Nghe kể chuyện chăm sóc thương binh trong chiến tranh

22/04/2021 | 20:05 GMT+7

18 tuổi, bà Mai Thị Xinh (Ba Xinh), ở ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, trốn nhà theo cách mạng (năm 1968) và được tiếp nhận vào Trạm Y tế xã Phụng Hiệp, làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh. Từ đó, ngày đêm bà cùng chị em đơn vị săn sóc bộ đội, có lúc vì đau quá mà bộ đội chửi mắng nhưng bà vẫn vui vẻ xoa dịu vết thương các anh.


Bà Ba Xinh bên Huân chương Kháng chiến do Chủ tịch nước tặng.

Bà Ba Xinh kể, khi trốn nhà đến nơi, chú Út Phước, Trưởng trạm Y tế, tiếp nhận ngay, sau đó được hướng dẫn cơ bản về sơ cứu ban đầu (vệ sinh, băng bó vết thương) khi bộ đội bị thương nhẹ được chuyển đến. Quen dần, bà Xinh được giao nhiệm vụ chích thuốc cho bộ đội vì cũng không nhiều loại thuốc. Gọi là Trạm chứ là nhà của ông Út Phước được ngụy trang kín đáo. 

Bà Ba kể rằng, vì là nhà nên khả năng cao nhất của Trạm cũng chỉ phục vụ từ 5-7 thương binh nhẹ thôi, nhiều và nặng thì phải chuyển lên “tuyến trên”: dân y, quân y. “Chở bệnh nhân đến, đi toàn bằng xuồng ba lá; địch càn quét mình chạy cũng phải bằng mọi giá chở bộ đội bị thương theo”, bà Xinh nói thêm.

Những năm chống Mỹ ác liệt, công việc của bà và chị em nhiều hơn, cực hơn nhưng bà nói vui lắm chứ không phải nơm nớp lo sợ, căng thẳng trong công việc. “Cực lắm, sáng thay băng chích thuốc, chiều cũng thay băng chích thuốc; băng qua sử dụng thì phải xả cho sạch rồi giặt bằng nước tẩy, nấu nước nóng trụng lại, văng dây phơi khô rồi đem hấp đến 3 tiếng đồng hồ chứ đâu phải như bây giờ xài một lần rồi bỏ. Rồi phải lo cơm cháo, nước uống đầy đủ cho mấy anh thương binh chứ đâu chỉ nhiệm vụ y tá không”, bà Ba kể.

Cuộc đời chăm sóc thương binh của bà có nhiều kỷ niệm. Bà nhớ lại, có lần phục vụ ca mổ bộ đội bị thương, lúc này địch dội bom gần đó làm giật mạnh mặt đất, văng thương binh từ trên giường xuống đất, tuy nhiên ca mổ vẫn phải tiếp tục vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của thương binh; cũng may là địch không đánh phá thêm.

Hay khi lúc mấy anh thương binh bị vết thương hành đau đớn, bà Ba và chị em phải thức giấc chích thuốc giảm đau, thuốc an thần cho họ. Bà Xinh kể: “Có lần chăm sóc vết thương mới của bộ đội, vì đau đớn nên các anh la lối lắm, nhiều anh còn nạt nộ “tụi bây làm nhẹ chứ mạnh tay tao đá bây văng ra à”, nhưng tôi không giận mà chỉ nhẹ nhàng, vỗ về cho các anh qua cơn đau”.

Một lần khác khi đơn vị hết gạo, bà Ba bạo gan cùng một chị ở đơn vị chèo ghe chở lúa đi chà ở cách đơn vị khá xa (lúa được dân cho). Lúc đi ngang đồn địch, chúng không hỏi gì, khi về, chúng ra lệnh dừng lại kiểm tra. Chúng hỏi thẳng: Chà gạo cho Việt cộng hay tiếp tế cho Việt cộng?

Với kinh nghiệm của một y tá, bà Ba Xinh rất sợ và nghĩ khó lòng thoát khỏi sự tra hạch của lính ngụy. Song, bà nhớ bọn này rất ham tiền nên qua mấy câu nói dóc và làm động tác móc tiền từ túi áo ra, một tên lính có vẻ có quyền yêu cầu bà Xinh đến chỗ hắn để “tra hỏi kỹ”. Liền lúc này bà vét sạch túi tiền đâu mấy trăm đồng gì đó nhét vào tay tên lính và năn nỉ gạo là của chị em chung xóm hùn lại chà ăn chứ cho Việt cộng gì đâu. Vậy là tên lính cho bà qua và nói: chị này quen biết với hắn.

“Chà gạo hồi đó khó lắm, nhà bao nhiêu người là chỉ được chà bao nhiêu ký thôi chứ hơn nữa lính đâu cho. Vậy mà lần đó nhờ lèo lái mà qua mặt được chúng, anh em đơn vị có gạo mà ăn để cùng chống giặc”, bà Xinh nói thêm.

Bà Xinh công tác cỡ 4-5 năm rồi bị thương trong một lần chạy giặc nên sau đó không tham gia nữa. Ba Xinh không nhớ rõ chăm sóc cho bao nhiêu thương binh nhưng đó là ký ức đẹp của thời con gái. Bà Ba nhớ nhiều những lúc bình yên (giặc không càn quét), anh chị em quây quần bên nhau ca hát, nấu chè, nấu cháo ăn, rất vui!

Bà khắc ghi nhất những lời gửi gắm của thương binh khi vào đây: “Em ráng trị cho anh mau lành để anh còn ra chiến trường giết giặc nữa”.

Ngày hòa bình, thống nhất đất nước, bà Ba Xinh cũng tích cực với nhiều hoạt động ở địa phương trong khắc phục hậu quả chiến tranh; nhiều năm tham gia công tác phụ nữ ở ấp, là đại biểu HĐND xã Phụng Hiệp… Năm 2001, bà Mai Thị Xinh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

 

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>