“Cần, kiệm” làm nên chuyện

27/01/2017 | 14:49 GMT+7

Hôm đi xuống xã Trường Long Tây trao máy vi tính cho trường học, nhìn những tuyến đường thênh thang, nhiều ngôi nhà mới đúng chuẩn vila, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A Phan Thạch Em chia sẻ: “Mừng lắm, bộ mặt nông thôn đã thay đổi nhiều rồi. Năm 2016, chúng tôi tuyên truyền sâu rộng ra dân ở hai nội dung “Cần” và “Kiệm”, từ đây đã làm nên nhiều chuyện hay…”.

Bí thư Huyện ủy Châu Thành A Phan Thạch Em (bìa trái) trong chuyến thăm và tặng quà tại Trường THCS Trường Long Tây.

Lan tỏa niềm tin về Bác trong dân

Về lại những vùng nông thôn sâu, bên những con rạch, con kênh ở sâu trong ruộng xã Nhơn Nghĩa A, thấy cuộc sống người dân đổi khác nhiều quá. Nhà nhà, người người bàn chuyện làm ăn, cải tạo đất vườn, vươn lên làm giàu cho xứng đáng với xã nông thôn mới. Nhanh tay bẻ mấy trái đu đủ đã mỏ vịt bên vườn sầu riêng trồng gần 4 năm, bà Nguyễn Thị Lan, ở ấp Nhơn Hòa, bộc bạch: “Sầu riêng cũng đâu 4-5 năm mới có “ăn” được, mình trồng đu đủ xen vào để lấy ngắn nuôi dài, 400 gốc đu đủ này tới có trái bẻ mệt luôn đó, thu nhập cũng ổn. Vợ chồng mua thêm được mấy công đất nữa, cũng trồng sầu riêng luôn, lại được vay thêm 100 triệu đồng, nên thấy vững lắm. Cán bộ kỹ thuật ở xã hay xuống chia sẻ với vợ chồng tôi là ráng tiết kiệm, cố làm ăn mới bền vững được, mà tôi nghĩ nông dân mình làm được hai điều đó là tốt quá rồi”.

Dưới bến sông, ông Huỳnh Hữu Mao (chồng bà Lan) rinh lên từng thau cà phổi lớn để chuẩn bị cho thương lái về mua, chốc chốc hai vợ chồng lại nói chuyện ngắt hoa, bẻ trái sầu riêng lần đầu. Cứ kể chuyện về vườn sầu riêng, hai vợ chồng bà Lan cười không ngớt, ai cũng vui, vì cuộc sống khấm khá. Tính ra tiền bán hoa màu, đu đủ lúc rộ nhất mỗi ngày hai vợ chồng bà cũng thu vô vài triệu đồng. Ông bà cứ cần mẫn trên khu vườn, miếng đất của mình, ráng sức lao động để có cuộc sống mới.

Vào những nơi khó đi nhất, heo hút nhất của xã Nhơn Nghĩa A, nhìn cảnh chí thú làm ăn của bà Lan, ông Mao, mới thấy những chính sách của Nhà nước đã đến được với nơi đây. Ai nấy chí thú làm ăn, nhiều người dân được vay vốn để phát triển sản xuất.

Xuôi về miệt Bảy Ngàn, lại nghe người dân nói nhiều tới xoài cát Hậu Giang. Một thương hiệu nông sản mới của tỉnh được xây dựng nên từ sự chung lòng, ý thức, sự sáng tạo và trách nhiệm của những người dân được mệnh danh là “Xứ xoài cát” của Hậu Giang. Bây giờ, trái xoài cát Hòa Lộc Bảy Ngàn đã được công nhận VietGAP, đó là niềm vui cho cả nền nông nghiệp tỉnh nhà. Vậy là sau mấy mươi năm bám rễ, hút nước, được chăm bẵm ở đất Hậu Giang, trái xoài bắt đầu hành trình mới, đem hương vị lan tỏa khắp nơi. Ông Lưu Bá Lộc, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, Giám đốc Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Bảy Ngàn, chia sẻ: “Mình làm nông dân, mong ước lớn nhất là sản phẩm có đầu ra ổn định. Lãnh đạo huyện hay nói với chúng tôi là ráng làm những gì mình làm được, có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra và sự động viên kịp thời đó đã giúp trái xoài Bảy Ngàn có được cái tên mới”… Nông nghiệp Châu Thành A đã có một năm vui nhiều, dù “thiên chẳng được thời”, “địa chưa được lợi” như mấy năm trước, đó cũng là nhờ sự kiên trì, quyết chí của những người nông dân.

Bí thư Huyện ủy Châu Thành A Phan Thạch Em cho rằng: “Mỗi một người dân điển hình sẽ góp phần tạo nên những phong trào điển hình. Mỗi người dân vươn lên, mặt bằng cuộc sống sẽ nâng lên. Mỗi người dân tích cực và tận tâm làm theo Bác, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mới đi vào chiều sâu. Chúng tôi chọn ra dân hai nội dung “Cần”, “Kiệm” để dân tập trung thực hiện có trọng tâm và thật tốt, có thể không nhiều nội dung, nhưng phải chất lượng”, còn cán bộ, đảng viên vẫn theo kế hoạch chung. Tôi nghĩ, có “Cần” mới sáng tạo, có “Kiệm” mới tích tiểu thành đại... Mà muốn dân hiểu rõ, làm hay hai điều đó, bản thân từng cán bộ, đảng viên phải đi đầu”.

Từ gắn kết tạo thành công

Triển khai thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo Bác đã góp phần quan trọng trong xây dựng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, gương điển hình tiêu biểu trên địa bàn huyện. Để từ đây, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nhân dân tín nhiệm hơn, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn, các phong trào được nhân dân nhiệt tình tham gia, ủng hộ, giúp diện mạo quê hương Châu Thành A thay đổi, ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Từng ngành, từng địa phương đều có những mô hình nổi bật, Hội Nông dân huyện với “Câu lạc bộ Nông dân làm theo lời Bác”; Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện có “Viết nhật ký cảm nhận về Bác”; Kho bạc Nhà nước huyện với “Sưu tầm, học tập tác phẩm, bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh”… Và biết bao nhiêu là cá nhân điển hình được tuyên dương, có thể kể đến sư cô Văn Thị Lệ, trụ trì chùa Bửu Tường; ông Trần Minh Hùng, ở thị trấn Bảy Ngàn; bà Mai Thị Mười, ở thị trấn Một Ngàn; ông Lê Văn Ẩn, ở xã Tân Hòa; ông Hà Minh Quang, ở xã Trường Long Tây; ông Phan Thanh Thủy, ở thị trấn Rạch Gòi; bà Nguyễn Kim Kha, ở xã Tân Phú Thạnh; bà Trần Thị Nga, ở xã Trường Long A... đều là những bông hoa đẹp trong vườn hoa làm theo Bác. 5 năm qua, toàn huyện đã có trên 1.000 tập thể, cá nhân được khen thưởng các cấp trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thành Long, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành A, chia sẻ: “Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, Huyện ủy Châu Thành A luôn nhấn mạnh quan điểm phải làm tốt việc tuyên truyền ra dân, để ra dân được tốt và chất lượng, cán bộ, đảng viên phải là đầu tàu, gương mẫu và trách nhiệm thực hiện trước tiên, xem là việc làm thường xuyên, hàng ngày. Điểm nhấn của việc học tập và làm theo Bác ở huyện Châu Thành A là quán triệt sâu rộng, thực hiện hiệu quả, có những mô hình, điển hình cụ thể, gắn kết với công tác xây dựng Đảng, lấy đó làm nền tảng hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh các phong trào thi đua…”.

Đúng như lời ông Long chia sẻ, những phong trào, những mô hình tiêu biểu ở huyện Châu Thành A đều gắn với việc thực hiện trách nhiệm trong học tập và làm theo gương Bác. Tiêu biểu có thể kể đến việc từ một địa phương đứng vị trí thứ 6 trong bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh, qua 2 tháng vận động (từ đầu tháng 9 đến tháng 10-2016), đã tăng hơn 8.000 người tham gia bảo hiểm y tế, từ hơn 60% tăng lên hơn 68% và đến cuối năm, tỷ lệ này nằm trong tốp đầu tỉnh (gần 77%), một con số cực kỳ ấn tượng. Nói đến hoạt động này, cán bộ, đảng viên và nhân dân lại nhắc đến sự tận tâm của lãnh đạo huyện. Bí thư Huyện ủy Châu Thành A Phan Thạch Em nói thêm: “Chúng tôi đã nỗ lực hết mình và đã đạt được những kết quả phấn khởi, đó cũng là một trong những kết quả tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác”.

Một năm chưa phải là thời gian quá dài để gầy dựng thành quả bền vững, nhưng 365 ngày đủ để thấy sự nỗ lực, quyết tâm của huyện Châu Thành A trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện năm đầu của nhiệm kỳ 2015-2020.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh lưu ý, Đảng bộ huyện Châu Thành A cần: “Chú trọng xây dựng nội bộ, mối quan hệ trên dưới đồng thuận, đoàn kết thống nhất cao, vì mục tiêu phát triển của huyện Châu Thành A nói riêng và của tỉnh Hậu Giang nói chung. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả hơn. Trong phát triển kinh tế - xã hội chú ý phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo tiền đề cho phát triển bền vững…”.

 

Năm 2016, Đảng bộ huyện Châu Thành A đã thực hiện đạt và vượt 18 chỉ tiêu đề ra. Đáng chú ý là tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn là 1.651 tỉ đồng (đạt hơn 165% kế hoạch); tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 290 tỉ đồng (gần 126% kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,96% (đạt 196% kế hoạch); giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động…

 

HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>