Bất cập “một cửa”

11/05/2012 | 07:20 GMT+7

Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) theo cơ chế “một cửa” là nội dung quan trọng của tiến trình cải cách hành chính (CCHC) nói chung và CCTTHC nói riêng. Hiệu quả của mô hình này là điều không thể phủ nhận, nhưng thực tế qua nhiều năm triển khai, các địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn khi vận hành cơ chế này.

 

* Khó về cơ sở vật chất

 

Ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành cũng áp dụng cơ chế “một cửa” như các xã, phường, thị trấn khác trong tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên nơi đây có tới… “hai cửa”. Ông Trần Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết: “Do điều kiện vật chất thiếu thốn, nên tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) chúng tôi bố trí hai nơi. Một nơi dành cho cán bộ tư pháp - hộ tịch, xây dựng - địa chính, thương binh - xã hội; còn cán bộ văn phòng - thống kê ở “một cửa” riêng”.

 

Tại bộ phận này, dù lúc cao điểm cũng chỉ có chỗ cho 2 người dân ngồi chờ, còn tất cả phải ngồi… ghế đá ngoài hành lang. Cũng chính vì vậy mà hiện nay, tại Bộ phận TN&TKQ của xã vẫn chưa thể thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính. “Vì cơ sở vật chất không bảo đảm nên nhiều khi thấy ngại với người dân” - ông Vũ chia sẻ.

 

Bộ phận TN&TKQ ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành chưa tương xứng với một thị trấn trung tâm.

 


Trụ sở xã Phú Tân có 8 phòng làm việc, trong đó Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã đều phải… ở ghép với nhiều cán bộ khác. “Nhín” một phòng cho Bộ phận TN&TKQ là cố gắng lớn của xã. Và dĩ nhiên không có chỗ cho đồng chí Thường trực UBND xã trực duyệt hồ sơ, mà phải nhường chỗ cho… Phó Chủ tịch HĐND xã.

 

Khó khăn không chỉ dừng lại ở những xã vùng sâu như Phú Tân. Ở UBND thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, Bộ phận TN&TKQ cũng chỉ có diện tích khoảng 30m2. Ông Phan Hữu Lộc, Nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Ngã Sáu, cho biết: “Diện tích của bộ phận này chưa tương xứng với một thị trấn; kinh phí để nâng cấp thì thị trấn không lo nổi, người dân đến nhiều mà cơ sở vật chất hơi tệ thì khó làm dân hài lòng được”.

 

“Cái vỏ” ngoài đã khó, “cái ruột” bên trong cũng chẳng hơn khi trang thiết bị còn quá thiếu thốn. Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền, cán bộ Văn phòng - Thống kê UBND xã Phú Tân, bộc bạch: “Văn phòng có 2 máy vi tính, nhưng mỗi máy có 4 người sử dụng, lúc cao điểm phải chia mỗi người sử dụng 30 phút. Tôi làm báo cáo trễ, bị la hoài”. Còn anh Đặng Quốc Tuân, cán bộ Văn phòng - Thống kê UBND thị trấn Ngã Sáu, cho biết ở Bộ phận TN&TKQ hiện không có máy móc gì, mỗi lần muốn sử dụng phải chạy xuống sử dụng nhờ máy của Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn, cách văn phòng khá xa.

 

Khó khăn về cơ sở vật chất của xã Phú Tân, thị trấn Ngã Sáu cũng là những khó khăn chung của nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh. Theo Quyết định số 93 của Thủ tướng Chính phủ, trong tổng diện tích phòng làm việc của Bộ phận TN&TKQ, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương phải dành 50% diện tích để bố trí nơi ngồi chờ cho tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, tối thiểu phải có máy vi tính, máy fax, máy in… nhưng hiện thời, đó chỉ là mơ ước của nhiều xã, phường, thị trấn.

 

* Thiếu sự quan tâm ?

 

Cứ tưởng đối với những trụ sở UBND xã, phường được xây dựng trước đây mới không đảm bảo được diện tích khi thực hiện “một cửa”, nhưng thực tế một số trụ sở đã và đang xây dựng cũng không đảm bảo về diện tích theo quy định.

 

Xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp là một ví dụ điển hình. Trụ sở UBND xã đã xây dựng gần xong và phòng để bố trí Bộ phận TN&TKQ không đầy 30m2. Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa Đặng Việt Hiểu cho biết: “Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Phụng Hiệp, nên chúng tôi không được tham gia ý kiến từ khâu thiết kế đến lúc xây dựng xong”.

 

Bà Đặng Trần Thị Trang Nhã, quản lý Văn phòng Dự án CCHC tỉnh Hậu Giang, cho biết: Dự án hiện có phân bổ nguồn vốn để hỗ trợ cho khoảng 15 xã nâng cấp, mua sắm trang thiết bị phục vụ “một cửa”. Tuy nhiên, một số dự án xây dựng trụ sở xã dường như… quên mất Quyết định 93 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp như ở xã Thạnh Hòa, nếu Bộ phận TN&TKQ được trang bị đầy đủ thiết bị đúng chuẩn “một cửa” thì không biết để đâu cho hết, nên cán bộ xã và nhất là người dân sẽ tiếp tục thiệt thòi.

 

“Tôi nghĩ từ khi thiết kế bản vẽ, không phải tính bao nhiêu cán bộ nằm trong “một cửa” mà chúng ta phải tính toán, tiên liệu là có bao nhiêu người dân sẽ đến liên hệ trong giờ cao điểm, như vậy mới đúng là quan tâm đến “một cửa””- bà Nhã nêu ý kiến.

 

* Cần có mô hình chuẩn

 

Cũng theo bà Đặng Trần Thị Trang Nhã, muốn làm tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” thì phải xác định được quy trình, đường đi của hồ sơ, còn hiện tại mỗi nơi mỗi khác. Như đối với “một cửa” ở huyện Phụng Hiệp, thì cán bộ chuyên môn trực tiếp nhận và trả hồ sơ, nhưng ở Bộ phận TN&TKQ ở Văn phòng UBND huyện Long Mỹ thì chỉ có một cán bộ nhận, sau đó chuyển đến cán bộ chuyên môn. Có chỗ lại bố trí cán bộ tiếp nhận hồ sơ và cán bộ trả hồ sơ là 2 người khác nhau…

 

Mô hình lý tưởng nhất theo cơ chế một cửa là chỉ cần một cán bộ tiếp nhận và trả hồ sơ cho người dân. Nhưng hiện nay cách làm này rất khó thực hiện ở Hậu Giang, vì không có nhiều cán bộ đủ trình độ, năng lực như yêu cầu. Số cán bộ mỗi nơi mỗi khác, có nơi bố trí một cán bộ phụ trách cả tư pháp - hộ tịch, có nơi bố trí một cán bộ phụ trách tư pháp, một cán bộ phụ trách hộ tịch; có nơi còn “mời” cả công an vào “một cửa” để thêm phần tiện lợi cho người dân. Đó là chưa kể cán bộ tại bộ phận này ở các địa phương thay đổi khá thường xuyên, trong khi “một cửa” lại luôn cần cán bộ có kinh nghiệm, chuyên sâu. Những cán bộ không được thay đổi thì cũng đã lớn tuổi, công việc họ vẫn làm tốt, nhưng đột phá thì khó.

 

Ông Nguyễn Trọng Phúc, Phó Phòng CCHC - Sở Nội vụ, cho rằng: “Chuyện khác nhau trong bố trí cán bộ ở Bộ phận TN&TKQ có nhiều nguyên nhân. Ở những nơi có đông đồng bào dân tộc, hồ sơ chính sách nhiều thì có bố trí cán bộ thương binh - xã hội; những nơi có quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, hồ sơ đất đai nhiều thì có cán bộ địa chính - xây dựng; những nơi gần khu dân cư, hồ sơ tư pháp - hộ tịch nhiều nên phải có cán bộ này... Do đó, tùy từng nơi mà bố trí số lượng cán bộ khác nhau, lĩnh vực khác nhau. Nhưng tới đây ở Hậu Giang sẽ có kế hoạch xây dựng một mô hình chuẩn trong thực hiện cơ chế một cửa”.

 

Theo Chương trình số 06 ngày 13-6-2011 của UBND tỉnh về CCHC giai đoạn 2011-2015, đến năm 2015 sẽ hoàn thành việc xây dựng và nâng cấp trụ sở cấp xã, bố trí phòng làm việc cho Bộ phận TN&TKQ đạt tối thiểu 40m2; trang bị đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức 1 máy vi tính; mỗi xã có từ 10-15 máy vi tính; mỗi đơn vị huyện, thị xã, thành phố có từ 50-70% số xã, phường, thị trấn áp dụng “một cửa liên thông”. Trong đó, các cơ quan cấp tỉnh có liên quan thủ tục hành chính đều phải xây dựng quy chế phối hợp thực hiện “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục của người dân và doanh nghiệp đạt 50-70%; thủ tục hành chính phải được công khai đạt 100% tại trụ sở làm việc của cơ quan hành chính 3 cấp và trên các phương tiện thông tin đại chúng...

 

Đây là chương trình rất lý tưởng của tỉnh, tuy nhiên còn chưa đầy 2 năm nữa, trước những khó khăn, bất cập, cũng như chưa có sự đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, thì liệu mô hình “một cửa” của tỉnh có đáp ứng được kết quả như mong đợi?

Ông Trần Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ:

Sẽ có một cửa hiện đại...

“Trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nói riêng và CCHC nói chung thì cán bộ giỏi cùng cơ sở vật chất hiện đại chỉ là 2 yếu tố cần chứ chưa đủ, mà cán bộ phải có tầm và tâm. Thời gian qua, nhìn chung tuy cơ sở vật chất còn khó nhưng tinh thần, thái độ, việc tiện lợi cho người dân khi liên hệ đến các cơ quan công quyền nói chung là ổn.

Tới đây, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án thực hiện CCHC theo “Cơ chế một cửa hiện đại”, trước tiên là áp dụng tại UBND cấp huyện. Việc này nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết công việc, từng bước đơn giản hóa các thủ tục hành chính, qua đó để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức…”.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>