Hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

08/11/2020 | 18:38 GMT+7

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên...

Hoàn thành chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính giúp cho BS.CKI Thạch Phương (đứng) có thêm sự tự tin và ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn.

Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được các cấp, các ngành thực hiện dựa trên cơ sở quy hoạch, trong đó các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc điều tra, nắm chắc tình hình đội ngũ cán bộ, nhu cầu đào tạo bồi dưỡng cho các đối tượng cán bộ khác nhau, bao gồm cả cán bộ đương nhiệm và cán bộ thuộc diện quy hoạch, từ đó xây dựng kế hoạch để mở lớp hoặc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng. Nhất là quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số để xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa các cấp có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong thời kỳ mới.

Cán bộ trưởng thành hơn

Năm 2019, BS.CK1 Thạch Phương, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, được cử đi học lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị tỉnh. Cảm xúc của anh khi ấy là vui mừng vì đó là cơ hội để anh nâng cao nền tảng chính trị và trình độ chuyên môn. BS.CK1 Thạch Phương bộc bạch: “Được tổ chức quan tâm, tạo điều kiện cho đi học để nâng cao trình độ là vinh dự và cũng là trách nhiệm nặng nề. Do đó, tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nội dung trong chương trình học để đáp lại sự tín nhiệm của mọi người”.

Vừa làm vừa học, nhưng anh luôn sắp xếp thời gian hợp lý để thực hiện vẹn toàn cùng lúc hai nhiệm vụ. Cuối tháng 9 vừa qua, anh nhận bằng tốt nghiệp. “Bây giờ, tôi thấy mình trưởng thành hơn về mọi mặt so với trước đây. Được học tập, nghiên cứu tài liệu và học hỏi thêm nhiều kiến thức thực tế bổ ích từ thầy cô, bạn bè giúp tôi bổ sung dày thêm bản lĩnh, kỹ năng trong xử lý công việc. Nhờ vậy mà bản thân tự tin và ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn”, BS.CK1 Thạch Phương tâm sự.

Anh Phạm Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường III, từng được UBND thành phố Vị Thanh ra quyết định cử tham gia học liên thông đại học ngành công nghệ thông tin. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã vận dụng có hiệu quả kiến thức đã học vào thực tế công tác.

Anh Hiếu cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ. Nền tảng kiến thức trên giảng đường đại học giúp anh xử lý nhanh hơn các văn bản được giao phụ trách trên máy tính. Song song đó, anh tích cực hướng dẫn hội viên nông dân ứng dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất, cuộc sống.

“Tôi hướng dẫn người dân sử dụng hệ thống phần mềm dịch vụ công của tỉnh để giải quyết hồ sơ hành chính được nhanh hơn, đỡ mất thời gian đi lại. Gần đây, tôi còn giúp nhiều hội viên nông dân cài đặt ứng dụng trên di động “Hậu Giang” (app Hậu Giang - PV) để có thể sử dụng nhiều dịch vụ tiện ích trên đó như: đặt lịch khám, chữa bệnh; tìm hiểu thị trường nông sản; phản ánh trực tiếp hiện trường nếu gia đình hay địa bàn dân cư bị thiệt hại do thiên tai hoặc có vấn đề bức xúc cần giải quyết”.

Có thể thấy, đội ngũ cán bộ của tỉnh sau khi đào tạo, bồi dưỡng có sự trưởng thành về nhận thức, phát huy khả năng nắm bắt lý luận và thực tiễn; khi được đề bạt, bổ nhiệm hầu hết đều phát huy tốt chức trách của mình trên cương vị mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã làm tốt hơn nhiệm vụ tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp để thực thi nhiệm vụ một cách có hiệu quả. Các kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, khoa học quản lý, chính trị, pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức thực thi công vụ… đã được vận dụng vào giải quyết công việc, bước đầu tạo được niềm tin của công dân và tổ chức vào hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.

Được đào tạo thêm về chuyên môn giúp cho anh Phạm Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường III, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Là địa phương có địa bàn rộng, dân số đông, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đòi hỏi bộ máy chính quyền ở huyện Phụng Hiệp phải hoạt động thật sự có hiệu quả. Để làm được như vậy thì mỗi cán bộ trong bộ máy ấy phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phải năng động, đổi mới và có đủ trình độ, bản lĩnh để xử lý tốt mọi yêu cầu công việc đặt ra. Cho nên hơn hết công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được huyện Phụng Hiệp đặt lên hàng đầu.

Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Phụng Hiệp Nguyễn Thanh Cầm cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo rất sát sao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhờ vậy mà đến nay, công tác này ở huyện thu được những kết quả quan trọng. Số lượng cán bộ được đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị và đào tạo thêm về chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng nhiều.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đưa đào tạo 333 cán bộ, công chức về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, đã mở 15 lớp sơ cấp lý luận chính trị, có 815 đồng chí dự học; 47 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể có 42.928 học viên tham gia, góp phần tích cực trong việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ.

Không riêng huyện Phụng Hiệp, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt. Với quyết tâm đột phá về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo”.

Mục tiêu đề ra là xây dựng và từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển; chủ động tạo nguồn cán bộ lãnh đạo cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Bên cạnh đó, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ Nhân dân, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra.

Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, việc thực hiện mục tiêu về đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả khá tốt thời gian qua. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, đã mở 10 lớp cao cấp lý luận chính trị với 618 đồng chí theo học; mở 51 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 2.210 đồng chí theo học; đào tạo sau đại học 424 đồng chí.

Với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính, thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo ông Sầm Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, trường tập trung siết chặt kỷ cương nề nếp trong hoạt động dạy và học; ban hành nhiều nội quy, quy chế đối với các lớp học, đã thay đổi nhiều hình thức thi, ra đề thi, nghiên cứu thực tế, bổ sung điều chỉnh quy chế, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tăng cường trao đổi thông tin giữa nhà trường với cấp ủy các cấp… nhằm đưa hoạt động dạy và học đi vào nề nếp, mang lại chất lượng cao hơn.

Cùng với đó, trường tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức trong sáng; trình độ chuyên môn sâu, rộng và khả năng sư phạm tốt, có kiến thức thực tiễn sâu sắc, phong phú. Tăng cường đầu tư các trang thiết bị cần thiết cho quá trình dạy học, đặc biệt là sử dụng phương pháp dạy học tích cực…

“Cán bộ là cái gốc của mọi việc” - tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy công tác cán bộ có vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Thực hiện theo tư tưởng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, tạo nền tảng vững chắc cho tỉnh nhà phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Tính đến nay, số lượng cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, có trình độ sau đại học là 958 người, chiếm tỷ lệ 6,01% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; trình độ đại học là 11.978 người và trình độ cao đẳng, trung cấp là 6.078 người. Về trình độ lý luận chính trị, toàn tỉnh có 5.321 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Trong đó, có 1.245 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cử nhân, cao cấp chính trị; 4.076 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>