Xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng: Câu chuyện dài hơi và không hề dễ...

19/04/2024 | 07:46 GMT+7

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cũng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu dài hơi là xây dựng và phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng, tuy nhiên đây là câu chuyện dài, không chỉ một ngày một bữa.

Một hoạt động đưa sách đến học sinh của Thư viện tỉnh. Hiện học sinh là đối tượng phục vụ và triển khai hiệu quả nhất việc phát huy văn hóa đọc.

Xây dựng thói quen đọc sách: Trần ai...

Trong những năm qua, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng ở Hậu Giang đã từng bước triển khai thực hiện, mang lại những hiệu quả bước đầu.

Điều dễ nhận thấy là sự hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ bạn đọc. Tỉnh đã nâng cấp, nâng chất toàn bộ các phòng đọc sách cấp xã lên thành thư viện, với đầu sách đa dạng, phong phú. Hàng quý, trong hệ thống thư viện tổ chức luân chuyển sách để sách luôn mới, đáp ứng nhu cầu đọc.

Thư viện tỉnh với vai trò đầu tàu, đã có nhiều nỗ lực đổi mới cung cách, phương pháp phục vụ bạn đọc và tổ chức nhiều hoạt động thu hút độc giả. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế hiện nay độc giả đến thư viện tỉnh rất ít. Điều này càng ít hơn đối với thư viện tuyến huyện, xã, dù nơi đây đã được tổ chức phục vụ khá tốt. Những năm gần đây đã tăng cường phục vụ trực tuyến, lượng bạn đọc có tăng nhưng không nhiều. Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Hậu Giang, nhiều tỉnh, thành khác cũng có.

Lý giải nguyên nhân này, những người có chuyên môn cho rằng độc giả ngày nay có quá nhiều phương tiện giải trí. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, họ đã có thể tìm kiếm mọi thông tin đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập.

Một lý do khác, số lượng độc giả yêu thích đọc sách không nhiều, nếu không nói là rất ít. Điều này có nhiều nguyên nhân, cái chính là trước những lo toan tất bật thì đọc sách không được ưu tiên chọn, người dân chưa xây dựng cho mình thói quen đọc sách.

 Cũng không loại trừ nguyên nhân việc tổ chức các hoạt động để phát huy văn hóa đọc chưa đúng với những gì người đọc cần, chỉ mới phục vụ những gì hệ thống thư viện có. Sự phối hợp giữa các ngành có liên quan, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo vẫn chưa chặt chẽ, mang lại kết quả thiết thực.

Trên đây là những nguyên nhân thực tế, rất cần có sự ngồi lại giữa các ngành có liên quan, để tìm ra một hướng thật cụ thể, hiệu quả, tiếp tục xây dựng thói quen đọc sách trong cộng đồng một cách thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Hậu Giang triển khai văn hóa đọc trong cộng đồng

Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, đã được UBND tỉnh Hậu Giang triển khai sâu rộng bằng Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện đã mang lại những kết quả thiết thực. Trong đó nổi bật là duy trì triển lãm trực tiếp, trực tuyến vào những dịp lễ, tết. Tuyên truyền, mở rộng phạm vi phục vụ, khai thác nhiều cách để tiếp cận đa dạng bạn đọc...

Mỗi năm, hệ thống thư viện công cộng trong toàn tỉnh phục vụ khoảng 1 triệu lượt bạn đọc. Đây là con số không cao đối với một tỉnh thông thường, nhưng với nơi vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian qua để phát triển văn hóa đọc, thì đây là tín hiệu mừng. Bên cạnh đó, là việc kết nối với các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh tổ chức các cuộc thi viết cảm nhận về sách, Đại sứ văn hóa đọc; tổ chức các trò chơi về sách, đố vui, giao lưu với các độc giả là khách hàng thân thiện của thư viện; xây dựng phòng đọc sách thiếu nhi tại Thư viện tỉnh và thành lập Câu lạc bộ thiếu nhi “Chúng em yêu sách”; thành lập “Tủ sách sẻ chia”...

Ngoài ra, còn xây dựng mô hình “Gởi trao tri thức” để trao đổi sách trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, bám sát yêu cầu thực tế; tổ chức buổi nói chuyện, hướng dẫn cách tiếp cận sách, tiếp cận tri thức, từng bước xây dựng thói quen, kỹ năng, phương pháp đọc sách cho bạn đọc.

Đây cũng là kết quả của sự nỗ lực, dám nghĩ và triển khai những giải pháp mới thu hút bạn đọc của hệ thống thư viện công cộng, đặc biệt là Thư viện tỉnh Hậu Giang, khi tăng cường triển lãm trực tiếp, trực tuyến và lưu động.

Để văn hóa đọc đi vào cuộc sống là câu chuyện dài, cần sự tận tâm và tiếp tục lan tỏa từng bước...

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>