Hiệu quả từ các dự án khoa học

17/08/2017 | 08:54 GMT+7

Giờ đây, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được nông dân thị xã Ngã Bảy quan tâm, nhất là giải quyết được bài toán tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Ông Cơ đã dùng màng phủ kích thích cam cho trái nghịch vụ, giúp thu nhập tăng gấp đôi.

Ông Trần Văn Trề, ở khu vực 3, phường Ngã Bảy, đánh giá cao hiệu quả khi tham gia dự án “Áp dụng hệ thống tưới phun mưa cho vườn cây cam sành trên địa bàn thị xã Ngã Bảy giai đoạn 2015-2017” do ông Nguyễn Hữu Trí, cán bộ Phòng Kinh tế thị xã làm chủ nhiệm. Kết quả của ứng dụng này không chỉ giúp ông giảm chi phí nhân công lao động, mà còn tiết kiệm nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Hơn nữa, tưới phun mưa còn có thể kết hợp công nghệ phun phân, thuốc và tăng cường bón phân hữu cơ, phân sinh học chỉ trong một công đoạn tưới. Ông Trần Văn Trề nhận định: “Tôi có 1ha cam, trước đây mỗi lần tưới nước, bón phân phải mất mấy giờ mới xong. Bây giờ, lắp đặt mô hình tưới phun mưa thì nhẹ công chăm sóc, chỉ cần bật công tắc là tưới xong 1ha nhưng chưa tới 30 phút”.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí (chủ nhiệm dự án), mô hình còn giúp nhà nông tiết giảm được hơn 90% chi phí tưới và công chăm sóc. Nếu sử dụng cách tưới kiểu cũ bằng máy xăng, bà con phải bỏ ra từ 100.000-200.000 đồng/lần tưới. Còn tưới phun mưa thì chỉ tốn khoảng 10.000 đồng/lần để trả cho tiền điện. Hơn nữa, tưới phun mưa không làm xói mòn đất vì giọt nước nhỏ, thấm từ từ giúp cho đất vườn tơi xốp, cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Tuy chi phí đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu đồng/ha, nhưng về lâu dài hiệu quả tiết kiệm nhân công mỗi lần tưới sẽ bù lại đáng kể.

Vì những hữu ích trên mà mô hình đã thu hút được hơn 10 nhà vườn trên địa bàn thị xã ứng dụng. Bà con còn uyển chuyển thay thế ống nhựa cứng bằng ống nhựa dẻo, nhờ đó chi phí lắp đặt giảm được 2/3 so với mô hình cũ. Ông Lê Văn Bảy, ở phường Lái Hiếu, cho biết: “Tôi học mô hình này được gần 1 năm nay, khi về áp dụng ở vườn nhà thấy việc chăm sóc nhẹ nhàng hơn hẳn”.

Đối với mô hình “Trồng rau an toàn trong nhà lưới” cũng được nhiều nông dân ở thị xã thực hiện. Đây là kết quả của dự án “Trồng rau an toàn trong nhà lưới” do bà Nguyễn Cẩm Trúc, cán bộ khuyến nông thị xã Ngã Bảy làm chủ nhiệm. Dự án đã kết thúc hồi cuối năm 2016. Kết quả của dự án cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nông dân. Ông Nguyễn Hoàng Long, ở ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, bày tỏ: “Mô hình trồng rau trong nhà lưới rất an toàn vì rau được che chắn, không bị sâu bọ phá hoại, giảm được chi phí phun thuốc. Tham gia dự án, với diện tích chưa đầy 500m2, tôi thu lời khoảng 1 triệu đồng/đợt thu hoạch. Qua 6 tháng trồng, hái 10 đợt rau, lãi trên 10 triệu đồng”.

Giờ đây, mô hình trồng rau an toàn đã và đang được nông dân xã Đại Thành phát triển. Mô hình này không chỉ giúp nông dân giải quyết công lao động nông hộ mà còn tạo ra thu nhập phụ cho gia đình. Mô hình này cũng rất thích hợp với xã nông thôn mới Đại Thành trong việc bảo vệ môi trường nông thôn vì hạn chế được sâu bệnh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tạo ra nguồn rau an toàn cung cấp cho địa phương.

Không dừng lại ở đó, sự trợ giúp của các ngành chức năng, nông dân thị xã còn năng động trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào mô hình của gia đình. Sau khi được học tập lớp kỹ thuật trồng cây có múi do Trạm Khuyến nông thị xã tổ chức, ông Phạm Văn Cơ, ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, đã mạnh dạn áp dụng biện pháp canh tác mới là kích thích 6 công cam sành ra hoa trái vụ bằng cách dùng cao su dẻo phủ kín gốc cam trong thời gian khoảng 2 tháng để ngăn nước mưa tiếp xúc với mặt đất. Ông Cơ cho biết: “Để làm màng phủ cho 1 công cam chi phí đầu tư khoảng 7 triệu đồng, nhưng hiệu quả mang lại đáng kể. Việc xử lý này đã giúp cho trái ra đồng loạt, cách tháng thu hoạch 1 lần, mỗi lần khoảng 3 tấn trái/công. Cam cho trái nghịch vụ thì giá bán cao hơn bình thường ít nhất 5.000 đồng/kg, dao động từ 24.000-30.000 đồng/kg. Thu nhập của gia đình mỗi mùa nghịch đều cao gấp đôi so với mùa thuận”.

Có thể thấy, những mô hình ứng dụng khoa học đã mang lại hiệu quả cho việc phát triển kinh tế lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ở địa phương. Theo Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, năm nay phòng sẽ tăng cường phối hợp với Trạm Khuyến nông Ngã Bảy tiếp tục triển khai các mô hình, dự án hiệu quả như “Trồng dưa hấu an toàn thực phẩm”; “Nuôi gà nòi thịt trên đệm lót sinh học”; “Trồng cam sành không hạt”... để giúp nông dân tiếp cận khoa học, tăng thu nhập cho gia đình.

  Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>