu, bệnh tật; còn người trẻ thì đi làm ở các công ty, doanh nghiệp nên kêu gọi họ tham gia vào tổ chức hội cũng rất khó khăn. Do đó, việc thực hiện chỉ tiêu kết nạp hội viên đang gặp khó”, ông Nghĩa chia sẻ.

Hiến kế

Ngoài phản ánh khó khăn gặp phải trong hoạt động, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên còn tích cực hiến kế cho sự phát triển của tỉnh, trong đó nhiều người quan tâm đến Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường V, thành phố Vị Thanh, tin tưởng một khi Nghị quyết số 04 được triển khai thực hiện tốt sẽ thổi “luồng gió mới” cho sự phát triển của tỉnh những năm tới. Để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, ông Dũng cho rằng tỉnh cần quy hoạch các vùng chuyên canh quy mô lớn để trồng, nuôi các cây, con có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, địa phương. Song song đó, cần tích cực quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: cá thát lát, khóm Cầu Đúc… đến với bạn bè gần xa.

Quan tâm đến lĩnh vực du lịch trong Nghị quyết số 04, ông Phùng Văn Tốt, ở phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, mong muốn tỉnh tìm giải pháp để khôi phục vị thế Chợ nổi Ngã Bảy. “Chợ nổi Ngã Bảy này từng nức tiếng một thời, có bề dày lịch sử hơn trăm năm lẫn quy mô khó nơi nào sánh được. Sau này, chợ nổi được dời về cách chỗ cũ 3km và dần chìm vào quên lãng vì sự thưa thớt ghe xuồng, không đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Tỉnh đã có nhiều động thái để khôi phục Chợ nổi Ngã Bảy nhưng chợ nổi này không còn được như xưa. Do đó, chúng tôi mong muốn tỉnh có giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn nữa để sớm khôi phục lại vị thế của chợ nổi này”, ông Tốt chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Hữu Nghĩa, cựu chiến binh ở thành phố Ngã Bảy, cho rằng tỉnh cần tích cực mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Về nông nghiệp, vận động người dân không sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và tránh tình trạng “thích gì trồng đó, nuôi đó” sẽ gặp khó về đầu ra. Tỉnh cần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; kêu gọi các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư vào địa bàn.

Cũng theo ông Nghĩa, khi quy hoạch đô thị phải có tính chiến lược lâu dài, tránh tình trạng quy hoạch treo gây bức xúc, khó khăn trong dân. Về du lịch, cần phát triển có sự tập trung, tránh dàn trải. Ngành chức năng của tỉnh cần tổ chức tập huấn cho người dân có đam mê làm du lịch, đồng thời hướng dẫn họ khai thác xây dựng các điểm du lịch sinh thái nếu hội đủ các điều kiện.

Đại biểu còn cho rằng Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là tài sản quý của tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, tiềm năng rất lớn. Do đó, tỉnh cần kêu gọi nhà đầu tư khai thác tiềm năng của Lung này, gắn với bảo vệ nghiêm ngặt, bảo tồn nguyên vẹn vùng lõi Khu bảo tồn theo đúng quy định, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của con người tới thiên nhiên và hệ sinh thái nơi đây…

Cần sự đổi mới trong hoạt động

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trân trọng những ý kiến góp ý đầy tâm huyết, trách nhiệm mà đại biểu nêu ra tại hội nghị. Chủ tịch UBND tỉnh rất ấn tượng khi nhiều đại biểu có sự nghiên cứu nội dung trong Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, từ đó hiến kế cho tỉnh trong thực hiện. Đó là điều đáng mừng, vì một khi cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên nắm vững, hiểu rõ sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến trong đoàn viên, hội viên và người dân, giúp nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Ông Đồng Văn Thanh đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu đặt ra, nhất là đối với khó khăn mà Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đang gặp phải trong hoạt động. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, việc bố trí, sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 34 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Do đó, tỉnh không thể bố trí thêm người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Những ý kiến phản ánh của đại biểu về tình trạng thiếu cán bộ thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở sẽ được tỉnh ghi nhận và phản ánh về Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết tỉnh đã tận dụng các nguồn lực để hỗ trợ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, tuy nhiên mức hỗ trợ hiện nay còn thấp. Để cải thiện tình trạng này thì toàn tỉnh phải tập trung thu ngân sách. Một khi thu ngân sách đạt cao sẽ có điều kiện giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có việc tăng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở cơ sở.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu tại hội nghị; đồng thời yêu cầu Tổ giúp việc của Tỉnh ủy tổng hợp đầy đủ các ý kiến, chuyển các cơ quan, ban, ngành, các đơn vị liên quan giải đáp và đề ra kế hoạch thực hiện trong tháng 9.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các sở, ngành tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; phối hợp, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân và hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thông tin với đại biểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy cho biết trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn đan xen, với tinh thần “đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả nhiều nhiệm vụ quan trọng trong 6 tháng đầu năm nay, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11%, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 8 cả nước. Trong kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

Tỉnh đang thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ nên khối lượng nhiệm vụ phải làm là rất lớn. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hãy phấn đấu “chạy kịp” cùng với Đảng, chính quyền trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Hậu Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh. Để có thể “chạy kịp” thì Mặt trận và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh phải thực sự đổi mới trong hoạt động, thực hiện tốt việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân; tham gia tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, Nhân dân kịp thời phản ánh đến cấp ủy, chính quyền. Thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng động viên kịp thời, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>