Cựu chiến binh làm dân vận

15/02/2017 | 08:48 GMT+7

Phát huy vai trò của một đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, những năm gần đây, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh đã làm tốt phong trào Dân vận khéo. Qua đó, ngày càng phát huy vai trò của hội viên CCB trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Bà Phạm Thị Ngò, ở ấp Láng Sen A, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, luôn đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động.

Nhờ đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo, các cấp hội CCB trong tỉnh đã tích cực vận động hội viên, nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thành lập các đội dân phòng bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự tại từng địa bàn dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội. Đặc biệt, cán bộ, hội viên luôn phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nêu cao vai trò, trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, gương mẫu trong cuộc sống, được nhân dân tin tưởng. Phong trào thi đua Dân vận khéo đã được các cấp hội CCB tích cực triển khai gắn với các phong trào hoạt động của Hội; đồng thời kết nối sâu sắc hơn tình cảm, tình đồng chí, đồng đội của hội viên, góp phần quan trọng để các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Đi trước, làm trước” cũng là cách làm của các cấp hội CCB thời gian qua trong công tác dân vận khéo. Như trong chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới, ban đầu người dân tham gia hiến đất xây dựng hạ tầng nông thôn rất dè dặt, vì thế các cấp hội CCB đã phát động phong trào thi đua trong Hội, khuyến khích CCB gương mẫu đi đầu trong hiến đất, làm đường nông thôn mới.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, khẳng định: “Lực lượng hội viên CCB tự nguyện hiến đất, phá bỏ tường rào, công trình phụ, chặt bỏ cây ăn quả các loại để tạo quỹ đất xây dựng các công trình nông thôn mới ngày càng nhiều. Song song đó, các hội viên CCB tham gia ngày công lao động, đóng góp hàng tỉ đồng nạo vét kênh mương nội đồng; huy động các doanh nghiệp ủng hộ tiền cùng các đoàn thể, địa phương xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho CCB khó khăn về nhà ở. Đến nay, nhu cầu nhà ở của hội viên CCB cơ bản được đáp ứng”.

Ông Huỳnh Văn Phước, hội viên CCB phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, là một trong những CCB gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Việc làm cụ thể mà ông Phước đã và đang làm là hiến đất xây cầu, bỏ tiền túi ra mua, tặng tập, sách cho học sinh nghèo; vận động nguồn lực hỗ trợ người nghèo cất nhà, chăn nuôi. Ông Phước chia sẻ: “Để làm tốt công tác dân vận khéo, mỗi CCB đều phải cố gắng là một tấm gương gương mẫu đi trước thực hiện các phong trào, có như vậy mới tạo được sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân, khích lệ người dân cùng tham gia”.

Điểm nổi bật trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo là các cấp hội đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhiệm vụ của tổ chức hội; nắm chắc đặc điểm, tình hình địa bàn để chọn đăng ký mô hình Dân vận khéo cho phù hợp, không máy móc, rập khuôn; tạo nên sự đa dạng, phong phú về mô hình và nâng cao hiệu quả.

Nội dung trọng tâm của phong trào thi đua Dân vận khéo mà các cấp hội đang thực hiện là vận động hội viên CCB và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị”... 100% các cấp hội xây dựng mô hình Dân vận khéo và đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, theo Hội CCB tỉnh, đã có 100% cấp hội cơ sở xây dựng mô hình Dân vận khéo trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hội viên liên kết xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả; hội viên nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu đô thị; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; xây dựng mối quan hệ khăng khít trong xóm làng…

Không chỉ là CCB gương mẫu mà còn là một trưởng ấp được người dân tin tưởng, ông Nguyễn Văn Cao, ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Khi mình nói người dân chưa nghe thì mình làm. Cán bộ hội xác định trước hết phải gần gũi, tiếp xúc với người dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, biết được họ cần gì, muốn gì, từ đó mới có cách tuyên truyền hiệu quả để họ hiểu và đồng thuận. Khi dân đồng thuận việc khó cũng trở nên dễ”.

Bà Phạm Thị Ngò, CCB ở ấp Láng Sen A, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “CCB thực hiện một việc làm nhỏ cũng là góp phần cùng địa phương vận động người dân tích cực tham gia theo. Cứ nghĩ vậy mà tôi tự giác đi đầu trong các phong trào địa phương phát động, sau đó vận động bà con, dòng họ cùng làm”.

Việc thực hiện phong trào Dân vận khéo bằng những mô hình, việc làm cụ thể, thiết thực của các cấp hội CCB trong tỉnh đã nêu cao truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, góp phần thiết thực trong việc bảo vệ và xây dựng quê hương trong thời bình.

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>