Để rác thải không còn là nỗi lo ?

07/05/2024 | 08:19 GMT+7

Bài 2: Ô nhiễm môi trường từ các bãi rác

Ô nhiễm rác thải từ sinh hoạt và sản xuất là vấn đề nhức nhối. Những bãi rác ngày càng to dần và gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe, cuộc sống cộng đồng nếu không có giải pháp xử lý kịp thời.

Nước rỉ từ bãi rác ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.

Rác sát vách nhà

Chúng tôi tìm về bãi rác Kinh Cùng, ở huyện Phụng Hiệp, trong những ngày đầu tháng 5, trời nắng như đổ lửa. Đập vào mắt chúng tôi là bãi rác cao, vốn đã quá tải nhưng ngày ngày vẫn gồng mình chịu đựng thêm lượng rác lớn “bồi” vào. Trời giữa trưa, sức nóng của thời tiết quyện với mùi rác nồng nặc xông thẳng vào mũi khiến chúng tôi dù đeo khẩu trang vẫn cảm thấy khó chịu.

Với lượng rác “ngốn” thêm vào bãi rác vốn đã quá tải mỗi ngày, khiến khâu xử lý để tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh rất khó khăn. Vậy nhưng, cách bãi rác khoảng 3-4m là một khu dân cư. Nhiều gia đình trong khu này bày tỏ, từ khi có bãi rác, cuộc sống của họ gần như bị đảo lộn. Tới bữa cơm, mọi người vừa ăn vừa chiến đấu với “giặt ruồi”.

Ông Nguyễn Trình, người dân địa phương, chia sẻ: “Bãi rác này có làm hệ thống đốt, nhưng mỗi lần đốt như vậy thì rất hôi. Nhà tôi mỗi lần có đám, tiệc là ruồi bu đầy phải che đậy kỹ lắm, chứ sơ sài là coi như không sử dụng được”.

Chung cảnh ngộ với ông Trình, anh Phan Thanh Hoàng, ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, bức xúc: “Ban ngày thì mùi hôi chua, ban đêm thì đốt mùi khét, hôi ngủ không được. Trước đây bãi rác ngưng hoạt động, chỉ mới đổ lại từ đầu năm tới giờ. Bà con phản ánh thì người ta có chở vôi bột vô rải để khắc phục nhưng cũng chỉ được vài bữa thì cũng hôi tiếp tục. Tôi mong ngành chức năng khắc phục triệt để bãi rác, để cuộc sống sớm trở lại bình thường”.

Theo tìm hiểu, trước đây, bãi rác Kinh Cùng quy hoạch xây dựng làm nơi trung chuyển rác thì nay nơi đây đã trở thành bãi rác thực sự. Do lượng rác quá lớn nên việc ảnh hưởng mùi hôi đến khu dân cư xung quanh là điều không thể tránh khỏi.

So với ông Trình hay anh Hoàng thì gia đình anh Lê Văn Vui có lẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, vì nhà cặp vách với bãi rác Kinh Cùng. “Bỏ thì thương mà vương thì tội” chính là tình cảnh của gia đình anh Hoàng lúc này. Theo lời anh, bao nhiêu mùi hôi từ rác, gia đình đều hứng đủ. Đáng lo hơn là mương nước cặp nhà giờ đây cũng đen ngòm vì nước rỉ rác, mùi hôi bao vây gia đình anh Hoàng tứ phía.

“Lúc trước bãi rác ngưng hoạt động một thời gian không bị hôi thối. Bây giờ thì chịu hết nổi. Rác hôi dữ lắm! Nước rịn qua đen cả mương luôn. Bây giờ phải ở đại chứ biết sao bây giờ, hôi cũng phải chịu, vì không có chỗ ở khác”, anh Vui đượm buồn. 

Khó trong khâu xử lý

Nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm ở các bãi rác, ngành chức năng tỉnh đã thường xuyên phun hóa chất để giảm mùi hôi phát tán và diệt côn trùng. Tuy nhiên, theo người dân đó chỉ là giải pháp trước mắt, bởi mùi hôi, nước đen từ rác phát sinh ra ngoài là rất lớn do bãi rác đã quá tải.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Từ trước đến nay, Phụng Hiệp là nơi làm các bãi rác lớn của tỉnh. Trước đây, trên Quốc lộ 1, có bãi rác Tân Long của thành phố Cần Thơ thì tiến hành đổ rác tại đó. Địa phương cũng có bãi rác tại xã Thạnh Hòa, thị trấn Kinh Cùng và một bãi rác ở xã Hòa An. Thời gian qua, việc xử lý rác thải của cả tỉnh như vậy, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì nước rỉ rác chảy xuống các ao hồ, sông rạch trên địa bàn huyện. Kiến nghị của người dân đối với vấn đề này là rất lớn”.

Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Hậu Giang cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 bãi rác, trong đó có 3 bãi rác do doanh nghiệp quản lý. Các bãi rác gồm: Bãi rác xã Tân Tiến, bãi rác thị trấn Kinh Cùng, bãi rác Hòa An, bãi rác thị xã Long Mỹ. Riêng bãi rác Tân Tiến hiện đã đóng cửa.

Ông Cao Thế Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Hậu Giang, nhìn nhận: “Các bãi rác của tỉnh hiện đang quá tải, đang chờ Nhà máy điện rác Hậu Giang hoạt động sẽ có chỗ đổ tiếp. Bãi rác tạm của Hòa An cũng đang quá tải. Công suất nhà máy điện rác khoảng 250 tấn/ngày. Công suất các bãi rác của tỉnh hiện nay khoảng 170-180 tấn rác sinh hoạt/ngày. Các địa phương đều có xe thu gom rác tập kết về. Rác của thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ thì đổ tại bãi rác thị xã Long Mỹ. Còn lại đổ về bãi rác tạm Hòa An”.

Theo ông Khải, hiện nay, do các bãi rác trong tình trạng quá tải đã khiến chi phí san ủi, xử lý rác tăng lên. Hàng ngày, bãi rác tạm Hòa An tiếp nhận mới khoảng 150 tấn, còn bãi rác thị xã Long Mỹ khoảng 25-30 tấn và đều được xử lý hóa chất khử mùi, diệt ruồi. Riêng tại bãi rác thị trấn Kinh Cùng, trước đây, tỉnh có dự án khắc phục ô nhiễm môi trường tại đây và hiện đã làm xong. Khi nhà máy Điện rác Hậu Giang xin tạm dừng đổ rác 2 tháng để xây dựng nhà máy thì rác tập trung về bãi rác thị trấn Kinh Cùng vừa đốt vừa san ủi. Lượng rác đốt chỉ khoảng 18 tấn/ngày, còn lại phải chôn vào các ô chôn lấp cũ còn trống. Bây giờ, đã đổ rác trở lại tại bãi rác Hòa An.

“Hiện nay, mùa nắng thì còn đỡ, không hoặc ít có nước rỉ rác. Mùa mưa, nước chảy tràn nước rỉ rác hơi nhiều. Chúng tôi đang mong nhà máy điện rác được đưa vào hoạt động càng sớm càng tốt. Khi đó rác sẽ đưa về nhà máy điện rác xử lý, giải quyết áp lực quá tải cho các bãi rác hiện tại. Còn việc xử lý các bãi rác hiện nay như thế nào sau khi nhà máy hoàn thành sẽ theo chỉ đạo của UBND tỉnh”, ông Cao Thế Khải cho biết thêm.

Có thể thấy, dù ngành chức năng đã nỗ lực với nhiều giải pháp, thế nhưng, vì quá tải mà tình trạng mùi hôi, nước rỉ rác từ khu vực lưu chứa rác vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh. Do đó, cần phải có những giải pháp xử lý càng sớm càng tốt để đảm bảo vấn đề môi trường, ổn định cuộc sống người dân.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

-----------

Bài 3: Lối đi mới cho rác

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>