Cựu chiến binh hôm nay

06/02/2018 | 09:15 GMT+7

Qua nhiều năm tháng ở môi trường quân ngũ đã rèn luyện cho lực lượng cựu chiến binh hôm nay bản lĩnh chính trị vững vàng; quyết lòng bảo vệ thành quả cách mạng và dựng xây quê hương, đất nước trong tình hình mới.

Trở về cuộc sống đời thường, những người lính từng đón bao “mùa xuân chiến khu” vẫn luôn ý thức vai trò, trách nhiệm với gia đình; gương mẫu, đi đầu trong các phong trào cách mạng ở địa phương. Bởi giờ đây, họ không có mục tiêu, lý tưởng nào khác hơn ngoài việc tiếp tục gìn giữ khí tiết sáng ngời của người chiến sĩ Cộng sản cũng như phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.

Mô hình dân vận khéo “100% hộ gia đình hội viên mua BHYT” do Hội Cựu chiến binh thị xã Long Mỹ phát động đang phát huy hiệu quả thiết thực.

Một lòng vì nước an dân

Hơn ai hết, người... chiến sĩ già tâm huyết như ông Phạm Văn Hai, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy vẫn hừng hực khí thế, một lòng theo đuổi… mục tiêu, lý tưởng cao cả vì nước an dân ngay trên vùng đất Vĩnh Tường an bình hôm nay - vùng đất mà ông đã cùng đồng đội kiên cường bám trụ chiến đấu với quân thù năm xưa.

Ông Hai quan niệm: “Làng quê giờ đổi khác từng ngày nên chúng tôi phải đề ra phương thức hoạt động phù hợp với các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội. Có vậy mới mong thực hiện tốt vai trò, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân kỳ vọng”.

Vì vậy, dù bộn bề công việc chuyên môn cuối năm nhưng ông Hai vẫn tranh thủ thời gian họp định kỳ với Công an xã để nghe đánh giá, nhận định những vấn đề nổi cộm trên địa bàn. Từ đó, ông tham gia đề xuất giải pháp xử lý kịp thời, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết cổ truyền dân tộc sắp đến thường phát sinh nhiều “điểm nóng” về tệ nạn xã hội. Song, ông cũng không quên xuống địa bàn các ấp đã và sẽ triển khai mô hình “Cựu chiến binh giữ gìn an ninh trật tự” để thực hiện lồng ghép công tác vận động hội viên, người dân đẩy mạnh cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn sạch đẹp, chuẩn bị đón chào xuân mới.

Ông Hai bày tỏ: “Để mô hình đạt hiệu quả cao, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn, đoàn thể xã và người cao niên tuổi Đảng, có uy tín tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy mà tệ nạn xã hội ở những nơi có nhiều hàng quán, địa bàn vùng ven… được kiểm soát khá chặt chẽ, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất kinh doanh và quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương ngày càng phát triển toàn diện hơn”. 

Không chỉ xã Vĩnh Tường mà trong quá trình thực hiện vai trò, nhiệm vụ của đơn vị mình, các cấp hội cựu chiến binh trong tỉnh luôn cụ thể hóa bằng các phong trào hành động mang tính thiết thực, khả thi cao, huy động đông đảo hội viên tham gia thực hiện.

Điển hình như năm qua, Hội Cựu chiến binh thị xã Long Mỹ đã tích cực phối hợp với Ban Dân vận cùng cấp triển khai có hiệu quả mô hình dân vận khéo “100% hộ gia đình hội viên cựu chiến binh mua bảo hiểm y tế (BHYT)” nhằm hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao sức khỏe cho người dân trên địa bàn thị xã nói chung, hộ gia đình hội viên nói riêng.

Đây là mô hình đột phá nhằm tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến nhận thức, hành động của các cấp hội cựu chiến binh; tăng cường thêm mối quan hệ gắn kết với các tổ chức đoàn thể khác trong công tác tuyên truyền, khuyến khích đoàn viên, hội viên tham gia BHYT tự nguyện và làm gương cho quần chúng nhân dân noi theo.

Đến cuối năm 2017, tất cả các đơn vị trực thuộc đều hoàn thành tốt chỉ tiêu đăng ký. Đây là kết quả của mô hình phù hợp với nhu cầu, lợi ích chính đáng về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của đông đảo hộ gia đình hội viên nên tham gia nhiệt tình.

Ông Hai (trái) vận động hội viên quan tâm cắt tỉa hàng rào cây xanh chuẩn bị đón chào xuân mới.

Nỗ lực vượt khó, làm giàu

Khi gió bấc về cũng là lúc ông Nguyễn Văn Phát, hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, tất bật với nghề “tay trái”. Đó là nghề làm bạc cây dùng để lắp vào bên trong thân láp (đuôi tôm), bộ phận phụ trợ thường thấy ở nhiều loại máy hoạt động trên vùng sông nước và canh tác nông nghiệp. Đơn giản là vì ông phải làm việc hết “công suất” để kịp giao sản phẩm theo đơn đặt hàng của các tiệm cơ khí trong và ngoài địa phương trước khi họ cung ứng lại cho người dân trang bị cho máy bơm thoát nước ngoài đồng ruộng, chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông xuân.

Tết này, tuy đã bước qua tuổi 62 nhưng sức khỏe cùng sự nỗ lực trong lao động, sản xuất đối với ông Phát có thừa. Ban ngày, ông chủ yếu chăm sóc 1,7ha khóm và tham gia hoạt động hội ở địa phương. Do đó, ông thường tranh thủ ngồi máy cưa, máy tiện với các thành viên khác trong nhà làm bạc cây vào lúc chiều tối. “Được xem là nghề phụ nhưng làm bạc cây giúp tăng thêm thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Không chỉ giúp xoay xở cho chi tiêu hàng ngày mà còn góp phần giữ vững tổng doanh thu hàng năm của gia đình trên 150 triệu đồng (chủ yếu từ cây khóm - PV)”, ông Phát chia sẻ.

Tương tự, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hùng, ở ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cũng khởi nghiệp từ… hai bàn tay trắng sau khi xuất ngũ trở về địa phương từ chiến trường K (Campuchia) vào năm 1988.

“Lúc ấy, bản thân tôi chẳng có gì quý giá ngoài ý chí, quyết tâm lao động sản xuất để vươn lên trong cuộc sống và tính chuyện xây dựng hạnh phúc riêng tư. Vì thế, tôi làm đủ nghề, từ làm thuê, buôn bán nhỏ cho đến nấu rượu kết hợp nuôi heo quy mô hộ gia đình. Trong số đó, kinh doanh là lĩnh vực thích hợp nhất nên đến giờ tôi vẫn duy trì và từng bước mở rộng thêm”, ông Hùng bộc bạch.

Theo đó, ông chuyên thu mua lúa nguyên liệu về dự trữ rồi chà gạo bán lại cho bà con địa phương kiếm lời. Mặt khác, ông còn tận dụng phụ phẩm tấm, cám để nuôi heo thịt. Đây cũng là nghề từng bước giúp ông gầy dựng nên sản nghiệp vững chắc cho gia đình với ngôi nhà tường khang trang và 1ha vườn chanh không hạt đang sinh lời trên 150 triệu đồng mỗi năm ngoài khoản lợi nhuận hơn 100 triệu đồng từ việc nuôi heo và bán gạo. “Kinh doanh lúa gạo cho thu nhập cùng lúc không cao nhưng được cái là ổn định. Vì vậy, tôi phải bám lấy nó trong suốt thời gian dài mới đủ tiền mua thêm đất canh tác như bây giờ”, ông Hùng lý giải.

Ghi nhận sự đóng góp tích cực của các mô hình sản xuất hiệu quả kể trên, ông Huỳnh Văn Thảnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, cho hay: “Thời gian qua, trên cơ sở triển khai thực hiện các chương trình hành động lớn như “Cựu chiến binh chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp hội luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi và tích cực vận động hội viên, cựu quân nhân nêu cao ý chí tự lực tự cường, vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Mặt khác, tranh thủ khai thác tốt các nguồn vốn, tận dụng mọi nguồn lực để giúp nhau sản xuất kinh doanh, giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng…

Từ những dấu ấn nổi bật trong quá trình thực hiện vai trò, nhiệm vụ thời gian qua đã tiếp tục khẳng định hội cựu chiến binh hôm nay là một tổ chức chính trị - xã hội uy tín; là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân; đóng góp to lớn vào thành tựu phát triển chung của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 683 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 6 hợp tác xã, 128 tổ hợp tác, 6 trang trại, 185 gia trại do cựu chiến binh làm chủ, thu hút 3.909 lao động. Trong đó có hàng trăm hội viên và con em cựu chiến binh, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tính riêng trong năm 2017, các cấp hội đã đóng góp quỹ hùn vốn xoay vòng, giúp nhau phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 2,5 tỉ đồng; vận động xây cất 200 căn nhà nghĩa tình đồng đội với tổng số tiền trên 14 tỉ đồng...

 

Bài, ảnh: AN CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>