Để rác thải không còn là nỗi lo ?

04/05/2024 | 18:54 GMT+7

Xử lý rác thải được xem là bài toán hóc búa khi khối lượng thu gom mỗi ngày lên đến hàng trăm tấn. Tuy nhiên, nút thắt đang dần được tháo gỡ khi công nghệ lẫn những sáng kiến mới biến rác thành tiền lần lượt ra đời và áp dụng trên địa bàn Hậu Giang.

Bài 1: Sống chung với rác

Lượng rác thải ngày một tăng tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội gây nguy cơ cao ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe, nhưng làm sao để xử lý triệt để và biến rác thành tiền đang là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Nhà máy điện rác Hậu Giang dự kiến vận hành tổ máy số 1 vào tháng 8 tới vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa để tài nguyên rác không phải lãng phí mà có thể biến thành tiền.

Đất trống thành… bãi rác

Dù có biển “cấm đổ rác”, thế nhưng, cách dốc cầu Cái Chanh, thuộc ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, không xa từng túi rác lớn vẫn được người dân vứt tại đây. Đủ loại rác từ vỏ rau củ đến chai nhựa nằm chồng lên nhau phơi mình giữa nắng. Theo người dân, trước đây, vị trí này là điểm thu gom rác tập trung, nhưng hiện nay, địa phương đã chọn nơi khác để thay thế, tuy nhiên vì nhiều lý do, một số người dân vẫn mang rác đến bỏ ở đây.

Có nhà đối diện bãi rác tự phát, một người dân ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, bức xúc: “Họ bán rau, tới đây bỏ bọc ni-lông, lá chuối quá nhiều luôn. Ban đêm, ban ngày cũng có hết. Có người bỏ rác khoảng 3 giờ khuya, tôi cũng nói đừng có bỏ ở đây, để ở trước nhà cũng có người gom mà họ vẫn bỏ. Rác nhiều, trời nắng hôi thối, ruồi nhiều lắm, không chịu nổi. Tôi mong muốn ngành chức năng, địa phương xử lý triệt để chỗ này, để không còn ô nhiễm mà lại an toàn nữa, vì ngay dốc cầu rất nguy hiểm. Lúc trước, chỗ này có xảy ra tai nạn giao thông rồi”.

Theo người dân sống quanh khu vực, mùa nắng thì còn đỡ, còn khi mưa xuống nước từ bãi rác tự phát cộng với nước mưa chảy ra đường bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến người dân đi qua ai cũng lắc đầu ngao ngán. “Mấy khúc trống nhà thì người ta vứt đại. Còn người dân tuyến này đều để trước nhà rồi có người đi thu gom, hàng tháng đóng tiền đầy đủ”, một người dân sống dọc tuyến Đường tỉnh 925 hay.

Ghi nhận của phóng viên, tuyến Đường tỉnh 925, đoạn từ Bệnh viện Đa khoa số 10 về trung tâm hành chính huyện Châu Thành, nhiều bãi đất trống đã “nghiễm nhiên” trở thành nơi chứa rác bất đắc dĩ. Với tâm lý “người này bỏ được, người khác cũng bỏ được” nên những bãi rác như vậy ngày một nhiều thêm. Rác vứt bừa bãi cũng là “căn bệnh” nan y tại các tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Một người dân bức xúc: “Quá khủng khiếp, hôi dữ lắm. Ý thức người dân mình chưa được tốt. Người ta ở đâu không biết nữa chạy xe máy lại bỏ rác rồi chạy đi. Có biển cấm đổ rác nhưng cũng để đầy vậy đó”.

Trên bờ rác bủa vây thì một số dòng sông, kênh trên địa bàn cũng đang bị đe dọa bởi rác. Hậu Giang có mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều cư dân sinh sống dọc các con sông, kênh, rạch. Bên cạnh số hộ có ý thức bảo vệ môi trường thì cũng có một số hộ tiện tay vứt rác thải sinh hoạt xuống các con sông khiến nhiều dòng sông trở nên đầy rác thải, bọc ni-lông…

Còn nhớ vào năm 2019, sông Cái Lớn chảy qua địa bàn thị xã Long Mỹ, đã bị ô nhiễm nặng, dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi đã gây nên nỗi ám ảnh một thời tại địa phương. Ngoài chuyện xả thải của nhà máy trong khu vực thì có nguyên nhân từ chính ý thức của các hộ dân.

Bãi rác tự phát tại dốc cầu Cái Chanh, huyện Châu Thành.

Cần thay đổi thói quen

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thùy Như, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, cho biết khi thực hiện đề án Hậu Giang xanh của tỉnh, thu gom rác từ các tuyến đi ra thì UBND xã Đông Thạnh chọn vị trí tại dốc cầu Cái Chanh để tập kết rác cho các tuyến đường nhỏ của tổ vệ sinh môi trường để xe chở rác thu gom.

“Sau thời gian hoạt động, địa phương nhận thấy vị trí này chưa phù hợp, không đảm bảo an toàn giao thông nên đã chuyển sang điểm tập kết mới. Tuy nhiên, người dân đã quen điểm cũ nên cứ đem đến đó. Địa phương đã thuê đơn vị công trình đô thị thu gom rác, đặt bảng cấm, băng rôn, khẩu hiệu để tuyên truyền cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân vứt rác tại đây. Sau các giải pháp tuyên truyền, nếu người dân cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt theo đúng quy định pháp luật”, bà Như cho biết.

Theo Điều 25 Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển. Tuy nhiên, việc xử phạt tại các địa phương vẫn còn hạn chế vì nhiều lý do nên dù đã có quy định, rác vẫn được “bỏ đại” khi tiện tay.

Dẫu biết, việc thay đổi thói quen vốn không dễ, thay đổi sự tùy tiện lại càng khó hơn. Do vậy, ngoài chuyện “cấm” thì việc kiểm tra, xử phạt theo quy định và làm đến nơi đến chốn của cơ quan chức năng phải được tăng cường và thường xuyên. Xóa các bãi rác tự phát không đơn giản, cũng không phải là chuyện ngày một ngày hai, nhưng nếu quyết tâm và có sự đồng lòng thì không gì là không thể, vừa bảo vệ môi trường vừa để tài nguyên rác không phải lãng phí mà có thể biến thành tiền.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Bài 2: Ô nhiễm môi trường từ các bãi rác

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>