Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thạch Em:

Chuyển đổi vị trí công tác cần sát với thực tế

06/01/2012 | 11:19 GMT+7

Chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước là một trong những giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng. Xung quanh kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức ở Hậu Giang, Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thạch Em cho biết:

 

- Thực hiện Nghị định 158/2007/NĐ-CP ngày 27-10-2007 của Chính phủ về quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, đến nay các sở, ban, ngành tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho 313 trường hợp và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện 149 trường hợp.

 

 

Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thạch Em.

Sau khi Quyết định 05/2008/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ban hành danh mục các vị trí công tác của cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành tổ chức nhà nước phải thực hiện định kỳ chuyển đổi, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do một số sở, ban, ngành đang sắp xếp tổ chức bộ máy, có thay đổi về nhân sự, bố trí trưởng hoặc phó văn phòng, trưởng hoặc phó phòng tổ chức hành chính đảm trách nhiệm vụ, nên không thuộc đối tượng chuyển đổi. Có đơn vị, công chức làm công tác tổ chức phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng lúc các phần việc quy định thực hiện chuyển đổi, nên chưa thực hiện được.

 

* Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh thời gian qua có thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông ?

 

- Mặc dù lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị đã nghiên cứu, quán triệt các văn bản chỉ đạo của trên, nhưng đây là quy định mới, áp dụng trực tiếp với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đang được giao giữ vị trí công tác mà theo quy định định kỳ 3 năm phải chuyển đổi vị trí công tác, do vậy, cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Nguyên nhân là do chỉ tiêu biên chế giao và theo sự phân công, đa số công chức được bố trí kiêm nhiều nhiệm vụ; hoặc chỉ có duy nhất công chức thực hiện chức danh công việc trong tổ chức, cơ quan; công chức đã quen với công việc công tác chuyên môn ở lĩnh vực này cần được chuyên sâu, song đến thời hạn lại phải chuyển đổi, cán bộ, công chức khác đảm nhiệm sẽ không có kinh nghiệm, chuyên sâu và sẽ gặp khó khăn trong công tác. Từ đó tiến độ thực hiện chậm, chưa có sự nhất quán và kiên quyết. Mặt khác, cũng do chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương để được cụ thể hơn cho từng cơ quan, đơn vị làm cơ sở thực hiện.

 

Ngoài ra, về dự nguồn thay thế khi cán bộ, công chức, viên chức chuyển đổi chưa được hoạch định, nên trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Cũng còn nhiều cơ quan, đơn vị bị hẫng hụt, không có nguồn cán bộ kế cận để thay thế, chuyển đổi. Theo tôi, một vấn đề khác còn khó khăn trong việc thực hiện là nội dung nghị định của Chính phủ chỉ quy định thời hạn chuyển đổi vị trí công tác, nhưng chưa có chính sách khuyến khích, động viên cán bộ được chuyển đổi như: nhà ở công vụ, nâng bậc lương trước hạn, đặc biệt là khi hết thời hạn chuyển đổi có thể được xem xét quay trở lại đơn vị cũ công tác hay không. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý ổn định công tác của cán bộ được chuyển đổi;  cán bộ còn e ngại không muốn chuyển đến công tác ở một số xã vùng sâu, vùng xa.

 

* Để việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức đạt hiệu quả cao hơn cũng như nhằm ngăn ngừa tham nhũng xảy ra trong thời gian tới, theo ông cần có những giải pháp gì ?

 

- Theo tôi cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cho tất cả mọi đối tượng hiểu rõ ý nghĩa cũng như yêu cầu của việc chuyển đổi vị trí công tác. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, quản lý xã hội, giải quyết công việc của người dân, chống tiêu cực, sách nhiễu, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, cần có chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí.

 

Thiết nghĩ, Chính phủ cũng cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 158/2007/NĐ-CP theo hướng xác định cụ thể hơn việc chuyển đổi vị trí công tác đối với một số vị trí cán bộ, công chức, viên chức sát hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, từng cấp. Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác nên quy định linh hoạt cho phù hợp với tính chất ngành nghề, vị trí công tác đòi hỏi chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm không nên cứng nhắc thời hạn 3 năm mà có thể là 4 năm, hoặc quy định những công việc đặc thù nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng thì 2 năm.

 

 Đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố phải có kế hoạch cụ thể chuyển đổi vị trí công tác đối với đội ngũ công chức cấp xã, vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi đối với các chức danh kế toán, địa chính, tư pháp - hộ tịch; có thể xây dựng kế hoạch chuyển đổi công chức từ xã này, chuyển sang xã khác (xã giáp ranh) và ngược lại đối với công chức có cùng chức danh ở cấp xã.

 

Một điều cũng hết sức quan trọng là cần tăng cường công tác thanh tra công vụ và công tác thanh tra, kiểm tra của các sở, ban, ngành chuyên môn theo hệ thống dọc, kết hợp với kiểm tra việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và hành vi tham nhũng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành mình quản lý…

 

* Xin cảm ơn ông !

THIÊN VĨ thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>