Giảm bệnh cho lúa bằng chế phẩm sinh học

09/03/2017 | 08:08 GMT+7

Kết quả nghiên cứu của đề tài “Ứng dụng vi khuẩn vùng thân, lá và rễ lúa kết hợp với dẫn xuất từ chitosan để phòng trừ một số bệnh hại quan trọng và kích thích tăng trưởng cây lúa” do PGS-TS Trần Vũ Phến, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm, đã tìm ra biện pháp quản lý bệnh hại khá triển vọng cho cây lúa và thân thiện với môi trường.

Sử dụng chế phẩm sinh học Bacillus spp. đúng quy trình sẽ kiểm soát bệnh tương đương với thuốc hóa học.

Hiện nay, sự phát triển nông nghiệp lúa nước đang đi vào mức độ thâm canh cao, với mục đích khai thác, chạy theo năng suất và sản lượng. Vì vậy, nông dân không tránh khỏi việc sử dụng ngày càng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và hàng loạt các biện pháp để sản xuất lúa 3 vụ. Sự canh tác trên đã làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, gây mất cân đối nguồn dinh dưỡng, mất cân bằng hệ sinh thái trong đất và hệ vi sinh vật. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài đã giúp nông dân quay lại nền nông nghiệp hữu cơ, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học.

Theo đó, chủ nhiệm đề tài đã tạo ra được chế phẩm chitosan từ vi khuẩn Bacillus spp. - một tác nhân phòng trừ sinh học tiềm năng trong quản lý các bệnh hại quan trọng trên lúa. Chế phẩm này cho hiệu quả kiểm soát bệnh đạo ôn, cháy bìa lá lúa tương đương với thuốc hóa học hiện nay. Sau quá trình tuyển chọn vi sinh vật có lợi và sử dụng dẫn xuất từ chitosan trong môi trường phòng thí nghiệm, chủ nhiệm đề tài đã tiến hành kiểm chứng và đánh giá kết quả trong điều kiện nhà lưới. Qua đó cho thấy, hiệu quả kích kháng bệnh đạo ôn của dẫn xuất chitosan đã làm giảm bệnh vào 7 ngày sau khi lây bệnh.

Từ đây, chủ nhiệm đề tài đã nhận diện được một số vi khuẩn triển vọng và thực hiện quy trình sản xuất ra chế phẩm sinh học thành dạng bột. Các chủng vi khuẩn được tìm ra là chủng B. amyloliquefaciens-B61, chủng B. amyloliquefaciens subsp. plantarum-B12, chủng B. amyloliquefaciens-B42, Bacillus-B54, -B57. Bên cạnh đó, chủ nhiệm đề tài còn tìm ra chủng B. amyloliquefaciens-B8, B. amyloliquefaciens subsp. Plantarum - B12 chống chịu tốt trong điều kiện nồng độ mặn cao hoặc pH thấp và kích thích sự tăng trưởng của cây lúa.

Mặt khác, chủ nhiệm đề tài đã tạo ra chiết xuất chitosan từ vỏ tôm, cua (độ acetyl hóa cao, 95%) nên có hiệu quả kích kháng, làm giảm bệnh đạo ôn vào thời điểm 7 ngày sau khi lây bệnh. Khi được bổ sung vào môi trường nuôi vi khuẩn Bacillus, huyền phù vi khuẩn cho hiệu quả đối với bệnh cháy bìa lá lúa cao hơn áp dụng riêng lẻ. PGS-TS Trần Vũ Phến lưu ý: “Khi sử dụng các chế phẩm này trong điều kiện ngoài đồng phải thực hiện xử lý 3 lần, tương đương thời điểm 20, 40, 70 ngày sau khi sạ. Nếu áp dụng đúng thời gian thì chế phẩm sẽ có tác dụng tương đương các hóa học Beam 75WP hay Starner 20WP mà nông dân đang sử dụng hiện nay”.

Tham gia thực hiện đề tài trong điều kiện sản xuất thực tế trên 1.000m2 đất lúa, ông Bùi Tiền Giang, nông dân ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, nhận định: “Đối với ruộng được phun chế phẩm sinh học Basillus spp. thì tôi nhận thấy hiệu quả trị bệnh đạo ôn tương đương với các loại thuốc hóa học đã từng sử dụng. Trong khi đó, theo tính toán, chi phí dùng chế phẩm sinh học giảm hơn 20% so với ruộng đối chứng. Tôi hy vọng, sau khi đề tài kết thúc, chế phẩm sẽ được tiếp tục sản xuất và các nhà khoa học xây dựng quy trình hướng dẫn cụ thể để nông dân chúng tôi áp dụng nhằm giảm độc hại trong quá trình canh tác lúa, cũng như không gây ô nhiễm môi trường”.

Quy trình sản xuất chế phẩm sinh học Bacillus spp. dạng bột và quy trình ứng dụng chế phẩm trong quản lý bệnh hại quan trọng trên lúa hiện đã được chuyển giao cho Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Thời gian gần nhất, trung tâm sẽ tiếp tục lưu giữ, nhân nuôi và sản xuất chế phẩm để ứng dụng vào thực tế sản xuất lúa. Song song đó, cán bộ trung tâm sẽ hướng dẫn bà con sử dụng chế phẩm đúng quy trình để giúp nông dân sản xuất lúa tiết kiệm, hiệu quả và an toàn đối với môi trường.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>