Giảm nghèo ở Tân Phú

21/12/2016 | 08:06 GMT+7

Từ việc tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, cùng với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương nên trong năm 2016, công tác giảm nghèo ở xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nhờ được vay vốn, gia đình bà Bích phát triển đàn heo để thoát nghèo.

Đầu năm 2016, xã Tân Phú có 585 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 26,08% dân số toàn địa bàn. Đây là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thị xã Long Mỹ. Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo 2-3% theo nghị quyết đã đề ra, xã Tân Phú đã thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, việc tổ chức đối thoại với hộ nghèo được đánh giá là cách làm mang lại hiệu quả. Ông Võ Thành Tài, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú, cho biết: “Qua phân loại hộ nghèo, xã có khoảng 200 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội là người già neo đơn, tàn tật, đây là những đối tượng không thể vượt nghèo được. Số hộ nghèo còn lại chúng tôi tổ chức đối thoại để tìm hiểu nguyên nhân vì sao không thể thoát nghèo và vận động 120 hộ đăng ký thoát nghèo trong năm 2016. Từ đó, tùy vào trường hợp cụ thể để giới thiệu cho họ tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội (CSXH), hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với từng hoàn cảnh và chuyển giao khoa học kỹ thuật”.

Được công nhận thoát nghèo trong đợt bình xét hộ nghèo, cận nghèo trong năm 2016, bà Trần Thị Bích, ở ấp Tân Hưng 2 rất phấn khởi. Trước đây, do bệnh tật và làm ăn thua lỗ nên gia đình bà rơi vào cảnh khó khăn, 8 công đất phải cầm cố hết. Đầu năm 2016, nhờ được chính quyền địa phương giới thiệu vay 30 triệu đồng từ ngân hàng CSXH nên gia đình bà có điều kiện tái đàn heo và thả nuôi cá tra trong mương vườn. Vừa qua, bà đã xuất chuồng 2 lứa heo, kiếm lời hơn chục triệu đồng. Hiện giờ trong chuồng còn 1 con heo nái để sinh sản và gần 10 con heo tơ sẽ xuất chuồng trước Tết Nguyên đán. Bà Bích chia sẻ: “Nhiều lần tôi cũng muốn tái đàn heo, nhưng vì không có vốn nên đành thôi vì sợ đi vay bên ngoài thì lãi cao quá. Nhờ có được nguồn vốn vay đã giúp gia đình tôi rất nhiều trong việc làm ăn, phát triển kinh tế. Bây giờ, tôi ở nhà chăn nuôi còn chồng và con thì đi làm thuê cũng có thu nhập ổn định. Gia đình tôi cũng cố gắng làm lụng tích lũy để chuộc lại đất”.

Ông Trương Hoàng Khởi, Trưởng ấp Tân Hưng 2, xã Tân Phú, cho biết: “Đối với các hộ nghèo đã đăng ký thoát nghèo trong năm 2016 thì cán bộ đoàn thể, Mặt trận ấp cũng thường xuyên đến gia đình để theo dõi việc sử dụng nguồn vốn vay thực hiện mô hình làm ăn. Nếu có khó khăn gì thì chúng tôi sẽ trực tiếp trợ giúp hoặc báo với Đảng ủy, UBND xã có hướng hỗ trợ kịp thời. Nhờ thường xuyên tới lui thăm hỏi và vận động bà con nên cuối năm nay toàn ấp có 12 hộ thoát nghèo”.

Để công tác giảm nghèo mang lại hiệu quả, Đảng ủy, UBND xã Tân Phú còn đề cao vai trò của các hội, đoàn thể trong việc hỗ trợ và kèm cặp các đối tượng về vốn làm ăn, kiến thức khoa học để phát triển kinh tế hộ. Đơn cử như Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, từ việc tranh thủ sự hỗ trợ các chương trình dự án giảm nghèo của hội LHPN cấp trên và các nguồn vốn của tổ tiết kiệm vay vốn ở các chi, tổ hội, cuối năm nay đã giúp 33 hội viên phụ nữ không còn giữ sổ hộ nghèo.

Tiêu biểu phải kể đến tổ phụ nữ đoàn kết tương trợ ở Chi hội Phụ nữ ấp Long Trị 1, qua một năm quyết tâm, phấn đấu làm kinh tế đã có 7 thành viên thoát nghèo. Hiện nay, hơn 10 thành viên trong tổ ngoài thực hiện mô hình chăn nuôi heo, gà, vịt, trồng cam còn kiếm thêm thu nhập bằng nghề theo thời vụ như bắt ốc bươu vàng và lựa nấm rơm. Tháng 10 vừa qua, các thành viên trong tổ còn được dạy nghề bó chổi và đan nón theo hợp đồng với công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh nên kinh tế khá ổn định. Bà Trần Thị Hường, hội viên phụ nữ ấp Long Trị 1, cho hay: “Tham gia chi hội phụ nữ ấp, chị em chúng tôi ngoài được giới thiệu nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng CSXH, còn được vận động thành lập tổ tiết kiệm vay vốn. Đến nay, đã tiết kiệm được gần 40 triệu đồng cho các chị em trong tổ vay xoay vòng để trồng trọt, chăn nuôi”.

Đến thời điểm này, 14 tổ tiết kiệm vay vốn ở 8 chi hội phụ nữ của xã Tân Phú đã góp được số tiền gần 500 triệu đồng. Hàng tháng, đều xét cho gần 200 lượt chị em vay mượn không tính lãi để làm ăn. Chị Nguyễn Thị Hồng Đan, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Phú, cho biết: “Để hoạt động hội thu hút được chị em tham gia, Hội LHPN xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đưa ra nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế, trong đó ngoài tín chấp với ngân hàng CSXH, còn phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tới hội viên để áp dụng vào sản xuất, từ đó nhiều hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn, cũng như kiến thức để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”.

Từ sự quan tâm như trên nên qua bình xét cuối năm 2016 xã Tân Phú có 156 hộ thoát nghèo, đạt tỷ lệ 8,31%. Số hộ nghèo toàn địa bàn hiện nay còn 424 hộ, chiếm tỷ lệ 17,77%. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo của xã Tân Phú hiện nay vẫn còn cao so với mặt bằng chung của thị xã. Ông Võ Thành Tài, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú, cho biết thêm: Là xã thuần nông, để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống người dân, Đảng bộ xã Tân Phú xác định phải khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh đất đai và vươn lên bằng nội lực. Ngoài ra, tiến hành rà soát, điều tra từng hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có cách tiếp cận và hỗ trợ hiệu quả hơn. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đều được giao phụ trách các ấp; các chi bộ phân công đảng viên giúp đỡ các hộ nghèo, thực hiện phương châm cùng nhau giúp đỡ hộ nghèo về sử dụng vốn, kiểm tra cách làm ăn của các hộ để có hướng dẫn cụ thể. Đối với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm và mạnh dạn trong sản xuất, kinh doanh được đặc biệt coi trọng và làm thường xuyên.

Bài, ảnh: HOÀNG NHÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>