Xà Phiên ngày ấy, bây giờ...

Bài 3: Phát triển bền vững

25/11/2016 | 06:15 GMT+7

Không chỉ thay đổi cách nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mà chính quyền địa phương, người dân còn chú trọng phát triển nhiều lĩnh vực giáo dục, y tế, thương mại - dịch vụ... để Xà Phiên ngày càng thay đổi.

Một ngày không xa, trung tâm xã Xà Phiên trở thành đô thị loại V.

Làng… đại học

Do nghèo khó, giao thông bất tiện nên chuyện học hành của con em nhiều gia đình ở ấp 5 trước đây hết sức khó khăn, tình trạng bỏ học giữa chừng không phải hiếm. Song vẫn có nhiều gia đình quyết tâm tạo điều kiện cho con em học hành tới nơi tới chốn. Sau đó, nhiều cử nhân, kỹ sư đã… vinh quy bái tổ.

Xóm kênh Cây Me và kênh Bốn Thước được xem là làng… đại học khi khoảng 20 hộ ở đây có trên 50 người đã và đang học đại học. Hộ ông Quách Mích là một trong những gia đình tiên phong trong cuộc “cách mạng” tạo điều kiện cho con “nuôi chữ”. Ông có năm người con và tất cả đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định.

Chỉ tay về những tấm hình mà năm người con của ông mặc chiếc áo thụng, đầu đội mũ vuông trong ngày lễ nhận bằng tốt nghiệp đại học treo trên tường, ông nói đầy tự hào: “Mới ngày nào tụi nó biết đi chập chững, nói chuyện u… oa, nhưng giờ tất cả đã tốt nghiệp đại học. Mau thiệt!”.

Để các con có được thành tích đó, vợ chồng ông đã trải qua những năm tháng đầy cơ cực. Trước đây, gia đình ông có trên 20 công đất, một năm làm 2 vụ lúa, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Thấy cha mẹ vất vả, người con lớn của ông lúc đó vừa tốt nghiệp THCS dự định nghỉ học để phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Biết được dự định ấy, vợ chồng ông kiên quyết không chấp nhận, đồng thời giải thích cho hiểu những khó khăn, thiếu thốn, vất vả của ông bà khi học không tới nơi tới chốn; dẫn chứng những trường hợp thanh niên địa phương bỏ học giữa chừng phải đầu tắt mặt tối với chuyện đồng áng…

“Lúc đó, tôi nghĩ dù khó khăn đến mấy cũng không để đứa nào nghỉ học, phải hy sinh đời bố, củng cố đời con”, ông Mích cho biết.

Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả, mong chờ của cha mẹ, các con của ông đã nỗ lực hết mình học tập. Có năm, vợ chồng ông có đến ba người con học đại học và chuyện phải cung trên 4 triệu đồng/tháng thời đó làm vợ chồng ông… đau đầu.

Để lo cho các con, vợ chồng ông tăng gia sản xuất bằng cách nuôi gà, nuôi heo, làm thợ hồ; chuyện 7-8 giờ tối ông bà còn ở ngoài đồng giăng lưới, cắm câu, bắt ốc, thức dậy 3-4 giờ sáng để đi làm mướn là bình thường. Khi thu nhập không đủ, ông bà bán dần số đất. Từ khi các con bước vào giảng đường đại học cho đến ra trường, gia đình ông bà bán gần 10 công đất.

Ông Mích quan niệm rằng: Có tiền thì lúc nào mua đất chẳng được, nhưng với con người đã qua thời kỳ “dung nạp kiến thức” thì sau này có bao nhiêu tiền cũng không mua được.

Không đông con như gia đình ông Mích, nhưng gia đình ông Sơn Kích cũng rất đáng nể trong việc nuôi dạy con nên người. Ông có ba người con, tất cả đều tốt nghiệp đại học.

Nói về quá trình nuôi để các con có tấm bằng kỹ sư, cử nhân, ông Kích cho hay: “Thời mình khó khăn nên học chữ nghĩa không được bao nhiêu. Do đó, mình đầu tư vào các con, mong nó có kiến thức phục vụ cho quê hương, đất nước. Con hơn cha là nhà có phúc mà!”.

Chỉ về chiếc radio đặt trên bàn, ông Kích cho biết: Đây là chiếc radio “thứ… n” của gia đình tôi trong nhiều năm qua. Nhờ những chiếc radio mà tôi nắm bắt được thời sự trong và ngoài nước. Đất nước mình thời nào cũng cần nhân tài, đời mình không được thì tập trung lo cho đời con, cháu.

Chuyện thức khuya, dậy sớm, vay tiền ngày, tiền tháng… để lo cho các con ông Kích đều trải qua hết. Ngoài trên 10 công ruộng, ông còn nuôi heo, làm mướn,… đặc biệt là khá tiết kiệm trong việc chi tiêu hàng ngày.

Đó là hai trong rất nhiều gia đình điển hình ở làng… đại học quyết tâm lo cho con ăn học. Với họ, chịu cực, chịu khổ như thế nào cũng được, nhưng phải tạo điều kiện cho các con có kiến thức; học để biết, để làm, để hòa nhập, để tự khẳng định mình.

Hướng tới đô thị loại V

Với những phát triển vượt bậc trong thời gian qua, đến nay, đời sống người dân xã Xà Phiên có nhiều thay đổi. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, trên 40% nay còn trên 23% (năm 2015), thu nhập bình quân từ 11,5 triệu đồng/người/năm (năm 2010) nay lên 21,5 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp có nhiều khởi sắc: tổng diện tích lúa năm 2010 là 6.100ha, đến cuối năm 2015 là trên 7.900ha; tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mới, toàn xã hiện có 42 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; giá trị tổng sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2010 là trên 8 tỉ đồng, đến năm 2015 là 14,6 tỉ đồng...

Nghị quyết của Đảng bộ xã Xà Phiên giai đoạn 2015-2020 cũng xác định phấn đấu thu nhập bình quân từ 30-35 triệu đồng/người/năm; số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 98%; hộ sử dụng điện an toàn chiếm 95% trở lên; phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành phổ cập THPT, đặc biệt là phấn đấu đạt đô thị loại V... Về vấn đề này, ông Phạm Hoàng Khâm, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: “Chúng tôi đã và đang nâng cấp bờ kè, đường nội bộ, chỉnh trang vỉa hè… để đến năm 2017 trung tâm xã sẽ được công nhận đô thị loại V”.

Nhiều người đi làm ăn xa, lâu lâu trở về ví von: “Xà Phiên thay đổi nhanh quá, nhiều khi quên cả đường về nhà”. Trở lại Xà Phiên với bao cảm xúc. Vùng đất ngày nào còn nhiều tăm tối giờ xán lạn, đầy sức sống. Con người Xà Phiên giờ đã biết đoàn kết, đổi mới để xây dựng quê nhà thêm giàu đẹp.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>