Cuộc trưng cầu dân ý ở Thái Lan: Dự thảo hiến pháp mới được ủng hộ

08/08/2016 | 15:51 GMT+7

Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết, đến 21 giờ ngày 7-8, với 94% số phiếu của cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới của nước này được kiểm, có đến 61,4% số phiếu ủng hộ dự thảo hiến pháp mới do quân đội soạn thảo, trong khi chỉ 38% số phiếu phản đối. Cuộc trưng cầu dân ý này mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017 và chính phủ mới được bầu theo quy định của hiến pháp mới.

Một chiến thắng dễ dàng

Từ 8 giờ sáng 7-8, hơn 94.000 điểm bỏ phiếu trên khắp Thái Lan đã mở cửa để đón hơn 50 triệu cử tri bỏ phiếu về dự thảo hiến pháp mới do quân đội soạn thảo. Giám sát quốc tế cho cuộc trưng cầu dân ý này là đại diện của Mạng lưới châu Á vì Bầu cử tự do (ANFREL), Quỹ Châu Á và một số đại sứ quán tại Bangkok.

Cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu tại cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới

Để đảm bảo an ninh cho cuộc bỏ phiếu, giới chức Thái Lan đã triển khai hàng trăm ngàn nhân viên Bộ Nội vụ cùng binh lính và cảnh sát trên phạm vi toàn quốc. Nhiều quy định như cấm chụp ảnh bên trong phòng bỏ phiếu, cấm có hành động, lời nói, biểu hiện kêu gọi vận động cử tri bỏ phiếu theo hướng này hay hướng khác đã được Ủy ban bỏ phiếu thông báo rộng rãi. Lệnh cấm bán rượu bia, các loại thức uống có cồn đã được áp đặt từ 18 giờ ngày 6-8 đến 24 giờ ngày 7-8. Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) cầm quyền tại Thái Lan cũng đã bác bỏ cảnh báo của một loạt các đại sứ quán nước ngoài ở Bangkok về khả năng bùng phát căng thẳng chính trị trước, trong và sau cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới vào ngày 7-8. NCPO tuyên bố chính quyền quân sự có đủ khả năng kiểm soát tình hình tại Thái Lan.

Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra trong trật tự và an ninh. Báo Bangkok Post nhận định, bản dự thảo hiến pháp đã giành được chiến thắng một cách dễ dàng. Theo Ủy ban Bầu cử Thái Lan, dự thảo hiến pháp mới giành được sự ủng hộ tại tất cả các khu vực, trừ vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi hầu hết cử tri bác bỏ văn kiện do chính quyền quân sự soạn ra. Riêng ở thủ đô Bangkok, tỷ lệ ủng hộ hiến pháp mới lên tới 70%.

Cần một đất nước được ổn định

Đây là lần đầu tiên quân đội tổ chức trưng cầu về hiến pháp kể từ khi lên nắm quyền tháng 5-2014 và bản hiến pháp mới vừa được cử tri Thái Lan ủng hộ sẽ là bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của Thái Lan bắt đầu từ năm 1932.

Với lần trưng cầu ý kiến của người dân Thái Lan lần này, có hai vấn đề sẽ được nêu ra lấy ý dân cho văn kiện chế định hệ thống chính trị cũng như con đường phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong tương lai. Câu hỏi thứ nhất là họ có đồng ý với dự thảo bản hiến pháp mới với nhiều thay đổi về cấu trúc chính trị và hệ thống bầu cử hay không? Câu hỏi thứ hai là liệu họ có chấp nhận Thượng viện có được cùng tham gia với Hạ viện để bầu chọn thủ tướng mới hay không?

Trước cuộc trưng cầu, những người phản đối, bao gồm một số chính đảng lớn của đất nước, cho rằng hiến pháp này không thật sự dân chủ vì sẽ dọn đường cho quân đội tiếp tục nắm quyền lực sau bầu cử dân sự. Trong khi đó, những người ủng hộ thì cho rằng trong bối cảnh xã hội Thái Lan tiếp tục chia rẽ với mâu thuẫn chính trị gay gắt hiện nay, chỉ có quân đội là lực lượng duy nhất có thể duy trì sự ổn định đất nước.

Trả lời phỏng vấn của Spring News TV, ông Prinya Thaewanarumitkul, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thammasat, nhận định thông qua lá phiếu, cử tri Thái Lan đã gửi thông điệp mong muốn có được một chính phủ không có tham nhũng như quân đội từng cam kết “qua việc giảm ảnh hưởng của một đảng, cấu trúc chính trị mới sẽ giúp ngăn chặn tham nhũng và xây dựng sự công bằng trong chính phủ”

Theo Hạnh Chi (tổng hợp)/sggp.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>