Sạt lở ngày càng nghiêm trọng

09/04/2024 | 19:27 GMT+7

Thời gian gần đây, tình hình sạt lở đất bờ sông ngày càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Mức độ thiệt hại tăng mạnh

Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của vùng Tây sông Hậu, có địa hình trũng thấp, lòng chảo, ảnh hưởng của 2 chế độ thủy triều là triều biển Đông (bán nhật triều) và triều biển Tây (nhật triều). Có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, toàn tỉnh có 473,4km kênh cấp I; 1.323,8km kênh cấp II; 1.690,9km kênh cấp III. Vì vậy, tỉnh Hậu Giang là vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Liên tiếp trong những năm qua diễn biến của các loại hình thiên tai ngày càng phức tạp, đặc biệt tình hình sạt lở bờ sông, kênh diễn ra ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống Nhân dân.

Tình hình sạt lở bờ sông ở tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn 2010 đến nay là nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng về số lượng điểm sạt lở, chiều dài sạt lở và diện tích mất đất. Số lượng điểm sạt lở, chiều dài sạt lở và diện tích mất đất đều tăng mạnh trong năm 2023 so với các năm trước, và đặc biệt là những tháng đầu năm 2024 mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn, cho thấy tình trạng sạt lở ngày càng khẩn cấp và cần được giải quyết.

Mới đây, vào chiều ngày 6-4, tại kênh Sáu Láo, khu vực 5, phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy, trên phần đất thuộc hộ ông Lê Văn Nhuận cũng đã xảy ra sạt lở; chiều dài sạt lở 25m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 4m; diện tích mất đất khoảng 100m2; sạt lở làm mất taluy ngoài lộ đất rộng 2m; ước thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Nguyên nhân sạt lở là do ảnh hưởng dòng chảy. Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố Ngã Bảy đã xuống hiện trường phối hợp UBND phường Hiệp Thành điều động dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể cùng với người dân tham gia khắc phục, dọn dẹp điểm sạt lở.

Trước đó, vào chiều 4-4, cũng xảy ra sạt lở đất tại kênh Cây Da, ấp Ba Ngàn A, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, trên phần đất thuộc hộ ông Đỗ Văn Hiền. Chiều dài đoạn sạt lở 44m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 5m, diện tích mất đất khoảng 220m2, làm mất taluy lộ giao thông nông thôn, ước thiệt hại 125 triệu đồng. Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố Ngã Bảy, tình hình sạt lở đất gần đây ngày càng phức tạp hơn, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều điểm sạt lở đất bờ sông ảnh hưởng tài sản, hư hại lộ giao thông nông thôn, dẫn đến việc đi lại cũng như khắc phục các điểm sạt lở cũng gặp nhiều khó khăn.

Còn vào ngày 2-4, trên địa bàn huyện Châu Thành đã xảy ra sụp đất, sạt lở bờ kênh tại hộ bà Bạch Thị Mót, ở kênh Mái Dầm, thuộc ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu. Chiều dài sạt lở 35m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 2m; diện tích mất đất khoảng 70m2; sạt lở làm mất taluy lộ giao thông nông thôn, ước thiệt hại 100 triệu đồng. Trước đó, vào giữa tháng 3 đã xảy ra sụp đất, sạt lở bờ kênh tại hộ bà Nguyễn Thị Lệ, ở kênh Mái Dầm, ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, chiều dài sạt lở 60m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 5m; diện tích mất đất là 300m2. Sạt lở làm sụp một căn nhà cấp 4 xuống sông (khung cột, vách tường, mái tôn), ước thiệt hại 250 triệu đồng; nguyên nhân do ảnh hưởng dòng chảy.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 13 điểm sạt lở đất bờ kênh, với tổng chiều dài 370m, diện tích mất đất hơn 1.700m2; ước thiệt hại 2,267 tỉ đồng. Trong khi cùng kỳ năm 2023 xảy ra 14 điểm sạt lở với chiều dài sạt lở 240m, diện tích mất đất 1.074m2, ước thiệt hại 371 triệu đồng. Như vậy, so với cùng kỳ năm rồi giảm 1 điểm sạt lở, chiều dài sạt lở tăng 130m, diện tích mất đất tăng 591,1m2, ước thiệt hại tăng 1,896 tỉ đồng.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hậu Giang, cho biết: Do phát triển thượng nguồn sông Mekong, các nước đầu nguồn xây dựng đập thủy điện, hồ chứa nước làm giảm lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long. Do nhu cầu phát triển, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải khai thác lượng cát lớn cho các công trình. Đặc biệt, do biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm thay đổi dòng chảy trên các tuyến sông, kênh làm cho lưu tốc dòng chảy có xu hướng tăng lên; sụp lún cũng là nguyên nhân gây ra sạt lở. Bên cạnh đó, do việc xây dựng các tuyến đường cặp tuyến sông, kênh, nhất là các tuyến kênh đường trục chính làm mất ổn định máy sông, kênh. Lưu lượng tàu, thuyền qua lại nhiều hơn; đặc biệt tàu có tải trọng lớn tạo ra những đợt sóng lớn vỗ vào bờ tạo hàm ếch gây sạt lở. Cùng với đó, là do việc xây dựng nhà cặp sông, kênh không kiểm soát làm co hẹp dòng chảy trên sông, kênh gây ra hiện tượng tăng lưu tốc dòng chảy.

“Việc tìm ra giải pháp phòng, chống sạt lở với mục tiêu “phòng là chính” là vấn đề cấp thiết hiện nay của tỉnh. Vì theo số liệu thống kê qua các năm đều tăng về số điểm sạt lở, chiều dài và diện tích mất đất ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Như vậy, nếu có giải pháp tốt trong phòng chống sạt lở với kinh phí thấp, dễ thực hiện và được sự đồng thuận cao của người dân sẽ góp phần khắc phục có hiệu quả các điểm sạt lở nguy hiểm; phòng tránh các điểm có nguy cơ sạt lở cao đáp ứng yêu cầu thích nghi tốt biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai không xa”, ông Toàn cho hay.

Sạt lở ngày càng phức tạp ảnh hưởng lớn đến đời sống, thiệt hại tài sản của người dân.

Chủ động đề phòng

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Châu Thành cho biết, Châu Thành là huyện đầu nguồn của tỉnh Hậu Giang tiếp giáp với sông Hậu nên có hệ thống sông ngòi chằng chịt, toàn huyện có trên 298km kênh mương. Trong đó 5 tuyến kênh cấp I, 44 tuyến kênh cấp II, 41 tuyến kênh cấp III và rất nhiều tuyến kênh nội đồng và có hơn 600 con đập lớn nhỏ khác nhau. Do là huyện đầu nguồn có nhiều sông lớn, tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện thường xuyên xảy ra ngày càng tăng về số điểm lẫn quy mô. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông, nhưng một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn Châu Thành là do gần sông Hậu dòng chảy mạnh, chênh lệch giữa chân triều và đỉnh triều cao (chênh lệch giữa nước lớn và nước ròng cao), địa chất yếu... Trên địa bàn huyện có 27 tuyến kênh có nguy cơ sạt lở cao, hàng năm các điểm sạt lở đều nằm trong 27 tuyến kênh này. Nhiều nhất là tuyến kênh xáng Mái Dầm, đi qua 4 đơn vị thị trấn Mái Dầm, xã Phú Tân, Phú Hữu, Đông Phước. Tuyến kênh này là kênh chính nên nhiều tàu thuyền có trọng tải lớn qua lại. Theo thống kê, có trên 60% điểm sạt lở trên địa bàn huyện năm 2023 nằm ở tuyến kênh xáng Mái Dầm.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Châu Thành cho biết, sau khi nhận được tin báo xảy ra sạt lở thì cử cán bộ phối hợp với UBND cấp xã, thị trấn chỉ đạo lực lượng xung kích cấp xã hỗ trợ người dân di dời tài sản và con người đến nơi an toàn, phát huy hiệu quả “phương châm bốn tại chỗ”. Đồng thời chủ động rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao để có biện pháp khắc phục kịp thời. Trước mắt, huyện tập trung nguồn lực khắc phục những điểm sạt lở lớn, nghiêm trọng. Về lâu dài, vận động người dân di dời đê bao, nhà, vật kiến trúc vào trong, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra. Bên cạnh phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống sạt lở bờ sông cho các hộ dân sinh sống tại những tuyến kênh có nguy cơ sạt lở cao và cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở tại các tuyến kênh có nguy cơ sạt lở cao, còn chỉ đạo các phòng, ban, ngành chủ đầu tư thực hiện những công trình nâng cấp đê bao sử dụng những biện pháp công trình hiệu quả tránh tình trạng lấy đất lòng kênh để nâng cấp đê bao, đập. Hàng năm, đều ban hành kế hoạch và thường xuyên tổ chức kiểm tra về trật tự xây dựng trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn huyện, từ đó hạn chế được tình trạng xây dựng nhà ven sông, kênh rạch giảm tình trạng sạt lở. Tổ chức vận động người dân làm kè sinh thái gia cố bờ kênh bằng những vật liệu sẵn có tại địa phương.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho rằng: Thời gian qua, Chi cục Thủy lợi đã triển khai 3 mô hình kè sinh thái điển hình tại các tuyến sông, kênh có biên độ triều cao trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, với tổng chiều dài 380m, tổng kinh phí 350 triệu đồng do người dân đóng góp. Mô hình kè sinh thái sử dụng cây tràm làm vật liệu chính, có nhiều lợi ích như chống sạt lở, bảo vệ đường giao thông và môi trường nước, tăng thu nhập cho người dân từ cây trồng, ổn định dân cư và thị trường vật tư xây dựng, tạo điều kiện cho việc nạo vét lòng kênh. Đây là giải pháp phù hợp cho tỉnh Hậu Giang và ĐBSCL vì có kinh phí thấp, tính xã hội hóa và hiệu quả cao. Thông qua Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và bảo vệ môi trường nông thôn hàng năm, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 320km kè sinh thái và đã phát huy được hiệu quả tích cực. Đặc biệt, qua triển khai thí điểm, mô hình kè sinh thái chống sạt lở cho thấy rất hiệu quả ở khu vực có chênh lệch triều thấp. Máy bờ sau khi áp dụng mô hình rất ổn định và có hiện tượng bồi lắng máy bờ. Trường hợp mô hình áp dụng nơi có chênh lệch vùng triều cao, mô hình có tác dụng hạn chế sạt lở...

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>