Hiệu quả từ hệ thống lọc nước cải tiến

03/03/2017 | 08:11 GMT+7

Giờ đây, kỳ vọng có được nguồn nước sinh hoạt vừa sạch vừa tiết kiệm của nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh đã trở thành hiện thực, khi “Hệ thống lọc nước giếng khoan cải tiến” do kỹ sư Nguyễn Văn Lòng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (TTNS&VSMTNT) tỉnh, sáng chế ra đã làm được điều đó.

Các cháu thiếu nhi Trường Mẫu giáo Hương Sen đang vệ sinh từ nguồn nước sạch của hệ thống lọc nước cải tiến.

Ba năm trước, trong những chuyến về quê, ông Lòng nhận thấy sự thiệt thòi của người dân nông thôn trong quá trình sử dụng nước sinh hoạt. Bởi hầu hết bà con đều có thói quen sử dụng nước sông, kênh, rạch gần nhà nhưng đều bị ô nhiễm. Còn đối với những hộ sử dụng nước giếng khoan thì phần lớn đều không đảm bảo, thậm chí không sử dụng được bởi chất lượng nước kém. Từ đó, ông Lòng đầu tư thời gian, công sức để sáng chế ra “Hệ thống lọc nước giếng khoan cải tiến”, với hy vọng giải quyết các vấn đề khó nhọc kể trên cho bà con.

Vì thế vào năm 2014, ông quyết định thực hiện đề tài “Đánh giá hiệu quả của hệ thống lọc nước giếng khoan cải tiến ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang”. Ông Lòng chia sẻ: “Tôi công tác ở trung tâm nước sạch khá lâu nên nắm rõ tình hình sử dụng nguồn nước của người dân vùng nông thôn. Dù sử dụng nước sông hay nước giếng thì đều bất tiện, gây nguy hại sức khỏe người dân. Vì vậy, tôi muốn tạo một hệ thống lọc nước vừa an toàn, ít tốn kém, dễ sử dụng để người dân nông thôn có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh hơn”.

Bước đầu, hệ thống lọc được lắp đặt thử nghiệm tại 8 hộ gia đình ở xã Vĩnh Viễn và Thuận Hưng, huyện Long Mỹ. Quy trình lắp đặt mỗi hệ thống lọc phải thực hiện qua 7 bước, còn nguyên lý hoạt động của hệ thống khá đơn giản. Theo đó, khi máy bơm khởi động, nước được bơm từ giếng lên, qua đường ống đẩy vào ống phân phối nước có khoan lỗ dạng phun mưa vào bồn chứa và tiếp xúc với oxy qua ống thông hơi. Tại đây, sắt từ trong nước giếng được oxy hóa, kết tủa thành kim loại, khi đi qua lớp cát lọc sẽ bị giữ lại. Riêng các tạp chất (mùi tanh, hôi, một phần ion kim loại chưa phản ứng còn lại) sau khi qua lớp than sẽ gặp tương tác lý, hóa tiếp tục được giữ lại. Lúc này, chỉ còn nước sạch qua ống cưa rãnh bọc lưới đi vào khu vực chứa nước sạch, vô ống tải, đến hộ sử dụng khi mở van.

Nước đi qua hệ thống lọc đều đạt chất lượng, cải thiện được màu sắc. Nếu quan sát bằng cảm quan thì màu vàng ngà ngà thường gặp ở nước giếng không còn nữa. Các chỉ số đo sau khi phân tích đều đạt theo quy chuẩn Quốc gia QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế. Ông Nguyễn Văn Liệt, một trong số những hộ được lắp đặt thử nghiệm hệ thống này ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, nhận xét: “Tôi công nhận hệ thống lọc nước mới rất hữu dụng. Nước không còn bị vàng, bị hôi sình như lúc trước”.

Ngoài 8 hộ thuộc diện thử nghiệm của đề tài, ông Lòng còn tiến hành lắp đặt hệ thống lọc nước giếng khoan cải tiến tại các địa phương khác để làm rõ thêm tính hiệu quả. Trong đó, có hệ thống nước giếng khoan cũ, bị bỏ hoang của Trường Mẫu giáo Hương Sen, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp. Cụ thể, sau khi lắp đặt hệ thống lọc nước cải tiến, hiện tại, trường đã sử dụng nước để sinh hoạt bình thường, đảm bảo được nhu cầu vệ sinh cho các cháu thiếu nhi. Cô Nguyễn Thị Bé Nương, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hương Sen, chia sẻ: “Trước đây, do cây nước bị hư, sinh hoạt của cô và trò rất vất vả, do phải lọc lại nước sông, thậm chí hứng nhiều lu, kiệu để trữ lại nước sử dụng hàng ngày. Nhưng hơn 2 năm nay, tình trạng đó không còn vì nước giếng đã trong trở lại, cô và trò ở đây yên tâm sinh hoạt, học tập hơn”.

Tương tự, Trường Mẫu giáo Cây Dương, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cũng đã lắp đặt hệ thống nước giếng khoan. Theo Ban giám hiệu nhà trường, hệ thống lọc này không chỉ giúp trường có được nguồn nước sạch sinh hoạt, mà còn góp phần tiết kiệm được lượng nước máy sử dụng hàng tháng. Ước tính, bình quân mỗi tháng, Trường Mẫu giáo Cây Dương giảm được vài chục khối nước sinh hoạt, tiết kiệm được gần 300.000 đồng chi phí chi trả cho trạm cấp nước tập trung của thị trấn.

Được biết, chi phí lắp đặt hệ thống lọc nước giếng khoan cải tiến khoảng 6,5 triệu đồng/hộ. Còn đối với hộ có sẵn giếng, bồn chứa, ống nước thì chỉ tốn khoảng 2,5 triệu đồng/hệ thống nên khá phù hợp với túi tiền của nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, hệ thống lọc mới có thể phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gia đình 4 người, với bồn chứa tương đương 300 lít. Bồn có thể đặt ở mái nhà hoặc trên trụ tháp đơn giản. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài không chỉ được tất cả thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá cao, mà còn được người dân tin dùng. Bởi hệ thống lọc nước giếng khoan cải tiến đã giúp cho nhiều nông hộ tận dụng được các giếng bị hư, bỏ trống, vừa giảm được chi phí, vừa cung cấp nguồn nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>