Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với vũ khí diệt tăng nguy hiểm của người Kurd

25/01/2018 | 11:00 GMT+7

Trong ngày đầu tiên tham chiến trên lãnh thổ Syria, lực lượng người Kurd (YPG) tuyên bố đã bắn hạ 5 xe tăng của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bằng tên lửa chống tăng có điều khiển (AGTM). Thực tế chiến trường cho thấy, các dòng ATGM do YPG sở hữu đang là thách thức lớn đối với lực lượng tăng-thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ.

9M133 Kornet

Tổ hợp AGTM 9M133 Kornet được coi là dòng vũ khí chống tăng phổ biến tại chiến trường Syria. Các tổ hợp AGTM Kornet đang có trong tay YPG phần lớn có nguồn gốc từ việc thu giữ của lực lượng đối lập Syria và các nguồn nhập khẩu bí mật từ nước ngoài.

Tổ hợp AGTM Kornet.

Tổ hợp AGTM hiện đại từ Nga sử dụng phương thức dẫn đường bám chùm la-de nên có tầm bắn hiệu dụng lớn đến 5.500m. Nhờ khả năng này, với Kornet, YPG có thể tung các dòng tấn công chế người từ khoảng cách không thể phát hiện bằng tầm nhìn thẳng trên xe tăng. Sử dụng kiểu đầu đạn nối tiếp (tandem), AGTM Kornet có khả năng xuyên giáp tới hơn 1m thép đồng nhất (RHA) và đủ khả năng tiêu diệt các dòng xe tăng hiện đại nhất thế giới hiện nay. Tại Syria, đã có rất nhiều clip miêu tả cảnh AGTM Kornet tiêu diệt, vô hiệu hóa các phương tiện tăng-thiết giáp của lực lượng chính phủ Syria, trong đó có cả xe tăng T-90.

Như vậy, xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ nếu đối mặt với AGTM Kornet sẽ rất ít có khả năng sống sót, kể cả với dòng xe tăng được bọc giáp tốt nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Leopard 2A4.

BGM-71 TOW

Một dòng AGTM khác YPG có thể sử dụng chống lại lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ là BGM-71 TOW do Mỹ sản xuất.

Được giới thiệu từ những năm 1970, AGTM TOW hiện là một trong những dòng AGTM phổ biến nhất trên thế giới. Tại Syria, TOW chính là vũ khí chống tăng phổ biến được phiến quân sử dụng để chống lại lực lượng chính phủ Syria. Nguồn cung dòng AGTM này không được công bố, nhưng nhiều khả năng phe đối lập Syria và YPG sở hữu tên lửa TOW nhờ sự hỗ trợ của Mỹ và các quốc gia Hồi giáo trong khu vực.

Tổ hợp AGTM TOW.

AGTM TOW sử dụng phương thức dẫn đường bán chủ động thông qua dây dẫn với tầm bắn tối đa tới 3.750m. Tên lửa hoạt động chủ yếu nhờ tín hiệu dẫn đường từ thiết bị điều khiển tới đạn tên lửa, nếu mất tín hiệu điều khiển, tên lửa sẽ tự hủy sau 1.85 giây. Đạn TOW tiêu chuẩn có khả năng xuyên thủng 430mm RHA, còn với biến thể TOW-2B khả năng xuyên phá được nâng lên 900mm RHA. Phương tiện chiến đấu có rất ít cơ hội sống sót nếu trùng TOW.

Hiệu quả chiến đấu của TOW đã được khẳng định tại Syria, khi có rất nhiều phương tiện thiết giáp của Quân đội Syria bị phá hủy bởi vũ khí diệt tăng này. Điều này giờ đây lại đúng với Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khi đối mặt với YPG được trang bị TOW. Trong vụ tấn công vừa được YPG công bố mới đây, nhiều khả năng xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ trúng tên lửa TOW và bị phá hủy hoàn toàn.

9M113 Konkurs

Đây là dòng tên lửa phát triển dưới thời Liên Xô và là trang bị tiêu chuẩn của lực lượng bộ binh cơ động. AGTM Konkurs được thiết kế phù hợp để sử dụng trên nhiều phương tiện chiến đấu khác nhau: Từ xe chiến đấu bộ binh tới mang vác cá nhân của người lính.

Tổ hợp AGTM Konkurs.

Phiên bản Konkurs tiêu chuẩn có khả năng xuyên 600mm RHA, còn đối với phiên bản nâng cấp là 800mm RHA kết hợp cùng giáp phản ứng nổ. Sử dụng phương thức dẫn đường bán chủ động thông qua dây dẫn, Konkurs có tầm bắn khoảng 4.000m.

Tùy theo điều kiện khai hỏa, kíp điều khiển có thể chọn chế độ bắn của AGTM Konkurs từ bán chủ động sang thủ công để nâng cao khả năng chiến đấu trong môi trường đối kháng điện tử mạnh. AGTM Konkurs hiện là dòng vũ khí chống tăng phổ biến trên thế giới nhờ sự phổ biến của nó.

MILAN

Là viết tắt của cụm từ: Missile d´infanterie léger antichar – tên lửa chống tăng hạng nhẹ dành cho bộ binh, MILAN là sản phẩm hợp tác của châu Âu và được trang bị rộng rãi cho Quân đội các quốc gia phương Tây trong những năm 1970.

Tổ hợp AGTM MILAN.

Việc sử dụng phương thức dẫn đường bán chủ động và dây dẫn đã giới hạn tầm bắn của MILAN xuống khoảng 2.000m. Với các bản nâng cấp, MILAN có thể sử dụng trong đêm tối và khả năng kháng nhiễu được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, phương thức dẫn đường cũ buộc xạ thủ phải điều khiển đạn cho tới khi trúng mục tiêu làm tăng nguy hiểm dành cho kíp điều khiển trước hỏa lực của đối phương.

Tại Syria, đã xuất hiện nhiều thông tin về việc MILAN bị tổ hợp gây nhiễu Shtora-1 trên xe tăng T-90 đánh bại, nhưng đây vẫn là tổ hợp AGTM đơn giản và hiệu quả.

MILAN phiên bản tiêu chuẩn có khả năng xuyên phá tới 350mm RHA, còn đối với phiên bản nâng cấp ER, khả năng tấn công của MILAN được tăng lên 1.000mm RHA sau giáp phản ứng nổ.

Phiến quân Syria và IS đã công bố rất nhiều clip sử dụng AGTM MILAN tấn công phương tiện chiến đấu của lực lượng chính phủ Syria. Bằng nhiều con đường khác nhau dòng AGTM MILAN đã tới tay YPG và có thể được sử dụng chống lại Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

9K115-2 Metis-M1

Là dòng AGTM được trang bị cho Quân đội Nga không lâu sau khi Liên Xô tan vỡ, Metis-M1 được thiết kế để tiêu diệt các dòng xe tăng hiện đại. Cơ chế đầu nổ nối tiếp, kíp nổ điện tử, phương thức phóng đơn giản hóa giúp dòng AGTM này trở thành vũ khí tấn công cực kỳ nguy hiểm.

Điểm đặc biệt của Metis-M1 là khả năng phóng thẳng không cần bệ phóng trong các điều kiện đặc biệt giúp dòng AGTM này có thể sử dụng trong nhiều điều kiện chiến đấu khác nhau.

Tổ hợp AGTM Metis

Vốn là trang bị phổ biến của Quân đội Syria, sau nhiều năm nội chiến, YPG đã sở hữu AGTM Metis thông qua nhiều nguồn khác nhau. Metis có thể xuyên thủng tới 800mm RHA kể cả khi được bảo vệ bởi giáp phản ứng nổ. Hầu hết các dòng xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ có rất ít cơ hội sống sót nếu trúng AGTM Metis.

Ngoài những dòng AGTM nói trên, trong tay YPG có thể sở hữu nhiều đơn vị tên lửa chống tăng khác như Toophan (biến thể TOW do Iran phát triển ), HJ-8 Trung Quốc phát triển trên cơ sở TOW-2 hoặc dòng tên lửa chống tăng cũ Fagot hay Malyutka. Thậm chí, đã có hình ảnh về việc YPG sở hữu AGTM Javelin hiện đại của Mỹ, nhưng không thể xác nhận.

Rõ ràng, với “kho ATGM” hiện có, YPG đang tạo ra mối đe dọa nguy hiểm đối với Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nếu cuộc chiến tại Afrin kéo dài. Chiến trường Syria đang thể hiện ưu thế của AGTM trước các dòng xe tăng chiến đấu hiện đại.

Theo TUẤN SƠN (tổng hợp)/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>