Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thành Lập:

Kết quả cải cách chưa đáp ứng kịp nhu cầu

07/12/2012 | 08:26 GMT+7

Sau 6 năm thực hiện Quyết định số 93 ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tại Hậu Giang đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra vẫn còn nhiều việc phải làm. Cái chính vẫn là con người trong bộ máy hành chính phải thực sự cải cách. Ông Trần Thành Lập (ảnh) cho biết: 

 

 

- Thực hiện Quyết định 93 của Thủ tướng Chính phủ, Hậu Giang đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, đã triển khai thực hiện đồng bộ cơ chế một cửa ở các đơn vị thực hiện cải cách hành chính tỉnh, cấp huyện và xã; bước đầu thực hiện cơ chế một cửa liên thông ở một số lĩnh vực về đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư - Cục Thuế tỉnh - Công an tỉnh), đất đai (Phòng Tài nguyên và Môi trường - Chi cục Thuế cấp huyện -  Văn phòng UBND cấp huyện), kết hôn có yếu tố nước ngoài (Sở Tư pháp - Văn phòng UBND tỉnh)…, đặc biệt có những địa phương đã triển khai mô hình một cửa điện tử.

 

Cơ sở vật chất từng bước được trang bị hiện đại, nhất là ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện, xã; năng lực, trình độ của cán bộ, công chức từng bước được nâng lên thông qua công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ; cấp ủy, chính quyền đã có sự quan tâm chỉ đạo sát hơn.

 

Nhờ đó, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng hẹn cho dân các cấp luôn đạt trên 80% (số còn lại là trước hẹn và đang trong quá trình xử lý).

 

Hạn chế của tỉnh về thực hiện quyết định trên và về công tác cải cách thủ tục hành chính là gì, thưa ông ?

 

- Những hạn chế mà chúng ta có thể thấy rõ là sự thiếu quan tâm chỉ đạo của một số sở, ngành; một số cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện; trình độ, năng lực, kinh nghiệm cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ công chức trẻ chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tiễn; điều kiện kinh tế tỉnh còn khó khăn nên việc cấp kinh phí, trang bị cơ sở vật chất từng lúc chưa kịp thời, thiếu đồng bộ; cơ chế chính sách đãi ngộ đã có nhưng chưa cân xứng mức độ công việc hiện tại; và quy định hành chính, thủ tục hành chính còn nhiều, đôi khi chồng chéo, phức tạp, nên việc triển khai thực hiện gặp khó cho cả cơ quan giải quyết và người dân.

 

Cán bộ Bộ phận “một cửa” UBND xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A (bên trong) hướng dẫn người dân xem các thủ tục hành chính. Ảnh: H.NGUYÊN.

 


Yếu tố con người đã đáp ứng được yêu cầu cải cách, phục vụ người dân chưa, thưa ông ?

 

- Theo tôi thì hiện tại có thể chấp nhận được, nhưng về lâu dài cần phải có định hướng yếu tố này một cách phù hợp, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.

 

Những hạn chế đã được nhìn nhận từ lâu, sao chúng ta chưa khắc phục triệt để ?

 

- Vấn đề này chúng ta đã và đang khắc phục. Không phải chưa triệt để mà kết quả cải cách chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội.

Tôi lấy ví dụ: Một quy định hành chính khi ban hành có thể nói là tại thời điểm đó tính khả thi rất cao, tuy nhiên 1-2 năm… do sự phát triển và đòi hỏi thực tiễn yêu cầu tính hiệu quả phải tốt hơn, khi đó ta thấy quy định bộc lộ hạn chế. Vậy là chúng ta bắt đầu điều chỉnh, bổ sung, nhưng với quy luật phát triển thì việc nhìn thấy cái hạn chế đó chính là điều kiện cho chúng ta hoàn chỉnh tốt hơn và từng bước loại bỏ dần hạn chế theo xu thế phát triển chung.

 

Cơ chế, chính sách, quy định và con người trong cải cách thủ tục hành chính có sự tương hỗ lẫn nhau. Nhưng theo ông yếu tố quan trọng nhất là gì ?

 

- Theo tôi yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, vì chính con người mới là chủ thể ban hành các cơ chế, chính sách, quy định… để triển khai, áp dụng vào thực tiễn của xã hội. Do đó, nếu các cơ chế, chính sách, quy định… có gây khó khăn, vướng mắc, phiền hà cho người dân làm ảnh hưởng sự phát triển xã hội thì chúng ta điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển và thực tiễn đòi hỏi. Nhưng nếu là con người (có thẩm quyền) thì việc ban hành văn bản phải chú ý tính thống nhất (quy định chặt chẽ, không chồng chéo, dễ hiểu, dễ thực hiện), đồng thuận của người dân (dân nghe, dân hiểu, tán thành quy định), phù hợp thực tiễn thì tính khả thi mới cao, mới hiệu quả.

 

Vậy, Hậu Giang đã định hướng cho sự cần thiết trên như thế nào trong năm 2013 ?

 

- Trong năm tới, Hậu Giang sẽ triển khai một số công việc sau:

 

Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng giao tiếp công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức…

 

Xây dựng kế hoạch cải cách thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện ISO và thực hiện một cửa điện tử.

 

Xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý về phụ cấp trách nhiệm, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm, đặc biệt là phát huy chính sách thu hút nhân tài của tỉnh đã ban hành.

 

Tranh thủ nguồn vốn ngân sách nhà nước cũng như nguồn vận động xã hội hóa vào trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kịp thời công cuộc cải cách hành chính của tỉnh.

 

Đặc biệt, quan tâm quán triệt sâu rộng đến tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền; từng đảng viên và cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

 

Xin cảm ơn ông !

TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>