Nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ

05/01/2017 | 07:44 GMT+7

Dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ (SHTT) trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang” do ông Nguyễn Thái Hòa, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh làm chủ nhiệm, được thực hiện trong thời gian qua đã góp phần giúp cho lĩnh vực du lịch, chế biến thủy sản, làng nghề truyền thống, nông sản tỉnh nhà phát triển bền vững.

Trái mãng cầu xiêm đang được người dân xã Thuận Hòa hướng đến việc xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.

Theo Ban chủ nhiệm dự án, để khẳng định thương hiệu sản phẩm trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế thị trường trong nước, thì việc nâng cao sự hiểu biết kiến thức về quyền SHTT cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Bởi qua đây, các đơn vị kinh doanh có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm của mình, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Thời gian qua, các hộ cá thể, doanh nghiệp ở địa phương chỉ chú trọng đến sản xuất mà chưa quan tâm đến việc đăng ký quyền SHTT. Bởi đa phần họ chưa nắm rõ về các quy định trong Luật SHTT, chưa biết các thủ tục, hồ sơ đăng ký gồm những gì. Do đó, để xác lập quyền SHTT, Ban chủ nhiệm dự án đã tiến hành xây dựng chương trình chuyên sâu và phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang nhằm phổ biến kiến thức về SHTT cho các đối tượng kinh doanh hiểu rõ và đăng ký thực hiện”, ông Nguyễn Thái Hòa cho biết.

Theo đó, Ban chủ nhiệm dự án đã tổ chức điều tra, khảo sát và thu thập thông tin từ 150 tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để có cơ sở xây dựng thành công 26 chương trình truyền hình tương tác, bao gồm 22 chương trình phát sóng hàng tuần và 4 chương trình tọa đàm hàng tháng như: các chuyên mục, bản tin, phóng sự, giải trí, tọa đàm… Các chương trình đều tập trung tuyên truyền về Luật SHTT, tư vấn, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế, đăng ký, khai thác và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Trồng hơn 10 công mãng cầu xiêm và kết hợp mở cơ sở thu mua sản phẩm tại nhà, anh Trần Hoài Phong, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, chia sẻ: Hiện sản phẩm mãng cầu xiêm đang có thị trường tiêu thụ khá ổn định nên người dân ở đây đã mạnh dạn cải tạo đất lúa, lên liếp trồng mãng cầu rất nhiều. Cho nên tới đây, ngoài việc áp dụng khoa học - kỹ thuật để sản xuất ra sản phẩm sạch thì người dân sẽ xin thành lập hợp tác xã để có đủ điều kiện xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, giúp phát triển bền vững cây mãng cầu, góp phần ổn định cuộc sống gia đình.

Ông Nguyễn Văn Ngẫu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, nhận xét: Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất thiết thực. Bởi việc xây dựng chương trình phát sóng về nội dung SHTT trên truyền hình Hậu Giang rất đa dạng và phong phú. Do vậy, khi các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sẽ có thêm cơ hội phổ biến các sản phẩm của mình cho người dân trong và ngoài tỉnh biết để liên hệ trao đổi và mua bán sản phẩm thuận lợi hơn.

Theo ông Nguyễn Thái Hòa, qua hơn 1 năm thực hiện dự án, số lượng doanh nghiệp địa phương nộp đơn xin bảo hộ trong lĩnh vực SHTT không ngừng tăng lên, ngành nghề đăng ký bảo hộ cũng đa dạng hơn trước. Cho nên tới đây, ngoài việc tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, cơ quan chủ trì dự án còn tiến hành rà soát và đúc kết kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch thực hiện bảo hộ quyền SHTT cho phù hợp hơn. Đồng thời, tạo cầu nối cho doanh nghiệp với cơ quan xác lập quyền SHTT trong tỉnh thêm gắn kết, giảm thiểu tình trạng vi phạm trong lĩnh vực SHTT, nâng cao vị thế, thúc đẩy hoạt động SHTT trong tỉnh phát triển mạnh, góp phần quảng bá và khẳng định thương hiệu nông sản chủ lực tỉnh nhà.

  Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>