Phá đường dây "tín dụng đen" với lãi suất gần 2.000% do người nước ngoài cầm đầu

09/04/2024 | 08:41 GMT+7

Bộ Công an cùng Công an TPHCM và Công an tỉnh Khánh Hòa triệt phá băng nhóm do đối tượng người nước ngoài cầm đầu, sử dụng công nghệ cao hoạt động "tín dụng đen" với lãi suất từ 365% đến 1.971%/năm. Ước tính số tiền các đối tượng thu lợi bất chính lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Đối tượng Bugaevskiy Tymur tại cơ quan công an

Chiều 8-4, nguồn tin của Phóng viên Báo SGGP cho biết, Cục Cảnh sát Hình sự (C02), Bộ Công an vừa phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TPHCM và Công an tỉnh Khánh Hòa triệt phá băng nhóm tội phạm do đối tượng người nước ngoài cầm đầu, sử dụng công nghệ cao hoạt động "tín dụng đen" với lãi suất từ 365% đến 1.971%/năm. Ước tính số tiền các đối tượng thu lợi bất chính lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm hoạt động “tín dụng đen” và chuyển đổi trạng thái từ "truyền thống” sang “công nghệ hoàn toàn” trong phòng chống tội phạm, qua công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, Cục C02 sự phát hiện nhóm đối tượng người nước ngoài câu kết với đối tượng người Việt Nam thành lập các doanh nghiệp núp bóng, sử dụng công nghệ cao để hoạt động “tín dụng đen” với quy mô lớn nên giao Phòng Trọng án xác lập chuyên án để đấu tranh.

Công an lấy lời khai Bugaevskiy

Mới đây, Cục C02 phát hiện 2 đối tượng quốc tịch Ukraine là Bugaevskiy Tymur (sinh năm 1990) và Kravchuk Iryna (sinh năm 1985) nhập cảnh Việt Nam nên phối hợp với các cục nghiệp vụ và Công an TPHCM, Công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ. Đồng thời, lực lượng chức năng khám xét 4 công ty tại TPHCM.

Công an lấy lời khai Kravchuk Iryna

Cục C02 xác định, đường dây tội phạm trên do đối tượng Katerynchyk Roman (sinh năm 1986, quốc tịch Ukraine) cầm đầu. Đối tượng câu kết với Lê Thanh Huỳnh Cang (sinh năm 1971, ngụ TP Thủ Đức) và Nguyễn Thị Nhất Phương (sinh năm 1990, ngụ quận 4) để hoạt động “tín dụng đen” qua app Easycash.vn, Oncredit hoặc website Oncredit.asia.com.

Năm 2019, Roman đưa Cang số tiền 400.000USD để hoạt động cho vay. Đến tháng 4-2023, Roman chỉ đạo Công ty Lộc Tín tiếp tục nhận 11 triệu USD từ công ty SCA của Singapore và ngân hàng TAS của Đảo Síp. Các đối tượng xét duyệt quy trình cho vay từ 500.000 đồng đến vài chục triệu đồng bằng phần mềm do đối tượng người nước ngoài viết, với lãi suất từ 365%-1.971%/năm.

Qua các tài liệu thu thập được cho thấy các đối tượng đã cho hàng trăm ngàn khách hàng vay, thu lời bất chính hàng ngàn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, C02 đã triệu tập 63 đối tượng đến làm việc; thu 68 laptop; gần 100 điện thoại di động và nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan. Đồng thời, lực lượng chức năng phong tỏa các tài khoản của 4 công ty trên.

Theo CHÍ THẠCH/sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>