Lo tết, lo an toàn thực phẩm

29/01/2018 | 08:34 GMT+7

Tết về bộn bề nỗi lo và lo nhất vẫn là vấn đề an toàn thực phẩm.

Đoàn kiểm tra tại cơ sở sản xuất kem Ngọc Yến.

Lỗ hổng kiến thức về an toàn thực phẩm

Mấy ngày qua, Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân năm 2018 của tỉnh đã ra quân thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành A, có nhiều cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Đoàn thanh, kiểm tra đã kiểm tra tại cơ sở làm bún của ông Nguyễn Văn Lương, phường I, thành phố Vị Thanh. Cơ sở này đang sản xuất bún với điều kiện vệ sinh cơ sở chưa đảm bảo, nguyên liệu làm bún để ngổn ngang dưới nền nước đọng. Ông Nguyễn Văn Bé Tư, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, nói: “Không có kệ kê nguyên liệu mà để trực tiếp xuống nền nhà là không đúng quy định và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Không chỉ vậy, nguyên liệu sơ chế phải đựng bằng các bao, gói được kiểm tra chất lượng chứ không được đựng trong bao thức ăn. Cơ sở sản xuất “núp bóng” phía sau tiệm cơ khí nên khó phát hiện”.

Không chỉ nguyên liệu để trực tiếp dưới nền nước đọng mà nhiều người trực tiếp sản xuất không mang bảo hộ lao động. Cối xay bột đã bị rỉ sét, cạnh sau cơ sở là khu vực chăn nuôi gà. Cơ sở này đã hoạt động 2 năm qua trong khi chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Lương, chủ cơ sở, giải thích: “Do cơ sở không phải đất nhà nên chưa khắc phục điều kiện vệ sinh cơ sở được. Chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là vì chưa đủ các thủ tục để được cấp giấy”. Cũng theo ông Lương, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất và bán ra thị trường từ 400-500kg bún. Đoàn kiểm tra đã quyết định đình chỉ hoạt động cơ sở này và buộc phải hoàn tất các thủ tục đúng theo quy định của pháp luật mới cho hoạt động trở lại.

Ngoài cơ sở của ông Lương, nhiều cơ sở khác được kiểm tra cũng phát hiện không ít lỗi vi phạm. Tại cơ sở Tuấn Kiều, phường IV, thành phố Vị Thanh, kinh doanh mặt hàng nước ngọt và nước tinh khiết, qua kiểm tra của đoàn cơ sở bảo quản sản phẩm trong điều kiện chưa đảm bảo. Kho chứa hàng hóa ba phía đều bằng tôn, nhiệt độ luôn cao hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài khi thời tiết nắng nóng, chưa kê hàng hóa bằng pallet theo quy định, kho bề bộn. Ông Lê Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, khẳng định: “Điều kiện bảo quản sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Vấn đề đáng lo hiện nay là cơ sở học kiến thức về an toàn thực phẩm nhưng nhiều chủ cơ sở học không hiểu và không vận dụng được vào quá trình kinh doanh, sản xuất”.

Ý thức chủ cơ sở là điều quyết định

Nhiều cơ sở đã sản xuất từ rất lâu nhưng kiến thức về an toàn thực phẩm còn mơ hồ. Bà Dương Ngọc Yến, chủ cơ sở sản xuất kem Ngọc Yến, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, nói: “Trước giờ nghe kiểm nghiệm nhưng tưởng kiểm nghiệm sản phẩm là kiểm tất cả các chỉ tiêu nên ngán tiền không kiểm. Bây giờ mới được đoàn hướng dẫn rõ ràng không nhất thiết phải kiểm nghiệm hết các chỉ tiêu trong một lần, sắp tới sẽ làm đúng theo quy định”. Cơ sở của bà Yến còn vi phạm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đã hết hạn hơn 1 tháng qua.

Hứa sẽ khắc phục là điều hầu hết các cơ sở sản xuất cam kết khi đoàn kiểm tra phát hiện vi phạm. Ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ cơ sở Tuấn Kiều, phường IV, thành phố Vị Thanh, nói: “Tôi sẽ khắc phục, kê pallet, sửa trần nhà lại, trước giờ không biết”. Cũng có những cơ sở lần trước được kiểm tra đã hứa, nhưng đến lần này kiểm tra cũng lại hứa. Như cơ sở Lập Thành, của ông Tiêu Văn Phiêu, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, sản xuất các loại bánh từ bột, lần kiểm tra Tết Trung thu đã được nhắc nhở về việc phải mang bảo hộ lao động khi sản xuất, lần này kiểm tra cũng chưa khắc phục được. Ông Phiêu phân trần: “Mấy cha con ở nhà làm nên còn sơ suất”.

Vệ sinh nhiều cơ sở chưa đảm bảo, một số hàng hết hạn, khám sức khỏe, xác nhận kiến thức không đầy đủ cho tất cả người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm chưa có hoặc hết hạn,… là bắt nguồn từ nhận thức của cơ sở còn hạn chế, chỉ quan tâm lợi nhuận chưa quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Qua kiểm tra 7 cơ sở ở 3 huyện, thành đã có 5 cơ sở vi phạm. Đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra ở các huyện, thị khác nhằm đảm bảo cho người dân ăn tết an toàn.

Có thể khẳng định, chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm hay không quyết định nhất vẫn là ý thức của chủ cơ sở. Ông Nguyễn Lê Vinh, chủ cửa hàng Tiện Lợi Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Kinh doanh mình phải quan tâm bán những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng, không chỉ vì sức khỏe của người tiêu dùng mà còn là uy tín của cơ sở. Người tiêu dùng bây giờ kiến thức cũng rất cao, mình không làm tốt sẽ mất khách”.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>