Cho dân cái nghề

28/07/2015 | 07:11 GMT+7

Những năm qua, chính quyền xã Nhơn Nghĩa A đặc biệt quan tâm hỗ trợ người dân học nghề, giải quyết việc làm để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Nhờ được học nghề mà anh Lộc có được việc làm ổn định tại nhà.

Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa A Võ Văn Hai cho biết: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là mục tiêu quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã. Bởi, chỉ khi người dân có việc làm, thu nhập ổn định, họ sẽ tích cực cùng địa phương thực hiện thành công các chỉ tiêu chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Việc giúp cho dân có nghề nghiệp ổn định là rất quan trọng. Chính vì vậy, trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Hiện nay, số người có việc làm thường xuyên ở xã chiếm khoảng 92,9% dân số xã. Với lực lượng lao động dồi dào, trẻ khỏe là lợi thế để Nhơn Nghĩa A thành công trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từ những ngày đầu năm, xã đã tranh thủ với cấp trên chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề huyện điều tra nhu cầu học nghề của người dân, mở lớp đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn. Tính đến hết tháng 6, xã đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho khoảng 100 lao động nông nhàn ở các ấp. Trong đó có đủ các lớp đào tạo theo nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, sửa xe,… Nhìn chung, các lớp học này đã đáp ứng được nhu cầu và góp phần nâng cao trình độ, nhận thức cho người dân. Nhiều học viên đã có được cơ sở làm ăn, ổn định thu nhập sau khi tham gia các lớp học nghề này. Anh Đặng Hữu Lộc, ở ấp Nhơn Phú, từng tham gia lớp học nghề sửa xe Honda do xã phối hợp với trường nghề tổ chức. Qua 5 tháng học hành chăm chỉ, anh Lộc đã được truyền thụ những nội dung cơ bản, làm nền tảng để khởi nghiệp về sau. Kết thúc khóa học, anh tiếp tục tìm tòi, học hỏi thêm bạn bè và mở tiệm tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Không ngờ, nhờ những kiến thức nền được học đã giúp anh thành công, phát triển nghề nghiệp không ngừng. Sau hơn 2 năm vừa làm vừa tích góp kinh nghiệm, anh Lộc đã tạo được uy tín, nên số lượt khách hàng tìm đến ngày càng đông. Bây giờ, cơ sở sửa xe của anh đã không còn nhỏ ọp ẹp với đồ nghề vá ép, bơm hơi đơn giản mà thay vào đó là cửa hàng đầy đủ mọi thứ với tổng trị giá trên 30 triệu đồng. Anh Lộc tâm sự: “Trước đây, tôi cũng đã thử làm mọi nghề nhưng đều không thành công. Nên khi nghe bạn bè rủ đi học lớp nghề sửa xe ở xã tổ chức, tôi cũng định tham gia để “giết” thời gian. Không ngờ tham gia lớp sửa xe đã mở cho tôi một cơ hội làm ăn mới, đạt được thành công như hôm nay. Bây giờ, thu nhập chính của gia đình tôi đều nhờ vào tiệm sửa xe này. Trung bình mỗi ngày, tôi kiếm cũng được khoảng 150.000 đồng, cuộc sống cũng an nhàn hơn”.

Theo ông Võ Văn Hai, hiện nay, các lớp học nghề chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân, ưu tiên giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Sau khi học nghề, người lao động có thể ứng dụng kiến thức đã học trực tiếp tại mô hình của mình mà phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Điển hình như trường hợp của ông Lương Văn Tuấn, ở ấp Nhơn Ninh, mới cách đây vài tháng, ông được tham gia lớp kỹ thuật trồng nhãn, kiến thức trồng trọt được mở mang, vườn nhãn 16 năm tuổi của ông đã khác hẳn, bắt mắt hơn nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học. Ông Tuấn tâm đắc: “Tôi cứ nghĩ trồng nhãn đơn giản vì trước nay làm theo kinh nghiệm. Không ngờ, khi học lớp này rồi mới thấy có nhiều thứ mình làm chưa đúng từ bón phân, xịt thuốc cho đến cách xử lý ra hoa mùa nghịch. Học xong lớp này, việc trồng nhãn của tôi đỡ vất vả và tiết kiệm được nhiều chi phí hơn so với cách làm trước kia”.

Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có không ít lao động trẻ được giải quyết việc làm tại các công ty, doanh nghiệp gần xã. Trong số hơn 6.000 lao động có việc làm thường xuyên của xã thì có hơn một nửa làm việc ở các công ty, xí nghiệp tại khu cụm công nghiệp của huyện Châu Thành A như Công ty Cổ phần thủy sản Cafatex, Công ty TNHH Lạc Tỷ II,…

Trong thời gian tới, để nâng cao công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, Nhơn Nghĩa A tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>