Xà Phiên ngày ấy, bây giờ...

Bài 2: Bước ngoặt phát triển

24/11/2016 | 08:38 GMT+7

Xà Phiên là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, trên 7.000 khẩu, chiếm 37% dân số toàn xã, 27,4% đồng bào dân tộc Khmer toàn tỉnh. Sau năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo ở đây khá cao, trên 40%. Nhờ thực hiện các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh, cùng với đó là sự nỗ lực thoát nghèo của người dân nên đời sống bà con ngày càng phát triển, hộ nghèo giảm đáng kể.

Ông Danh Xà Mươl mạnh dạn đột phá trong sản xuất nên cuộc sống khấm khá.

Hiệu quả từ các quyết sách

Mùa mưa năm nay không còn ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân ở tuyến đường kênh Hàng Bần (ấp 4), bởi năm trước đường được xây dựng khang trang, dài gần 2.000m, ngang 2,5m, tổng kinh phí trên 450 triệu đồng.

Mới đi chợ về, ông Danh Kil nói: “Bây giờ nắng, mưa gì xe gắn máy cũng chạy bon bon đến tận nhà. Các thương lái mua nông sản ngày nào cũng chạy xe ra vào để “săn hàng”. Đặc biệt, giờ cần gì chỉ một cuộc điện thoại là chốc lát có ngay đến tận nhà”.

Trước đây, tuyến đường này là lộ nhựa nhưng xuống cấp nghiêm trọng, do đó xuồng, ghe là phương tiện chính được bà con ở đây sử dụng trong việc đi lại, vì vậy kinh tế địa phương phát triển rất chậm. Thực hiện chủ trương về xây dựng, sửa chữa những tuyến đường hư hỏng, xuống cấp, xã chọn tuyến đường này để làm mới.

Ngày xây dựng đường, người dân ở đây rất mừng. Trong quá trình thi công, tất cả các gia đình trên tuyến đều tự nguyện hiến đất, hoa màu, nhiều người còn góp công sức phụ giúp. Khi hoàn thành, người dân ở đây vui mừng khôn xiết, có điều kiện mua xe gắn máy để đi lại - điều mà trước đây họ muốn lắm mà không dám.

Một điều dễ nhận thấy là từ khi tuyến đường này đưa vào sử dụng, đời sống người dân có nhiều khởi sắc, nhiều nhà tường trị giá hàng trăm triệu đồng mọc lên, hầu hết các gia đình đều có xe gắn máy và thiết bị nghe nhìn hiện đại… Ông Danh Kil cho biết: “Cũng nhờ tuyến đường này được xây dựng nên đời sống người dân ở đây có cơ hội phát triển. Tuy là nông thôn, nhưng nay nhiều gia đình có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt chẳng khác nào gia đình khá giả ở thành thị”.

Không chỉ có tuyến đường Hàng Bần mà toàn xã có nhiều tuyến được đầu tư, xây dựng trông khá khang trang. Theo UBND xã Xà Phiên, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, toàn xã được đầu tư xây dựng, nâng cấp lộ nông thôn ở 4 ấp nghèo trên địa bàn là ấp 3, 4, 5, 6, với gần 10.450m; xây dựng, sửa chữa 65 cây cầu, nạo vét trên 150.000m3 đất thủy lợi…

Ông Huỳnh Văn Đôi, Phó Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, cho biết: “Hàng năm chúng tôi kiểm tra những tuyến đường nào ở các ấp nghèo xuống cấp, bức thiết nhất ưu tiên xây dựng trước. Đến nay, giao thông nông thôn của xã trở nên khang trang, liền lạc, đi lại thông suốt cả hai mùa mưa nắng”.

Song song đó, Trung ương, tỉnh còn đầu tư nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ cho đồng bào dân tộc như hỗ trợ học sinh nghèo; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm; hỗ trợ nước sạch; hỗ trợ cây, con giống… với tổng kinh phí hàng chục tỉ đồng. Đến cuối năm 2015, toàn xã có 98,4% số hộ sử dụng điện; 98,1% số hộ sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh; hàng năm, huy động tỷ lệ học sinh ra lớp đối với mẫu giáo là 98%, tiểu học 100%...

Thay đổi tư duy sản xuất

Nghe cán bộ xã giới thiệu mô hình thoát nghèo của ông Danh Xà Mươl, ở ấp 4, làm chúng tôi không khỏi tò mò muốn tận mắt chứng kiến.

Hôm chúng tôi đến, ông đang tiến hành xây dựng nhà, dự kiến tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Để có được thành quả như hôm nay, gia đình ông đã trải qua những năm tháng đầy vất vả. Không có đất nên ông phải đi làm thuê quanh năm.

Năm 2012, sau khi được vay từ nguồn vốn hỗ trợ khoảng 35 triệu đồng, ông mua gà Bến Tre về nuôi và xây chuồng nuôi heo. Do chịu khó học hỏi, 2 năm sau gia đình ông có thu nhập ổn định. Từ mô hình này, năm 2014, ông là một trong số ít nông dân của tỉnh đi Hà Nội tham dự tuyên dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc. Trong chuyến đi này, được một người trong đoàn chỉ cách nuôi ba ba, thấy hấp dẫn, ông về tận dụng đất xung quanh nhà để nuôi 1.000 con. Đến nay, ba ba phát triển rất mạnh. Chia sẻ với chúng tôi, ông Mươl cho biết: “Trong thời gian nuôi ba ba, vợ chồng tôi lấy công làm lời, đi mò cua, bắt ốc về làm thức ăn cho chúng nên giảm đáng kể chi phí. Dự kiến, cuối năm nay sẽ xuất bán”.

Đó là 1 trong rất nhiều mô hình hiệu quả ở Xà Phiên trong việc mạnh dạn đầu tư, thay đổi tư duy sản xuất, góp phần vào việc giảm nghèo ở địa phương. Nếu năm 2010, toàn xã có trên 31% hộ nghèo thì đến cuối năm 2015 tỷ lệ ấy còn trên 23%.

Hôm trò chuyện, chúng tôi thấy ông Mươl có chiếc smartphone (điện thoại thông minh) khá hiện đại, lướt web vèo vèo. Ông còn chỉ cho tôi biết những trang thông tin về nông nghiệp, kinh tế thị trường… khá rành mạch.

Không chỉ thay đổi tư duy trong sản xuất, nhiều bà con còn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: sử dụng ống nước phun tự động trong trồng hoa màu; nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học…

Theo ông Đôi, đời sống bà con ở xã Xà Phiên bây giờ nhiều khởi sắc, đó là hiệu quả từ các chương trình, dự án, mà hơn hết người dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất. Trước đây, mô hình 1ha/100 triệu đồng/năm đối với người dân Xà Phiên có nằm mơ cũng không thấy, nhưng nay vài ba công đất có mức thu nhập như thế không phải chuyện hiếm.

Từ một xã đặc biệt khó khăn, nay diện mạo Xà Phiên thay đổi gần như hoàn toàn từ cầu, đường, trường, trạm đến tư duy sản xuất. Theo quy hoạch của Đảng bộ xã, giai đoạn 2015-2020 phấn đấu xây dựng trung tâm xã trở thành đô thị loại V và địa phương đang gấp rút thực hiện...

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Bài 3: Phát triển bền vững

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>