Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam

Tác động của Cộng đồng ASEAN đối với Việt Nam

16/02/2016 | 07:30 GMT+7

Sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt Nam. Nhìn chung, các cơ hội về cơ bản là những lợi ích có được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN hơn 20 năm qua, nhưng sẽ lớn hơn và cụ thể hơn; các thách thức cũng sẽ nhiều hơn và trực tiếp hơn.

Đối với quốc gia:

- Về tổng thể, tham gia tiến trình liên kết ASEAN sâu rộng hơn sẽ tiếp tục mang lại cho ta những lợi ích quan trọng và thiết thực, hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đề ra. Tuy nhiên, hội nhập khu vực sâu rộng hơn cũng đòi hỏi ta phải có chủ trương và biện pháp phù hợp hơn, sự chuẩn bị nội bộ tốt hơn, nhất là về nguồn lực và điều chỉnh luật lệ trong nước.

Lễ thượng cờ 31-12-2015 - ngày thành lập Cộng đồng ASEAN, ở Hà Nội.

- Về chính trị - an ninh, ta tiếp tục có những điều kiện thuận lợi hơn để góp phần duy trì môi trường hòa bình và ổn định khu vực, nâng cao khả năng xử lý những thách thức an ninh phi truyền thống; hỗ trợ đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích của ta ở Biển Đông. Mặt khác, ta sẽ gặp khó khăn hơn khi thỏa thuận hoặc triển khai một số biện pháp nhạy cảm và có mức liên kết sâu hơn, nhất là về dân chủ - nhân quyền và chính sách quốc phòng. Ta cũng phải xử lý nhiều vấn đề phức tạp hơn liên quan đến an ninh xã hội như tội phạm qua biên giới, lao động nhập cư,…

- Về kinh tế, ta có thị trường rộng lớn cho xuất khẩu sang ASEAN (với 625 triệu dân và tổng GDP 2.600 tỉ USD) và cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn (các nước đối tác của ASEAN); gia tăng khả năng thu hút đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài, đồng thời thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra các nước ASEAN. Tuy nhiên, ta sẽ gặp sự cạnh tranh gay gắt hơn trong quá trình thỏa thuận và thực thi các cam kết về liên kết kinh tế sâu rộng hơn, do năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn hạn chế.

- Về văn hóa - xã hội, ta có điều kiện nâng cao năng lực thông qua cơ hội tiếp nhận được thông tin, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại và nguồn lực, đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế. Khó khăn chính là các hoạt động trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thiếu sự gắn kết, trong khi nguồn lực tham gia của ta có hạn.

- Về đối ngoại, ta có điều kiện thuận lợi hơn để mở rộng và tăng cường quan hệ song phương với các đối tác của ASEAN, nhất là các nước lớn, cũng như tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế hay liên khu vực rộng lớn hơn; qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam. Mặt khác, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trước tác động của các nước lớn đối với ASEAN.

Đối với doanh nghiệp: sẽ có các cơ hội chính như: (I) có môi trường kinh doanh rộng lớn hơn và thuận lợi hơn; (II) có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn hơn; (III) có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tăng quy mô, năng suất và giảm chi phí sản xuất; (IV) thuận lợi hơn khi đầu tư ra các nước ASEAN khác.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam; một số doanh nghiệp với năng lực cạnh tranh thấp sẽ khó có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị cao và lợi nhuận tốt.

Đối với người dân: được thụ hưởng những lợi ích thiết thực như: được sống trong môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau; có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn; có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm có tay nghề tại các nước ASEAN khác (đến nay, ASEAN đã ký Hiệp định về di chuyển thể nhân và 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong 8 ngành nghề: kế toán, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, vận chuyển và du lịch); đi lại thuận tiện hơn trong các nước ASEAN (miễn thị thực 15-30 ngày); được thụ hưởng nhất định từ sự cải thiện của mạng an ninh xã hội.

Tuy nhiên, người dân cũng gặp một vài thách thức, nhất là phải cạnh tranh về tìm kiếm việc làm có tay nghề, ngay cả tại Việt Nam.

Một số vấn đề về định hướng tham gia của Việt Nam

- Khu vực Đông Nam Á và ASEAN có ý nghĩa chiến lược vì nó liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta; là địa bàn phù hợp với thế và lực của Việt Nam, là nhân tố quan trọng để Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

- Ta có lợi ích trong việc xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết, thống nhất và có vai trò quan trọng ở khu vực. Do vậy, ta sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp để làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, thực chất với các nước ASEAN cả về đa phương và  song phương.

- Mục tiêu bao trùm của ta là góp phần tạo dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác thuận lợi hơn nữa để hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo thuận lợi cho việc triển khai chủ trương hội nhập quốc tế và đẩy mạnh quan hệ với các đối tác bên ngoài, nhất là với các nước lớn.

- Ta tiếp tục tham gia ASEAN với phương châm “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, nhưng cần phát huy vai trò lớn hơn; kiên trì các vấn đề nguyên tắc nhưng cần linh hoạt về biện pháp và cách thức tiến hành để bảo đảm đồng thuận ASEAN.

- Ta cần có sự chuẩn bị tốt hơn về mặt nội bộ, nhất là nâng cao nhận thức về ASEAN cũng như tầm quan trọng của việc Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN để có sự quan tâm và đầu tư nguồn lực thích đáng; chủ động đề xuất các sáng kiến, dự án có giá trị và khả thi; tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành tham gia hợp tác ASEAN; thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định trong nước để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết của ASEAN.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>