Nỗ lực sản xuất lúa Hè thu

09/04/2024 | 08:15 GMT+7

Nông dân trên địa bàn tỉnh đang xuống giống vụ lúa Hè thu, tuy nhiên, với ảnh hưởng của tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt đã gây ra những bất lợi cho người dân.

Nông dân trong tỉnh tích cực phòng trừ bọ trĩ gây hại lúa Hè thu tại những ruộng đang thường xuyên bị khô nước do nắng nóng gay gắt như hiện nay.

Nhiều khó khăn đầu vụ

Giống như các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh Hậu Giang diễn ra nắng nóng gay gắt, từ đó làm nước trên đồng ruộng bốc hơi rất nhanh đã gây ra tình trạng khô đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa Hè thu trong tỉnh đang ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Đang rải phân cho 8 công lúa Hè thu của gia đình được hơn 10 ngày tuổi, ông Nguyễn Văn Nhậm, ở ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, thông tin: “Mọi năm, tôi bơm nước lên ruộng xong thì khoảng 5-6 ngày sau nước trong ruộng mới khô, còn bây giờ, không quá 2 ngày là đã khô hết vì thời tiết nắng nóng gay gắt. Do đó, tôi và bà con ở cánh đồng này vừa bơm nước vừa tranh thủ bón phân cho cây lúa để kịp trước khi nước trên ruộng khô. Do nắng nóng gay gắt, từ đó làm cho cây lúa chậm phát triển so với mọi năm”.

Theo chia sẻ của nông dân, do nắng nóng gay gắt nên cây lúa Hè thu chậm phát triển.

Cùng nỗi lo về sự phát triển chậm của cây lúa Hè thu trong vụ này, ông Nguyễn Văn Cảnh, ở cùng ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Qua nắm bắt thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết mùa khô năm nay nắng nóng gay gắt nên khi gieo sạ hơn 1ha lúa Hè thu của gia đình, tôi đã chủ động tăng lượng lúa giống thêm từ 80kg/ha lên 100kg/ha để tăng số lượng cây lúa trên đồng ruộng. Vì biết rằng, vụ Hè thu năm nay, cây lúa ở giai đoạn đầu sẽ chậm phát triển do nắng nóng, khô hạn. Dù đã tăng lượng lúa giống gieo sạ nhưng sau hơn 10 ngày sạ, hiện tôi thấy ruộng lúa vẫn còn thưa thớt”.

Ngoài việc cây lúa phát triển chậm khi gặp nắng nóng gay gắt thì theo chia sẻ của nhiều nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh, do đang vào cao điểm mùa khô nên tình hình thiếu hụt nguồn nước dưới các kênh nội đồng thường xuyên diễn ra, từ đó làm cho việc bơm nước từ kênh lên ruộng của nông dân gặp không ít khó khăn, trong khi nước trên đồng lại bốc hơi nhanh, từ đó làm cho bề mặt ruộng bị khô, cỏ dại dễ phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho bọ trĩ tấn công cây lúa trong giai đoạn mạ. Mặt khác, khi ruộng lúa mới xuống giống bị khô bề mặt còn tạo điều kiện cho chuột cắn phá, đồng thời những ruộng lúa có bơm nước thì đối tượng ốc bươu vàng tấn công cũng đang là nỗi lo của nông dân.

Cụ thể, qua thống kê nhanh của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh ghi nhận có khoảng 628ha lúa Hè thu bị ốc bươu vàng tấn công, tăng 327ha so với thời điểm cách nay khoảng 7 ngày, mật số từ 1-5 con/m2, gây hại trên lúa ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Ngoài ra, hiện toàn tỉnh còn ghi nhận có 337ha lúa Hè thu bị chuột cắn phá gây hại, tăng 92ha so với thời điểm cách nay khoảng 7 ngày, tỷ lệ nhiễm từ 1-10% trên cùng diện tích. Hai đối tượng trên đang gây hại trên các trà lúa Hè thu ở các địa phương, gồm: huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Tập trung các giải pháp phát triển lúa Hè thu

Với những điều kiện bất lợi trong canh tác ngay từ đầu vụ như trên, hiện ngành chức năng và người dân đã, đang xuống giống lúa Hè thu trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp để cây lúa phát triển tốt.

Xuống giống xong 1,3ha lúa Hè thu của gia đình được 5 ngày tuổi, ông Đặng Thanh Thương, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho hay: “Biết trước về tình hình ruộng lúa của mình sẽ thường xuyên bị khô mặt do thiếu nước, chính vì vậy, trước khi gieo sạ tôi đã trộn chung thuốc diệt bọ trĩ với lúa giống nhằm hạn chế sự tấn công của bọ trĩ trong giai đoạn lúa còn nhỏ. Ngoài ra, tranh thủ vào lúc sáng sớm, khi nước thủy triều dâng cao thì tôi và nhiều bà con ở cánh đồng nơi đây bơm nước từ dưới kênh vào ruộng để làm ngập mặt ruộng, qua đây nhằm khống chế cỏ dại phát triển”.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, đối với ruộng lúa Hè thu đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh như hiện nay thì bà con cần quản lý tốt cỏ dại, bọ trĩ (bù lạch) và ốc bươu vàng gây hại. Trong đó lưu ý nông dân hạn chế để ruộng bị khô nước khi gặp thời tiết nắng nóng, vì đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho bọ trĩ phát sinh gây hại nặng.

“Lúc này đang là thời điểm nắng nóng gay gắt, do đó khuyến cáo bà con nông dân khi bón phân cho lúa nên bón vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để hạn chế sự bốc thoát của phân bón, đồng thời nên bón bổ sung phân kali cho lúa ở giai đoạn đầu để giúp cho cây lúa khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu với điều kiện của thời tiết bất lợi như hiện nay”, ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chia sẻ.

Theo kế hoạch, vụ lúa Hè thu năm nay, nông dân Hậu Giang phấn đấu gieo sạ đạt 73.800ha. Đến thời điểm này, bà con đã xuống giống được hơn 42.000ha, trong đó lúa ở giai đoạn mạ là hơn 30.000ha, giai đoạn đẻ nhánh là hơn 12.000ha. Hiện tại, căn cứ theo tình hình thời tiết, thủy văn thực tế của từng vùng, đồng thời kết hợp việc theo dõi rầy nâu di trú mà các địa phương trong tỉnh sẽ quyết định thời điểm xuống giống hợp lý, đảm bảo né rầy cho nông dân. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn, Sở NN&PTNT tỉnh cũng đề ra khung lịch thời vụ xuống giống để các địa phương và người dân áp dụng.

Cụ thể, đợt 1 xuống giống lúa Hè thu từ ngày 26/3 - 1/4 (nhằm ngày 17-23/2 âm lịch); đợt 2 từ ngày 24 - 30/4 (nhằm ngày 16-22/3 âm lịch). Đối với các khu vực có lúa Đông xuân thu hoạch sớm, nông dân đã xuống giống sớm hơn khung lịch đề xuất. Đối với các địa phương bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm trên địa bàn của huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy, nông dân gieo sạ lúa Hè thu khi mùa mưa bắt đầu, trong đó lưu ý thời điểm xuống giống vào các ngày từ 1-7 đầu tháng dương lịch.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Ngoài triển khai lịch thời vụ, ngành nông nghiệp tỉnh còn phối hợp với các ngành có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường khuyến cáo người dân áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa với lượng lúa giống dưới 100 kg/ha hoặc cấy. Trong đó, ưu tiên biện pháp cấy để hạn chế đổ ngã và giúp lúa chống chịu tốt trong điều kiện bất lợi như mưa, bão hoặc hạn mặn do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tăng cường vận động nông dân áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, SRP (sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững), IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), ứng dụng công nghệ sinh thái, sử dụng chế phẩm nấm xanh trong phòng trừ rầy nâu,… Mặc dù nông dân trong tỉnh đang gặp những điều kiện sản xuất bất lợi ngay đầu vụ lúa Hè thu do thời tiết, hạn, mặn…, tuy nhiên, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp của ngành chức năng và người dân thì tin rằng vụ Hè thu năm nay nông dân trong tỉnh tiếp tục đạt thắng lợi trên các mặt.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>