Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Nghề thủ công ở Hỏa Lựu - Vị Thanh thời khẩn hoang

17/11/2023 | 09:08 GMT+7

Vị Thanh là vùng đất mới, được khai phá khá muộn so với nhiều địa phương khác. Chủ yếu với lâm nghiệp, nông nghiệp. Nhưng đến giai đoạn lập làng, ấp; kinh tế và đời sống có bước tiến thì các ngành nghề thủ công ra đời và định hình. Tiếp đó là các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, rồi công nghiệp hình thành và phát triển qua các thời kỳ lịch sử.

Chằm lá là một trong những nghề thủ công ra đời sớm nhất tại vùng đất Vị Thanh xưa.

Từ nhu cầu của cư dân khẩn hoang, vùng đất này đã hình thành các nghề thủ công như: Nghề mộc dân dụng, đóng ghe xuồng, rèn công cụ nông nghiệp và đan đát vật dụng sinh hoạt, công cụ ăn ong, săn thú rừng, đánh bắt cá đồng,...

Tuy vậy, ở các làng Hỏa Lựu (bao gồm đất Vị Thanh), mới lập vào thời Minh Mạng, đến giữa thế kỷ XIX, vẫn chưa xuất hiện các “lò” nghề thủ công, nên người ta phải đi chợ Rạch Giá mua về sử dụng. Trong sách “Tìm hiểu Đất Hậu Giang”, Nhà Nam bộ học Sơn Nam mô tả đoàn người đi lập nghiệp từ Phong Điền (Cần Thơ), qua vùng Long Mỹ, Vị Thanh, phải đi xuồng, ghe mang theo các công cụ: dao, búa, cưa; kể cả nồi, xoong...

Khi dân cư đông đúc, nhiều làng phía Gò Quao, Giồng Riềng, Long Mỹ ra đời. Tất nhiên, cũng kéo theo những nghề thủ công thiết yếu. Bởi trong lớp người khẩn hoang luôn có những tay thợ, thầy, dù đôi khi kỹ thuật chưa tinh xảo lắm. Trước hết là nghề mộc - đóng xuồng, ghe, cất nhà ở. Vốn nguyên liệu là cây tràm, cây nhum, cây cui, cây su,... sẵn có, việc cưa, xẻ đóng thành xuồng, ghe, hay cất một gian nhà không khó lắm.

Lá dừa nước là loại vật liệu lợp nhà, dần dần phổ biến rộng rãi ở vùng đất Nam kỳ. Đó là cách lợp nhà bằng “lá xé” thành hai tàu vừa để lợp, vừa để dừng vách. Từng lúc, người ta sáng chế ra những tấm lá chằm bằng cách đan kết những cọng lá lại thành tấm, có thể sử dụng nhanh chóng để lợp nhà cho người khẩn hoang, hay lợp chuồng, trại, chòi... Nhờ tính tiện ích nên việc sử dụng các loại lá chằm lan ra tận phố, chợ, vùng ven thành thị rất thông dụng, trở thành mặt hàng thiết yếu che nắng, che mưa. Đâu chỉ những tấm lá chằm bằng lá dừa nước, ở vùng Vị Thanh, Gò Quao, Giồng Riềng,... còn có nguyên liệu lá mật cật (tàu lá rộng, lớn), người ta thường dùng để chằm nón. Giữa thế kỷ XX, nghề này còn thịnh hành, thể hiện qua câu thơ: “Tàu mật cật em chằm nón lá, anh đội đầu che nắng chang chang”.

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, sức sống những chiếc lá chằm luôn vững bền, nhiều ghe lá từ Long Mỹ, Vị Thanh đưa về miệt trên rao bán hàng ngày:  

“Ông bà ta chèo ghe trên sông Hậu, sông Tiền

“Rao lá lợp nhà cho người đi khẩn hoang lập nghiệp”

 (Theo sách “Dân ca Hậu Giang” - 1986).

Chưa có tài liệu nào ghi rõ, làng, xã nào; nghệ nhân nào khai mở nghề chằm lá ở vùng Vị Thanh, Hỏa Lựu, Vĩnh Viễn (Long Mỹ), Vĩnh Tuy (Gò Quao),... Thế nhưng, sau mấy trăm năm khẩn hoang, nghề chằm lá vẫn tồn tại, hiện nay những tấm lá vẫn có mặt trên thị trường. Tại các xã Hỏa Tiến, Tân Tiến vẫn còn những gia đình chầm lá qua 3-4 thế hệ. Do vậy, có thể nhận định: Nghề chằm lá ở Hỏa Lựu, Vị Thanh là một trong những nghề thủ công sớm ra đời từ thời khẩn hoang.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>