Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam: Sự tham gia của Việt Nam

15/02/2016 | 07:57 GMT+7

Sau 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam không chỉ tuân thủ tuyệt đối những nguyên tắc hoạt động mà còn “Tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, đóng góp quan trọng cho sự phát triển và thành công của Hiệp hội.

Lãnh đạo các nước ASEAN trong lễ ký kết thành lập cộng đồng kinh tế. Ảnh: AFP

Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28-7-1995 nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) ở Brunei. Tuy nhiên, quá trình Việt Nam tham gia ASEAN đã được khởi động từ trước đó, cụ thể là: tháng 7-1992 tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên của ASEAN; từ năm 1993 họp hiệp thương thường xuyên với ASEAN nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hàng năm, tham gia các chương trình và dự án hợp tác ASEAN trên 5 lĩnh vực: khoa học - công nghệ, môi trường, y tế, văn hóa - thông tin, phát triển xã hội; năm 1994 trở thành một trong những thành viên ban đầu của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), một diễn đàn khu vực đầu tiên bàn về các vấn đề chính trị - an ninh do ASEAN giữ vai trò chủ đạo.

Trong 20 năm tham gia hợp tác ASEAN với phương châm “Tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển và thành công của Hiệp hội. Ngay sau khi gia nhập ASEAN, chúng ta đã tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Campuchia, Lào và Mianma vào ASEAN, hoàn thành ý tưởng về một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á, tạo ra sự chuyển biến mới về chất đối với ASEAN và tình hình khu vực.

Việt Nam đã đóng vai trò nòng cốt trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN, như Tầm nhìn 2020 và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 cùng các Kế hoạch triển khai trên từng trụ cột, và nhiều thỏa thuận quan trọng khác, nhất là về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển. Chúng ta cũng đã tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực. Việt Nam cũng đã hoàn thành tốt trách nhiệm của một nước thành viên qua việc làm Chủ tịch ASEAN và đăng cai nhiều Hội nghị lớn. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12-1998) với những kết quả quan trọng, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội và vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực khi đó. Tiếp đó, các bộ, ngành liên quan cũng như Quốc hội và các tổ chức nhân dân cũng đã chủ trì đăng cai tổ chức thành công nhiều Hội nghị/hoạt động quan trọng của ASEAN ở các cấp và các lĩnh vực khác nhau, góp phần đẩy mạnh hợp tác ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 với những kết quả to lớn và thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hóa một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 cũng như nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN.

Quá trình 20 năm tham gia ASEAN đã mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng và thiết thực, mà bao trùm là có được môi trường hòa bình và ổn định thuận lợi cho an ninh và phát triển của đất nước, hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Về chính trị - an ninh: Gia nhập ASEAN đã giúp ta phá thế bị bao vây về kinh tế và cô lập về chính trị khi đó; chấm dứt tình trạng chia rẽ, đối đầu ở khu vực, tạo dựng mối quan hệ mới về chất giữa các nước Đông Nam Á theo chiều hướng hữu nghị, ổn định và lâu dài, hợp tác toàn diện và chặt chẽ cả về đa phương và song phương. Ta đã trực tiếp tham gia và đóng góp quan trọng trong việc xác định phương hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN cũng như giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, phù hợp với yêu cầu và lợi ích của ta; xác lập được vai trò quan trọng và có uy tín của Việt Nam trong hợp tác ASEAN, góp phần duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN đối với hòa bình và phát triển ở khu vực, hạn chế sự can thiệp và chi phối của các nước bên ngoài. Ta cũng có điều kiện thuận lợi để phối hợp lập trường và hợp tác với các nước trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế phức tạp, hỗ trợ đáng kể cho ta trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông.

Về kinh tế: Ta đã thu được những lợi ích thiết thực để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. ASEAN hiện là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu, một trong số các bạn hàng lớn, nhà cung cấp FDI quan trọng và có quan hệ trong hầu hết các lĩnh vực hợp tác kinh tế của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN đạt hơn 42 tỉ USD, chiếm hơn 14% tổng giá trị thương mại của Việt Nam, trong đó xuất khẩu của ta sang ASEAN đạt 19 tỉ USD, chiếm gần 13% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về đầu tư, ASEAN hiện có hơn 2.600 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 54,6 tỉ USD. Việc ta tham gia sâu rộng vào liên kết kinh tế ASEAN đã giúp Việt Nam thu hút được ngày càng nhiều vốn đầu tư, kỹ thuật từ bên ngoài ASEAN, nhất là của các công ty đa quốc gia, đồng thời mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Ngoài ra, ta cũng tranh thủ được những lợi ích thiết thực từ các chương trình hợp tác về thu hẹp khoảng cách phát triển như Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và tiểu vùng Mêkông.

Về văn hóa - xã hội: Thông qua việc tham gia rất nhiều chương trình, dự án và hoạt động hợp tác của ASEAN, ta có điều kiện tiếp cận được thông tin và các tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại; học tập và chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao năng lực về quản lý và phát triển văn hóa - xã hội, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngoài ra, thông qua ASEAN, chúng ta có điều kiện tiếp cận và tranh thủ được các chương trình trợ giúp kỹ thuật và cả tài chính của các đối tác dành cho ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Về đối ngoại: Tham gia hợp tác ASEAN đã tạo những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nâng cao vị thế, mở rộng và tăng cường quan hệ song phương với các nước ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN; tạo điều kiện thuận lợi cho ta trong quan hệ với các đối tác bên ngoài cũng như trong việc xử lý nhiều vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng liên quan đến lợi ích của Việt Nam; giúp ta có nhiều kinh nghiệm để tham gia các hợp tác khu vực rộng lớn hơn và ở quy mô lớn hơn.

Về nội bộ ta: Tham gia ASEAN là sự chuẩn bị quan trọng ban đầu cho ta đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế. Hợp tác ASEAN đã giúp ta điều chỉnh dần các thủ tục hành chính, phong cách làm việc trong nước theo hướng phù hợp tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Ta cũng có môi trường rèn luyện, nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp trong tham gia các hoạt động đa phương.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>