Dân chủ để an dân

19/12/2016 | 08:05 GMT+7

Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đã giúp huyện Châu Thành thúc đẩy kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và tạo được lòng tin từ phía người dân.

Tuyến lộ rạch Ngã Bát được xem như dấu ấn của việc giám sát từ nhân dân.

Điểm lại một năm cho thấy, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn huyện có nhiều điểm sáng…

Dân đồng thuận nhờ dân chủ

 Gặp ông Trần Văn Tiền, người dân Khu tái định cư Đông Phú, xã Đông Phú đang sửa soạn lại bàn ghế sau một ngày buôn bán cà phê, nghe ông Tiền tâm sự: “Lúc trước, mỗi lần trời mưa là nước thải ứ đọng gây ra mùi hôi khó chịu kèm theo ô nhiễm môi trường. Nay nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp mà nước thải ô nhiễm tại khu tái định cư được xử lý tốt, không khí trong lành và sạch sẽ hơn, người dân thấy ấm lòng, biết chính quyền luôn quan tâm, hỗ trợ dân nhiều lắm”.

Ngoài chuyện giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc trong dân, xã Đông Phú còn triển khai công khai nhiều văn bản, tiến hành lấy ý kiến đóng góp của người dân trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch đất, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa… đặc biệt là tổ chức thành công buổi tọa đàm “Thực trạng và nâng cao giải pháp thực hiện QCDC ở cơ sở”, ghi nhận nhiều ý kiến hay… Ông Đặng Văn Nhàn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Phú, chia sẻ: “Đảng ủy xã luôn quan tâm chỉ đạo Ban chỉ đạo thực hiện QCDC xã kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các ấp trong việc thực hiện QCDC để có phương hướng hoạt động hiệu quả hơn, để dân chủ được phát huy đúng định hướng”.

Mỗi người dân cũng góp phần để tinh thần dân chủ lan tỏa, trải rộng. Đang quét dọn tuyến lộ trước sân nhà, chị Nguyễn Thị Bích Loan, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, bộc bạch: “Nhờ có tuyến lộ này mà việc buôn bán, đi lại của bà con trong khu vực thuận tiện hơn. Người dân ở đây thường xuyên thay phiên nhau giám sát việc xây dựng công trình hễ có gì cập rập xảy ra sẽ báo ngay với chính quyền địa phương kịp thời xử lý”. Tuyến đường lộ giao thông nông thôn rạch Ngã Bát, rộng 3m, dài hơn 500m được xây dựng từ nguồn vận động xã hội hóa trên 500 triệu đồng. Khi chuẩn bị xây dựng, địa phương đã cho mời người dân trên tuyến ra thị trấn họp nhiều lần để lấy ý kiến thống nhất, người dân rất mực đồng tình. Rõ ràng, khi dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Luôn là nhiệm vụ trọng tâm đặc biệt

Hơn nửa tháng nay, người dân ở thị trấn Mái Dầm hay nhắc đến chuyện lần đầu tiên được tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh, với ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng nhiều lãnh đạo tỉnh. Tại buổi tiếp xúc, người dân đã có những ý kiến, kiến nghị về nhiều vấn đề về giao thông, điện, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường… đều được các lãnh đạo trực tiếp giải trình, chỉ đạo xử lý thỏa đáng. Bà Huỳnh Thị Bích Thủy, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, chia sẻ: “Bản thân tôi và nhiều người dân được tham gia buổi tiếp xúc đều cảm thấy mừng. Chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm mà các lãnh đạo dành cho người dân. Tôi hy vọng, những buổi tiếp xúc như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn để người dân có cơ hội giải bày những tâm tư, tình cảm, bức xúc còn tồn đọng”…

Châu Thành được Tỉnh ủy chọn tổ chức hội nghị lần đầu tiên này, đã giúp huyện có thêm nhiều kinh nghiệm phát huy dân chủ. Tuy nhiên, dù đã có sự quan tâm, chỉ đạo từ tỉnh, huyện xuống cơ sở, nhưng một số nơi việc thực hiện QCDC vẫn còn hạn chế nhất định và cấp ủy, chính quyền cơ sở luôn nhìn nhận và có giải pháp khắc phục kịp thời. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Mái Dầm, nói: “Việc phát huy vai trò của các đoàn thể trong tuyên truyền, thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn một số điểm cần rút kinh nghiệm, nhất là liên quan đến trình độ, năng lực. Hiện tại, thị trấn đã và đang có chấn chỉnh phù hợp, kịp thời, để tạo dựng niềm tin với dân, để dân có cơ hội chia sẻ nhiều hơn từ nhiều kênh khác nhau”.

Thực hiện QCDC ở cơ sở luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Huyện ủy Châu Thành quan tâm, củng cố. Ngay từ đầu năm, huyện đã tiến hành triển khai những kế hoạch cụ thể cho các đơn vị, địa phương có lồng ghép với việc phát động thi đua. Song song đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi ra dân trên hệ thống truyền thanh, pano, áp phích, tuyên truyền miệng qua các buổi sinh hoạt chi, tổ, hội để nâng cao nhận thức người dân về trách nhiệm của mình đối với thực hiện QCDC. Bà Lê Thị Kim Loan, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành, nhấn mạnh: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy, Huyện ủy về thực hiện QCDC ở cơ sở. Thực hiện tốt QCDC ở cơ sở cũng chính là sự thể hiện việc trọng dân, hiểu dân, quan tâm đến dân, để cả hệ thống chính trị cùng nhân dân thực hiện hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết hàng năm của Đảng bộ huyện đề ra”.

Những điểm nhấn dân chủ

Nhiều xã, thị trấn trên địa bàn có mô hình thực hiện QCDC được Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá cao, như mô hình “Nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc, hiệu quả công việc trong cơ quan hành chính” của xã Phú Tân; mô hình “Dự báo giá hàng nông sản” của xã Đông Phước A… Huyện tổ chức một buổi tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hiện QCDC ở cơ sở”. Việc tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của người dân được quan tâm. Đặc biệt, Thường trực HĐND huyện đã phân công đại biểu HĐND huyện tiếp dân tại trụ sở HĐND huyện. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tiếp 202 lượt công dân đến khiếu nại, phản ánh, tiếp nhận 136 đơn, đã thẩm tra xác minh, giải quyết 134 đơn, đạt tỷ lệ 98,5%...

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>