Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2015

19/01/2016 | 19:14 GMT+7

(Tiếp theo)

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội hướng tới 5 mục tiêu lớn:

Một là, thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thông qua các biện pháp chiến lược về: thu hút sự tham gia của các nhóm/giới vào các tiến trình của ASEAN; tăng quyền cho người dân và tăng cường các thể chế bảo đảm.

Hai là, cộng đồng dung nạp, nhằm đáp ứng tốt hơn lợi ích của người dân về phúc lợi, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, quyền con người, giảm nghèo, y tế, việc làm, giáo dục và thông tin, thông qua các biện pháp chiến lược về: xóa bỏ các rào cản và đối xử bất bình đẳng để tất cả mọi người dân được hưởng quyền con người và tiếp cận bảo trợ xã hội; thúc đẩy khả năng tiếp cận cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người dân; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

 Ba là, cộng đồng bền vững, thông qua các biện pháp chiến lược về: bảo tồn và quản lý bền vững các tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát triển các thành phố bền vững về môi trường; bền vững về khí hậu (thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, quản lý các nguy cơ của biến đổi khí hậu); sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Bốn là, một cộng đồng tự cường, nhằm nâng cao năng lực để cùng xử lý những thách thức, thông qua các biện pháp chiến lược về: khả năng dự báo, xử lý và quản lý thảm họa; khả năng ứng phó với các mối đe dọa đối với sức khỏe; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ và chăm sóc phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên, người già, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, lao động di cư, các nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế khác; bảo đảm cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu (nước, thực phẩm, năng lượng,…) và các dịch vụ phúc lợi xã hội khác khi xảy ra khủng hoảng;  hướng tới một ASEAN “không có ma túy”.

Năm là, một cộng đồng năng động, nhằm tạo môi trường thuận lợi (chính sách, thể chế) để khuyến khích người dân và doanh nghiệp thích ứng, đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm hơn, thông qua các biện pháp chiến lược về: rộng mở và có khả năng thích nghi; đổi mới, sáng tạo và có khả năng ứng phó; xây dựng văn hóa kinh doanh trong ASEAN.

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể để triển khai trên từng trụ cột cộng đồng là sản phẩm của sự đồng thuận, phản ánh tầm nhìn và lợi ích chung của các nước thành viên về một ASEAN trong 10 năm tới. Những điểm mới đáng kể là: đề ra mục tiêu liên kết sâu rộng hơn, đồng thời coi trọng hơn cơ sở pháp lý và người dân cũng như đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; mối quan hệ gắn kết và bổ trợ giữa 3 trụ cột cộng đồng được thể hiện đậm nét qua các mục tiêu xuyên suốt (liên kết và gắn kết, dựa trên luật lệ, nâng cao năng lực, hướng tới người dân và phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, năng động và sáng tạo, phát triển bền vững, quan hệ rộng mở với bên ngoài trong lúc bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN). Đây là văn kiện “sống”, để ngỏ khả năng điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện. Mục tiêu bao trùm là tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn Cộng đồng ASEAN, đưa ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác khu vực có mức độ liên kết sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực, nhưng vẫn là một tổ chức liên Chính phủ, không phải như Liên minh châu Âu (EU).

Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và khu vực, nhất là các nhân tố tác động đến triển vọng phát triển của ASEAN trong 10 năm tới, mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cũng như lợi ích quốc gia và tính toán chiến lược của các nước thành viên, có thể dự báo khả năng hiện thực, nhất là Cộng đồng ASEAN sẽ vẫn là một tổ chức liên Chính phủ, nhưng mức độ liên kết sẽ sâu rộng hơn và ràng buộc hơn về pháp lý, có vai trò quan trọng hơn ở khu vực Đông Á. Mức độ liên kết trong từng trụ cột cộng đồng sẽ tiến triển không đều nhau, trong đó liên kết kinh tế sẽ đi nhanh hơn cả vì phù hợp với nhu cầu chung của các nước thành viên và xu thế của tình hình khu vực và quốc tế; liên kết chính trị - an ninh sẽ phát triển từng bước, tiệm tiến trên cơ sở nâng dần mẫu số chung về lợi ích do tính phức tạp và nhạy cảm của lĩnh vực này; liên kết về xã hội - văn hóa cũng tiến triển dần và tùy thuộc nhiều vào mức độ nguồn lực có thể huy động được.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>