Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nhà nước Nguyễn Văn Lâm

Chỉ duy trì thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp lý

02/12/2011 | 09:24 GMT+7

Nhân chuyến công tác tại Hậu Giang để kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC) trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục KSTTHC, đã dành cho phóng viên Báo Hậu Giang cuộc trao đổi xung quanh vấn đề trên. Ông Lâm cho biết:

 

- KSTTHC là một quy trình bắt đầu từ việc đánh giá tác động các quy định về TTHC trong quá trình dự thảo do các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thực hiện; gửi lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC; công khai, minh bạch TTHC sau khi ban hành; kiểm soát việc thực thi TTHC trong thực tiễn và tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính, nhằm phát hiện và giải quyết những bất cập của các quy định hành chính, cũng như giám sát việc thực thi TTHC của đội ngũ cán bộ, công chức.

 

* Ông đánh giá thế nào về công tác KSTTHC thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ?

 

Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nhà nước Nguyễn Văn Lâm.

 

- Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực và kinh nghiệm của lãnh đạo địa phương, cũng như các phòng, ban chuyên môn trong thực hiện KSTTHC thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Tuy đây là công việc mới và khó, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện hoạt động KSTTHC được UBND tỉnh chú trọng.

 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, để sớm đưa công tác KSTTHC vào nề nếp, bài bản và chuyên nghiệp hơn, thì Hậu Giang vẫn cần thực hiện thêm nhiều việc.

 

* Ông có thể nói cụ thể những việc cần phải làm ?

 

- Rất nhiều việc phải làm, trong đó cần thiết đẩy mạnh công tác truyền thông, công khai về địa chỉ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về TTHC nhằm góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ. Có truyền thông, nhân dân mới hiểu được những nội dung của KSTTHC; đồng thời giúp cho người dân có diễn đàn để họ phản ánh với cơ quan công quyền về các TTHC còn phức tạp.
 

 

Các địa phương đều thực hiện tốt việc niêm yết các thủ tục hành chính, giúp nhân dân có điều kiện thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN

 

 

Song song đó, Hậu Giang phải thường xuyên tập huấn cho cán bộ các cấp để nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về công tác KSTTHC, bảo đảm các nội dung của KSTTHC phải được triển khai, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Quan tâm đặc biệt đến bộ máy trực tiếp làm công tác KSTTHC, như Phòng KSTTHC của Văn phòng UBND và công tác KSTTHC của các sở, ngành, huyện, thị, thành phố, cấp xã, phường, thị trấn. Công bố, công khai TTHC đầy đủ, kịp thời và thường xuyên cập nhật khi TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ. Thường xuyên rà soát để phát hiện các quy định, TTHC nào đang là rào cản đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, để kịp thời sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật quy định về TTHC, thực hiện mục tiêu chỉ duy trì TTHC thật sự cần thiết, hợp lý và có chi phí tuân thủ thấp nhất.

 

* Thưa ông, nếu thực hiện tốt công tác KSTTHC thì sẽ đem lại những kết quả gì ?

 

“Qua thống kê chúng tôi biết được hiện nay có trên 5.400 bộ TTHC có liên quan đến các hoạt động của nhân dân khi đến liên hệ với chính quyền các cấp. Điều đáng nói là trong số này có hơn 85% bộ TTHC có vấn đề, bởi vậy việc huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhân dân tham gia công tác KSTTHC là điều rất quan trọng và cần phải làm ngay…”.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục KSTTHC

- KSTTHC là một công cụ rất quan trọng, bảo đảm sự thành công của công cuộc cải cách hành chính. Do đó, nếu làm tốt KSTTHC, chúng ta sẽ đảm bảo cho hệ thống văn bản quy phạm pháp quy ở Trung ương và các tỉnh, thành phố được ban hành có chất lượng, hệ thống văn bản đó sẽ bao hàm được nội dung, bảo đảm được sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và đặc biệt là đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân, với chi phí tuân thủ thấp nhất khi họ có công việc phải liên hệ với cơ quan nhà nước.

 

Còn nếu làm không tốt, chúng ta sẽ để xuất hiện những văn bản pháp quy có nội dung không cần thiết, gây phiền hà cho người dân khi họ có việc phải đến với các cơ quan công quyền.

 

uHiện có nhiều ý kiến cho rằng KSTTHC chỉ là công việc của một số phòng, ban chuyên môn, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào ?

- Nói vậy là hoàn toàn sai. KSTTHC là nhiệm vụ của chung của cả hệ thống chính trị. Như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là “Huy động toàn xã hội tham gia vào quy trình kiểm soát thủ tục hành chính để thực hiện tốt mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành và duy trì các thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất”.

 

Người dân có thể tham gia KSTTHC thông qua giám sát việc công khai, minh bạch các TTHC. Thông qua các công việc mà họ giải quyết, họ thấy công việc nào còn phiền hà, còn phức tạp thì họ sẽ kiến nghị cải cách. Mặt khác, trong quá trình liên hệ công việc, họ thấy thái độ của cán bộ, công chức trong quá trình làm việc có đúng tinh thần cải cách hay không hay là lại gây ra những phiền hà cho họ, họ cũng sẽ có phản ánh. Thứ nữa là người dân có thể tuyên truyền lẫn nhau để giúp nhau hiểu về các TTHC. Bởi vậy, việc KSTTHC nhằm nâng cao chất lượng hệ thống các quy định hành chính không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC mà đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống hành chính, từ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC cho đến các bộ phận trực tiếp thực hiện TTHC.

 

* Xin được cảm ơn ông !

H.NGUYÊN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>