Sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP

27/04/2017 | 08:00 GMT+7

Chính vì nhận thấy cây bưởi da xanh có thể bám rễ với vùng “đất khó”, đem lại nguồn thu nhập khá cho nông dân nên huyện Long Mỹ đang định hướng quy hoạch đến năm 2020 mở rộng diện tích loại cây trồng này lên 480ha. Tuy nhiên, trước hết là tiến hành xây dựng vùng bưởi da xanh với quy mô hàng chục héc-ta đạt theo tiêu chuẩn VietGAP.

Các thành viên của dự án lấy mẫu đất tại Hợp tác xã Tiến Nông để phân tích và đề ra phương pháp cải tạo, canh tác tốt nhất.

Những năm gần đây, cây bưởi da xanh đã được nhiều hộ dân ở các xã Thuận Hưng, Vĩnh Viễn, Thuận Hòa, Lương Tâm của huyện Long Mỹ chọn lựa để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cho nên diện tích canh tác bưởi da xanh trên địa bàn huyện hiện đã tăng lên 280ha. Nhất là hiện nay, bưởi da xanh đang duy trì ở mức giá cao. Ông Trần Văn Thường, ở ấp 5, xã Thuận Hòa, cho biết: “Tôi đã trồng thử 1 công bưởi da xanh nên nhận thấy vùng đất nơi đây khá thích hợp. 5 năm qua, vườn bưởi đã mang về cho gia đình tôi nguồn thu nhập hấp dẫn vì năng suất không kém so với miệt Phú Hữu, Châu Thành. Cụ thể là mỗi năm, với 70 gốc bưởi, tôi bán được hơn 60 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho hay: “Từ lâu, huyện mong muốn tìm ra một loại cây trồng chủ lực, phù hợp với vùng đất Long Mỹ, giúp người dân địa phương cải thiện thu nhập. Hiện nay, cây bưởi da xanh đã đáp ứng được các tiêu chí này. Bởi mặt hàng nông sản này thường xuyên hút hàng, dễ tiêu thụ, thậm chí còn được xuất khẩu đi nước ngoài. Vì vậy, Huyện ủy, UBND huyện đã có chủ trương quy hoạch vùng chuyên canh bưởi da xanh nhưng phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường để phát triển bền vững, lâu dài”. Bởi theo ông Bình, việc quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho bưởi da xanh mà huyện đang hướng đến là nhằm hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, góp phần tạo cho nhà vườn thói quen tốt trong đầu tư, ứng dụng khoa học từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển cho đến tiêu thụ sản phẩm. 

Theo đó, để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu nông sản chủ lực bưởi da xanh thành công, huyện đã đề ra chỉ tiêu cụ thể là trong 2 năm nữa, sẽ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho bưởi da xanh Long Mỹ. Hiện, kỹ sư Trịnh Hồng Nhung, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã được mời thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh (Citrus maxima) đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang”. Cụ thể, dự án sẽ tập trung xây dựng mô hình bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP với quy mô 20ha tại Hợp tác xã Tiến Nông, ấp 3, xã Vĩnh Viễn. Trên cơ sở thành công bước đầu của hợp tác xã sẽ từng bước phát triển thành vùng sản xuất bưởi da xanh theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu và nhân rộng mô hình trong toàn huyện.

Tuy nhiên, đặc tính của đất đai huyện Long Mỹ là bị phèn, nhiễm mặn nên khi ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đòi hỏi phải thực hiện một cách bài bản. Bởi nếu thực hiện không đúng quy trình sẽ dẫn đến phá vỡ kết cấu đất, vô tình làm tăng độ phèn, dẫn mặn, gây thiệt hại năng suất, thậm chí chết cây. Vì vậy, các nhà khoa học rất thận trọng trong việc xây dựng vùng bưởi da xanh với diện tích 20ha ban đầu đạt tiêu chuẩn VietGAP. Kỹ sư Trịnh Hồng Nhung, chủ nhiệm dự án xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Trồng bưởi ở vùng đất này cần lên liếp cao, xử lý phèn tốt. Hiện, chúng tôi đã lấy mẫu đất về đơn vị phân tích để biết rõ hơn đặc tính của đất mà tìm ra biện pháp cải tạo, canh tác tốt nhất”.

Như vậy, giải pháp xây dựng vùng chuyên canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa trên bưởi da xanh không chỉ giúp nông sản chủ lực địa phương khẳng định vị thế mà còn góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao giá trị gia tăng cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện Long Mỹ. Ông Trần Văn Tôn, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Nông, cho rằng: “Hợp tác xã rất mừng vì được chính quyền địa phương quan tâm chọn bưởi da xanh là cây chủ lực, tập trung đầu tư phát triển. Phấn khởi hơn khi hợp tác xã là nơi triển khai thực hiện mô hình đạt theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên của huyện. Bởi qua đây, các thành viên hợp tác xã sẽ được nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, chăm sóc tốt hơn cho vườn bưởi nhà mình”.

“Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm công tác kêu gọi doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư, thu mua sản phẩm cho nông dân, góp phần ổn định sản xuất lâu dài. Việc làm này không chỉ đảm bảo quy luật cung cầu mà còn giúp nông dân Long Mỹ có được cuộc sống ổn định và làm giàu với mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương”, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>