Thúc đẩy hội nhập và đoàn kết ở Mỹ la-tinh

23/02/2016 | 22:00 GMT+7

Các nhà lãnh đạo các nước Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê tại Hội nghị CELAC 2016 ở thủ đô Ki-tô, Ê-cu-a-đo.

Bằng những nỗ lực cải cách chính trị và cân bằng cán cân kinh tế nhiều năm qua, Mỹ la-tinh từng bước củng cố vị thế và gia tăng tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Việc tìm cách thức để duy trì, phát triển hơn nữa tiềm năng của khu vực rộng lớn với hơn 600 triệu dân này tiếp tục là vấn đề nóng đối với các nhà lãnh đạo khu vực Mỹ la-tinh trong bối cảnh các biến động kinh tế - chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp và dày đặc.

Với sự ra đời của hàng loạt khối liên kết giữa các quốc gia trong khu vực, Mỹ la-tinh từng có thời điểm nổi lên như một “điểm sáng” của thế giới bởi nỗ lực tăng sức đề kháng cho nền kinh tế của khu vực. Các khối kinh tế, chính trị như Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Liên minh Bô-li-va dành cho châu Mỹ (ALBA), Liên hiệp các nước Nam Mỹ (UNASUR) hay Cộng đồng các quốc gia Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê (CELAC)... lần lượt ra đời, đã cho thấy quyết tâm xây dựng Mỹ la-tinh trở thành khu vực được liên kết chặt chẽ về chính trị, kinh tế, văn hóa; đồng thời kêu gọi xóa đói, giảm nghèo, nâng cao cơ sở hạ tầng và năng lượng. Điều này thể hiện xu hướng “bắt tay” cùng nhau phát triển mạnh mẽ ở khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê, mặt khác, tỏ rõ quyết tâm giảm phụ thuộc Mỹ và trở thành một đối trọng về kinh tế - chính trị của siêu cường này.

Quy tụ 22 nguyên thủ từ 33 quốc gia thành viên CELAC, Hội nghị cấp cao Cộng đồng các quốc gia Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê lần thứ tư diễn ra tại thủ đô Ki-tô của Ê-cu-a-đo vừa qua, được “làm nóng” bởi loạt vấn đề liên quan cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội, các biện pháp tăng cường hội nhập, phối hợp để đối phó những thách thức mới đang đặt ra đối với khu vực, cũng như thảo luận lộ trình hoạt động của CELAC tới năm 2020. Các vấn đề này trở nên cấp thiết đối với sự phát triển bền vững và lâu dài của các quốc gia thuộc khu vực Mỹ la-tinh trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu trong năm 2016 có xu hướng chững lại.

Cụ thể, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê thuộc Liên hợp quốc (ECLAC) chỉ rõ, sản lượng kinh tế trung bình của khu vực này trong năm 2015 giảm 0,4% và có thể chỉ tăng trưởng chậm chạp ở mức 0,2% trong năm 2016. Giới chuyên gia nhận định, đây là lần đầu Mỹ la-tinh chứng kiến hai năm suy giảm kinh tế liên tiếp kể từ cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài giai đoạn 1982 - 1983, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực cần đa dạng hóa nền kinh tế và tăng giá trị ngành xuất khẩu. “Bức tranh” có phần ảm đạm nêu trên chủ yếu xuất phát từ những khó khăn kinh tế tại Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Ê-cu-a-đo và Vê-nê-xu-ê-la, trong khi hầu hết các nước khác trong khu vực được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình.

Mặt khác, đời sống chính trị của khu vực này hứa hẹn nhiều bước ngoặt trong thời gian tới, nhất là khi thế giới hướng sự tập trung vào các bước đi nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Cu-ba và Mỹ sau hơn nửa thế kỷ ở hai bên bờ chiến tuyến, cũng như tiến trình hòa đàm tại Cô-lôm-bi-a giữa Chính phủ nước này và Lực lượng vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC), với nỗ lực khôi phục nền hòa bình sau cuộc xung đột nội bộ kéo dài hơn 50 năm qua tại quốc gia Nam Mỹ này. Những thách thức cũng như thời cơ nêu trên đóng vai trò là “chất xúc tác” để các nước trong khu vực tăng cường sự đồng thuận, nỗ lực duy trì các chính sách hòa bình, tiến bộ. Phát biểu ý kiến tại CELAC 2016, Tổng thống nước chủ nhà Ê-cu-a-đo. R.Cô-rê-a nhấn mạnh, ý chí và sự đoàn kết của người dân sẽ là chìa khóa để khu vực này vượt qua mọi rào cản.

Trong khi đó, đối phó thách thức về y tế cũng là một trong những yếu tố kéo các nước Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê xích lại gần nhau, sau khi nhiều nước trong khu vực này chật vật tìm cách ngăn chặn sự lây lan đáng lo ngại của Zika, một loại vi-rút lây truyền từ muỗi có khả năng gây dị tật ở thai nhi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có 29 quốc gia trên thế giới, chủ yếu thuộc khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, đồng thời cảnh báo, sẽ có từ ba đến bốn triệu người dân châu Mỹ lây nhiễm vi-rút này trong thời gian tới. Chủ đề này làm nóng bàn nghị sự của CELAC vừa qua, không chỉ bởi mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, mà còn ở cách thức mà các nước phối hợp để ngăn chặn dịch. Với nguy cơ sẽ có khoảng 1,5 triệu người bị lây nhiễm vi-rút Zika tại Bra-xin, Tổng thống nước này Đ.Rút-xép tuyên bố đẩy mạnh hợp tác với Mỹ để nghiên cứu và phát triển vắc-xin phòng dịch; đồng thời nhấn mạnh, các nước cần ưu tiên thiết lập mạng lưới quốc gia, khu vực và toàn cầu để phòng, chống hiệu quả hơn trước nguy cơ từ các bệnh truyền nhiễm.

Việc tham gia mạnh mẽ và sâu rộng vào các khối liên kết kinh tế trong khu vực, từng bước tiến tới nhất thể hóa cao đã góp phần mang lại cho các quốc gia Mỹ la-tinh sự ổn định, các thành viên được hưởng ưu đãi về kinh tế, chính trị... Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra không ít thách thức cho các nhà lãnh đạo khu vực. Làm thế nào để nâng cao nhịp tăng trưởng, bảo đảm mối liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia cùng khối, giảm dần sự phụ thuộc vào các nước lớn, thì khi đó, mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững, cũng như giấc mơ trở thành đối trọng kinh tế - chính trị với các siêu cường thế giới của Mỹ la-tinh mới trở nên trọn vẹn.

Theo BẢO NGUYÊN/nhandan.com.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>