Cao điểm phòng cháy, chữa cháy rừng

24/04/2024 | 19:14 GMT+7

Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu tháng 4 đến nay nắng nóng gay gắt dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Vì vậy, công tác chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô luôn được tích cực thực hiện.

Cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn luôn túc trực, thực hiện chặt chẽ công tác PCCCR.

Bảo vệ “lá phổi xanh” của đồng bằng

Hậu Giang vào cao điểm của mùa khô, đặc biệt những ngày qua nền nhiệt rất cao, không có mưa trái mùa nên tình hình khô hạn ở các khu rừng của tỉnh đang là nỗi lo của nhiều chủ rừng. Vì thế lúc này cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, ở huyện Phụng Hiệp, đã tăng cường ứng trực phòng, chống cháy rừng, với quyết tâm bảo vệ, gìn giữ vẹn nguyên nơi được mệnh danh là “lá phổi xanh” của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Do nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm không khí và mực nước ở các kênh, rạch xuống thấp, khiến cho lớp thực bì dưới chân rừng tại nhiều nơi trong Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, nhất là ở khu Gò Lức đã khô từ nhiều ngày qua với độ dày khá sâu và dây leo trên cây rừng cũng héo khô hơn 50% số lá. Trước tình hình dự báo cháy rừng ở cấp nguy hiểm, lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cũng như các chủ rừng và ngành chức năng có liên quan trong tỉnh đã và đang siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại đây. Cụ thể, Khu bảo tồn đã tăng cường các tổ, đội đi kiểm tra phòng cháy, chữa cháy rừng bằng phương tiện thủy trên nhiều tuyến kênh, mương trong rừng; thành lập tổ đi kiểm tra tại các bìa, bờ bao và trong rừng dưới mặt đất cũng như trên các tháp canh nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn người dân vào rừng trái phép.

Anh Đinh Phước Hiền, nhân viên bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết: Cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn luôn đi tuần tra bảo vệ cả ban đêm lẫn ban ngày. Ban ngày thì đi một tổ 6-7 người, còn ban đêm chia thành 2 tổ. Kiểm tra các khoảnh rừng xem lớp thực bì về độ khô, cũng như ngăn chặn người dân vào rừng thả lưới, giăng câu hay bắt những loài động vật hoang dã. Ban ngày thì tuyên truyền, vận động bà con không nên hút thuốc, không sử dụng những vật liệu dễ cháy, cũng như đốt đồng ở khu vực ven rừng.

Bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, giám sát, lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã cho gia cố gần 40 cống đập để giữ nước khi thủy triều lên xuống. Tổ chức dọn dẹp các tuyến bờ có vật liệu cháy cao nhằm làm giảm khả năng cháy lan xuống rừng và tạo đường băng cản lửa khi có cháy xảy ra. Vệ sinh cắt dây leo rừng được gần 50ha; dọn đường tuần tra gần 52km và dọn hơn 72ha kênh mương phòng cháy, chữa cháy rừng. Anh Trần Văn Tiến, Phó Đội trưởng Đội bảo vệ chuyên trách Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết: Đến thời điểm này, tất cả các con kênh đều dọn trống, các máy móc cũng đem ra khởi động. Ở đây có tổ phòng cháy, chữa cháy, tổ tự quản chia đều ra 3 trạm, phải trực 24/24 giờ.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có tổng diện tích hơn 2.800ha, chia thành 3 phân khu gồm khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu hành chính phục vụ và khu phục hồi sinh thái. Đây là nơi bảo tồn sinh cảnh tự nhiên, đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau.

Hiện trong Lung Ngọc Hoàng đang tồn tại hơn 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ, 206 loài động vật. Nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có loài đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang... Ngoài ra, nơi đây còn có các loài như: bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo cùng các loài quý hiếm khác như càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun, cá còm... Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết: Xác định vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều hòa không khí, khí hậu, bảo tồn các loài động vật, thực vật quý hiếm còn sót lại của vùng ĐBSCL nên suốt thời gian dài cán bộ, nhân viên nơi đây đã ra sức gìn giữ “lá phổi xanh” này.

Riêng trong năm nay, trước dự báo khô hạn sẽ diễn ra khốc liệt, nguy cơ cháy rừng cao nên từ cuối năm ngoái Khu bảo tồn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là công tác tuyên truyền. Bên cạnh việc đặt các biển báo “cấm vào rừng”, “toàn dân bảo vệ rừng”, “cấm lửa”, “cấp dự báo cháy rừng” ở các điểm dân cư, đường giao thông tại ngã ba, ngã tư có đông người thường xuyên qua lại và các vùng trọng điểm thường xảy ra cháy rừng, cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn còn tăng cường tuyên truyền giải thích để người dân trong khu vực hiểu rõ về tác hại của việc cháy rừng, trong thời gian cao điểm của mùa khô không được vào rừng đốt ong lấy mật, đốn sậy, khi đốt đồng để sản xuất lúa phải báo cáo với trạm bảo vệ rừng gần nhất, làm đường ranh cản lửa, đốt vào lúc chiều mát và bố trí người canh giữ, dập tắt hết tàn lửa sau khi đốt…

Với phương châm “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời”, Khu bảo tồn đã bố trí sẵn sàng 3 trạm bơm, thuyền bơm; trang bị 17 máy bộ đàm cho cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, cũng đã lắp 5 camera trên các tháp canh để quan sát toàn bộ các khu rừng, giúp nhân viên nơi đây phát hiện nhanh và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trong Khu bảo tồn. Đặc biệt, chính từ việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ rừng, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, đơn vị, người dân nên 14 năm qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng chưa để xảy ra một vụ cháy rừng nào. Bên cạnh đó, diện tích rừng tại Khu bảo tồn còn không ngừng tăng lên, trung bình mỗi năm nơi đây trồng gần 9ha rừng. Khu bảo tồn đã và đang bảo vệ, gìn giữ vẹn nguyên nơi được mệnh danh là “lá phổi xanh” của vùng đồng bằng sông Cửu Long này.

Các chủ rừng trong tỉnh luôn tăng cường công tác tuần tra bảo vệ và PCCCR.

Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết, tỉnh đã nâng cấp dự báo cháy rừng từ cấp III (cấp cao) lên cấp IV (cấp nguy hiểm) kể từ ngày 5-4 trên tất cả các khu rừng trong tỉnh. Ngoài nâng cấp dự báo cháy rừng, Ban chỉ đạo tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) các huyện và đơn vị chủ rừng trong tỉnh tổ chức ứng trực 24/24 giờ để phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt hiệu quả.

Ban chỉ đạo PCCCR các huyện, xã và đơn vị chủ rừng trong tỉnh cũng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong PCCCR; tổ chức hướng dẫn thao tác chữa cháy rừng, thực tập chữa cháy rừng theo phương án đã được phê duyệt; chủ động tích trữ nguồn nước ngọt tại các tuyến kênh, mương trong rừng luôn đảm bảo khi có sự cố cháy xảy ra; đối với các khu rừng trọng điểm và khu rừng có nguy cơ cháy cao phải lập chốt kiểm soát người ra vào rừng, bố trí lực lượng chốt chặn và tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng để kiểm soát, ngăn chặn người ra vào rừng trái phép, đặc biệt là công tác phối hợp tuần tra liên ngành, gồm: công an, quân sự, kiểm lâm, chủ rừng. Ngoài ra, các lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng luôn trong tư thế sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ, gồm lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ.

Mới đây, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cũng đã tổ chức buổi thực tập về công tác chữa cháy rừng cấp tỉnh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Tham dự có thành viên BCĐ cấp tỉnh, huyện Phụng Hiệp, các đơn vị chủ rừng trong tỉnh và một số hộ dân tại Khu bảo tồn. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng buổi thực tập nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác của các đơn vị chủ rừng và quần chúng nhân dân trong công tác PCCCR; đồng thời nâng cao năng lực chỉ huy, kỹ năng, kỹ thuật chữa cháy của lực lượng PCCCR tại chỗ, từ đó làm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy rừng gây ra.

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Yêu cầu UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Có phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao. Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra. Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác PCCCR. Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy. Theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng...

Bài, ảnh: HOÀI THU 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>