Bước tiến mới trong thu hút FDI

01/11/2023 | 17:37 GMT+7

Bài 3: “Đòn bẩy” để thu hút FDI

Với sự quan tâm, đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, diện mạo của ĐBSCL đang dần đổi thay, sẵn sàng bứt phá tạo đà cho những bước phát triển trong các năm tiếp theo.

Cảng của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ hàng hải Hậu Giang (VIMC) ở Khu công nghiệp Sông Hậu.

Giao thông đi trước mở đường

ĐBSCL chiếm hơn 90% sản lượng gạo, 95% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng các loại trái cây xuất khẩu. Mặc dù chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước nhưng năm 2020 thị phần thặng dư thương mại của vùng chiếm khoảng 47,4%. Con số này cho thấy, nguồn xuất nhập khẩu nguyên liệu hàng hóa giao thương nông, lâm, thủy sản của ĐSBCL rất lớn mặc dù còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hạ tầng.

Hiện, toàn vùng đang được Trung ương đầu tư một số tuyến đường cao tốc tuyến dọc, tuyến ngang và một số công trình trọng điểm lớn. Quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương cũng dần được công bố, góp phần cho bức tranh kinh tế - xã hội của ĐBSCL dần hiện rõ. Tuy nhiên, hạn chế về nguồn nhân lực cũng như pháp lý một số quy định rất khó.

“Thành phố Cần Thơ được Bộ Chính trị quan tâm thực hiện Nghị quyết 45 và Nghị quyết của vùng thành phố Cần Thơ sẽ kết nối với các tỉnh ĐBSCL. Thành phố Cần Thơ cũng chỉ đạo các sở, ngành lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là pháp lý cũng như các thủ tục và tạo mọi điều kiện để cho các doanh nghiệp phát triển làm sao thực hiện có hiệu quả góp phần cho các doanh nghiệp phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh.

Có thể thấy, giao thông đi trước mở đường, khi ĐBSCL được nối liền bằng các tuyến cao tốc, rút ngắn khoảng thời gian di chuyển với Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực được đào tạo nâng cao chất lượng sẽ trở thành đòn bẩy rất lớn của khu vực.

Bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản pháp lý, thể chế thì việc nâng cao năng lực của chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp để có thể tự bảo vệ mình cũng trở thành vấn đề rất quan trọng. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đang có kế hoạch phối hợp với các địa phương, các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng mạng lưới hỗ trợ pháp lý, để có thể hỗ trợ cho các chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật, trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: Nếu nâng cao hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực mà không thu hút, nâng cấp được sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và logistics thì người ta sẽ không đến ĐBSCL. Cho nên phải rất đồng bộ cái này để người ta ở lại hoặc kéo đến ĐBSCL.

Cao tốc được triển khai sẽ giúp ĐBSCL nói chung và Hậu Giang tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông để cất cánh.

Địa phương sẵn sàng

Tại Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp mới 1 dự án FDI với số vốn 23,620 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có 25 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 1,103 tỉ USD. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: So với trong vùng và cả nước thì thu hút doanh nghiệp FDI của tỉnh rất ít, tỉnh đang chăm sóc doanh nghiệp FDI.

Hậu Giang cũng có những khó khăn chung của vùng ĐBSCL, tuy nhiên nhờ sự sát sao của lãnh đạo tỉnh, địa phương cùng sự đồng lòng của người dân với phương châm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, “Thành công của doanh nghiệp là thành quả của tỉnh nhà”, khẩu hiệu hành động là “2 nhanh, 3 tốt”, địa phương đã trở thành ngôi sao sáng trong tăng trưởng kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 13,94% (cao nhất khu vực ĐBSCL và đứng thứ 4 cả nước). Thu ngân sách đạt kết quả ấn tượng, lần đầu tiên thu trên 6.100 tỉ đồng, tăng trên 1.000 tỉ đồng so với năm 2021. Các chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PAPI, PAR INDEX, SIPAS, PCI) đều tăng từ 5 bậc đến 26 bậc so với năm 2021. Trong đó, chỉ số PCI tăng 26 bậc, xếp thứ 12 cả nước…

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung hai Khu công nghiệp Sông Hậu 2 và Đông Phú 2 vào Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Việt Nam với quy mô trên 600ha. Tỉnh đang làm thủ tục để hoàn thiện, thực hiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng, mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư. Tỉnh đẩy mạnh đi học tập kinh nghiệm ở các địa phương có thế mạnh trong thu hút FDI. Tổ chức đoàn đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.

“Tỉnh có 7/8 địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên có nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư. Hậu Giang đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái. Công nghiệp chế biến, du lịch gắn với nông nghiệp. Tỉnh cũng tập trung hỗ trợ cho trung tâm logistics, tập trung đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho 2 khu công nghiệp tới đây, kêu người lao động Hậu Giang quay về làm việc”, ông Trương Cảnh Tuyên chia sẻ.

Hậu Giang đẩy mạnh mời gọi, thu hút đầu tư với các doanh nghiệp đến từ các quốc gia trên thế giới. Trong chuyến công tác tại Hậu Giang vào giữa tháng 9 vừa qua, ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đạt được. Đồng thời, bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ tỉnh hợp tác, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư Ấn Độ đến đầu tư tại Hậu Giang.

“Tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác nhiều hơn giữa các doanh nghiệp đầu tư Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó có tỉnh Hậu Giang đối với các công ty của Ấn Độ để chúng ta có thêm nhiều cơ hội phát triển”, Ông Madan Mohan Sethi bày tỏ.

Ông Madan Mohan Sethi cũng cho biết, tháng 12-2023 sẽ có hội nghị về thương mại, đầu tư lớn thành phố Cần Thơ. Nếu Hậu Giang có những tiềm năng, ông sẽ mời 40-50 doanh nghiệp Ấn Độ sẽ đến cùng trao đổi, thảo luận với các doanh nghiệp ở Hậu Giang để hai bên tìm kiếm các cơ hội để hiểu biết nhau hơn, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đầu tư.

Đánh giá về sự phát triển của Hậu Giang, ông Nguyễn Bá Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công thương, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cho rằng: Hậu Giang có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành trung tâm kết nối logistics của toàn vùng Tây Nam bộ. Sắp tới, cộng với những kết nối vùng cao tốc và nâng cấp về hạ tầng cảng thủy nội địa, tin rằng Hậu Giang sẽ có những chuyển mình bứt phá lớn trong thời gian tới.

“Chúng ta phải chuẩn bị về nhân lực, lao động, cơ sở lưu trú cho các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia kỹ thuật, thu hút nhân lực về với Hậu Giang. Phát triển của tỉnh gắn với chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và phát triển về thương mại, hạ tầng thương mại để đóng vai trò to lớn hơn giúp bổ sung cho nhau. Và đầu tư là cái đột phá đầu tiên. Có đầu tư thì sẽ tạo ra phát triển hạ tầng, có hạ tầng sẽ tạo ra kênh về phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị công nghiệp. Đấy là hướng có thể giúp Hậu Giang phát triển”, ông Nguyễn Bá Hải chia sẻ.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Bài 4: Tìm đường ra biển lớn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>