Cứng rắn hơn

08/03/2016 | 16:33 GMT+7

Ngày 7-3, Philippines bắt đầu thủ tục chính thức khám xét tàu chở hàng Jin Teng, con tàu cập bến tại vịnh Subic tuần trước được cho là của Triều Tiên. Theo ông Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, thủy thủ đoàn con tàu bị trục xuất và nhóm nghiên cứu từ Liên hiệp quốc (LHQ) đã đến Philippines tham gia điều tra.

Trước đó, hôm 2-3, 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các chuyến hàng tới và rời Triều Tiên sẽ bị thanh sát. Nghị quyết cũng cấm các tàu của Triều Tiên bị tình nghi là chở những mặt hàng phi pháp rời các bến cảng trên khắp thế giới, đồng thời thắt chặt lệnh cấm vận vũ khí để ngăn những nhà cung cấp vũ khí loại nhỏ giao dịch với Bình Nhưỡng. Một ngày sau khi LHQ ban hành nghị quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ “Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và sẽ tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc”. Như vậy, bên cạnh sự ủng hộ của các nước, Philippines đã trở thành quốc gia đầu tiên thực thi lệnh trừng phạt mới của LHQ đối với Triều Tiên.

Khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là chủ đề hóc búa từ nhiều năm nay. Để giải quyết cuộc khủng hoảng trong khuôn khổ đa phương, Trung Quốc trong nhiều năm đã nỗ lực để thúc đẩy các cuộc đàm phán 6 bên. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán 6 bên mặc dù đều được các bên chấp nhận, nhưng nhiều năm qua dường như không phát huy được tác dụng.

Đã có ý kiến cho rằng nên áp dụng kịch bản giống như đối với Iran, có thể thực hiện thông qua việc sử dụng LHQ làm trung tâm, cũng có thể thông qua các diễn đàn đa phương với sự tham gia của nhiều nước (bao gồm đàm phán 6 bên hoặc đàm phán 5 bên không có sự tham gia của Triều Tiên). Để thực hiện, đầu tiên, tất cả các nước liên quan kể cả Trung Quốc, có thể tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Triều Tiên, đặc biệt đòi hỏi Trung Quốc phải cắt đứt tất cả các nguồn cung cấp, tạo ra áp lực kinh tế và chính trị đủ lớn đối với Triều Tiên. Sau đó, nếu Triều Tiên không thỏa hiệp, các nước Mỹ, Hàn Quốc có thể gây áp lực quân sự trên thực tế đối với Triều Tiên. Triều Tiên có thể mạo hiểm sử dụng các cuộc xung đột, thậm chí là chiến tranh, nhưng Mỹ và Hàn Quốc hoàn toàn có đủ khả năng kiềm chế các hành động của Triều Tiên. Trung Quốc có thể lựa chọn việc không tham gia hành động quân sự, song có thể duy trì lập trường trung lập, thậm chí là ủng hộ. Phương pháp này có thể có hiệu quả, ít nhất về mặt kinh tế vì nền kinh tế của Triều Tiên rất mong manh, và có khả năng giành được sự đồng thuận lớn của các nước liên quan.

Nếu xem xét tình hình phát triển hiện tại sẽ thấy lần này, Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhất từ trước tới nay, ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng bảo an LHQ đối với Triều Tiên, buộc Triều Tiên “trả giá cần thiết”.

Trước gọng kềm ngày càng siết chặt, Bình Nhưỡng không những không xuống thang mà còn tỏ ra cứng rắn hơn. Phản ứng trước cuộc tập trận chung thường niên của liên quân Mỹ - Hàn bắt đầu ngày 7-3, Triều Tiên đã cảnh báo sẽ tiến hành một cuộc tấn công toàn diện phủ đầu, trong đó có cả vũ khí hạt nhân chống lại liên quân này. Bây giờ, các biện pháp trừng phạt trên phương diện kinh tế đã được bắt đầu. Lựa chọn của các nước Mỹ, Hàn Quốc đã tương đối rõ ràng; Trung Quốc cũng đang đứng trước việc phải đưa ra sự lựa chọn, song sự lựa chọn lần này sẽ khó hơn nhiều so với các lần trước.

Theo THỤY VŨ/ sggp.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>