Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn trong phòng, chống dịch Covid-19

10/11/2021 | 08:49 GMT+7

Phát biểu tại hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến năm 2022 và về công tác phòng, chống dịch Covid-19... Bà Thái Thu Xương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế mau chóng phục hồi...

Đại biểu Thái Thu Xương phát biểu tại hội trường Quốc hội.

Theo bà Thái Thu Xương, năm 2021 diễn ra nhiều biến cố do dịch Covid-19 tái bùng phát với biến chủng mới phức tạp hơn, nguy hiểm hơn; bùng phát ở nhiều địa phương, xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất trong một khoảng thời gian dài, bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành các văn bản phù hợp với tình hình thực tế. Có sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là lời kêu gọi lần thứ hai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm hiệu triệu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để cả đất nước chung sức đồng lòng vượt qua đại dịch.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang thông tin, chỉ tính từ đợt dịch thứ tư đến ngày 15-10, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tăng cường ngoại giao vắc-xin, qua đó nhận được hơn 92,5 triệu liều để tiêm cho người dân. Bên cạnh đó là thành lập quỹ vắc-xin, qua đó huy động được hơn 9.000 tỉ đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết ra sức phòng, chống dịch Covid-19 và tính đến ngày 15-10 vận động kinh phí, hiện vật tương đương hơn 20.600 tỉ đồng.

Đại biểu Thái Thu Xương cũng đánh giá Chính phủ đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, xác định thế trận lòng dân phòng, chống dịch, lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài, người dân làm chiến sĩ. Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch Covid-19, xác định chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của người dân. Từ đó, nhận được sự đồng thuận của tuyệt đại bộ phận người dân trong nhận thức, hành động, đảm bảo công tác an sinh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Song đại biểu này vẫn băn khoăn vì theo dự báo tình hình thế giới, khu vực, dịch Covid-19 diễn biến khó lường, trong nước còn diễn biến phức tạp, lan rộng ra toàn quốc. Những ngày gần đây tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tình hình dịch tăng nhanh, có tỉnh phải tăng cấp độ dịch từ 1 lên 2, 3 và có những tỉnh phải tăng từ cấp độ 2 lên 4. Bên cạnh đó vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chậm phục hồi, tăng trưởng thấp, đời sống, việc làm của đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. Việc chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt sang trạng thái bình thường mới đang đặt ra vấn đề cần phải quan tâm giải quyết, trong đó người dân tiếp tục là chủ thể phải thích ứng. Vì vậy, cần phải có giải pháp để nâng cao ý thức để người dân tự bảo vệ bản thân và bảo vệ cộng đồng.

Từ tình hình trên, đại biểu Thái Thu Xương kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế mau chóng phục hồi.

Theo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, Chính phủ cần xây dựng chương trình tổng thể công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cả về con người, vật chất, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác phòng, chống dịch, nhất là khâu điều trị. Song song đó là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành chức năng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và đảm bảo sản xuất, đời sống; tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tình hình của dịch bệnh để trục lợi.

Cũng theo đại biểu, Chính phủ phải tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản pháp luật, các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; với tình hình diễn biến dịch phức tạp thì phải giảm bớt thủ tục hành chính. Nghiên cứu hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các nhóm đối tượng là lao động tự do do ngân sách địa phương đã dành phần nhiều cho công tác phòng, chống dịch. Rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch nhằm đảm bảo sức khỏe, động viên tinh thần hơn nữa lực lượng này, nhất là nhân viên y tế tình nguyện, tổ Covid cộng đồng nhằm duy trì hoạt động lâu dài.

Trên cơ sở kết quả đáng ghi nhận, bà Thái Thu Xương mong muốn Chính phủ tích cực hơn nữa trong nghiên cứu phát triển vắc-xin, thuốc điều trị; huy động y tế tư nhân tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Nên áp dụng tương tự chi trả cho y tế tư nhân như cơ sở điều trị công lập; những chi phí khác phải dựa trên nguyên tắc minh bạch và sự tự nguyện của người dân.

Bà Thái Thu Xương: Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em trước mắt và lâu dài. Tiếp tục tiêm vắc-xin cho trẻ em và trẻ vị thành niên. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho trẻ mồ côi do cha mẹ mất vì dịch Covid-19 được phát triển toàn diện.

 

TRÍ THỨC lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>