Giúp trẻ khuyết tật được học nghề

23/12/2019 | 08:02 GMT+7

Không những giúp trẻ khuyết tật học chữ mà còn dạy nghề, tạo điều kiện để các em tìm kiếm việc làm tự nuôi sống bản thân, đó là điều các thầy cô giáo ở Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh và giáo viên dạy nghề nỗ lực thực hiện với tất cả tình yêu thương, trách nhiệm.

Lớp dạy nghề đan đát được mở tại Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh.

Đến thăm lớp dạy nghề đan lục bình của các em học sinh khuyết tật ở Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh, nếu không được giới thiệu trước, có lẽ ai cũng nghĩ rằng các em đều bình thường như bao trẻ em khác với đôi bàn tay linh hoạt khi luồng từng cọng lục bình vào nhau. Khi gặp vấn đề khó, các em sẵn sàng giúp đỡ nhau thông qua ngôn ngữ ký hiệu từ đôi tay để cùng hoàn thành công việc, nếu khó hơn thì hỏi giáo viên giảng dạy. Khác với những lớp nghề cho lao động nông thôn khác, lớp học nghề của những học sinh khuyết tật chỉ có 15 em, tất cả là học sinh khiếm thính.

Chị Nguyễn Thị Đậm, giáo viên dạy nghề ở Hợp tác xã Kim Ngân, cho biết, để có thể đan hoàn thành sản phẩm lục bình, các em đã phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường. Quả thật không đơn giản để có thể dạy trẻ khiếm thính học nghề. “Dạy nghề cho các em học sinh khiếm thính rất khó, bởi tôi không biết được ngôn ngữ ký hiệu của các em. Lúc đầu, phải nhờ giáo viên ở trường hỗ trợ. Nhìn thấy các em buồn rầu khi đan không đẹp, hay đan sai, thấy thương các em lắm. Lúc đó, chúng tôi phải an ủi, vỗ về giống như người mẹ, nhờ vậy, mà giờ đây em nào cũng tiến bộ thấy rõ”, chị Đậm chia sẻ.

Cầm trên tay, sản phẩm vừa mới đan xong, qua ngôn ngữ ký hiệu và phiên dịch của giáo viên ở trường, em Trịnh Thị Tuyết Nghi, học sinh Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh, cho biết: “Tự mình đan được như thế này, em mừng lắm”. Còn em Nguyễn Hoàng Nhi cho biết: “Gia đình em khó khăn lắm, nên em nỗ lực học nghề để sau này có việc làm, tự lo cho mình”. Nhìn các em say mê học tập, mới thấy các em cháy bỏng ước mơ có được cái nghề để mai này tự lao động nuôi sống bản thân, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thời gian qua, nhằm tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật tham gia lao động, các ngành, các cấp đã mở các lớp dạy nghề tại trường. Điều này đã thắp lên hy vọng cho các em, do đó, các em rất phấn khởi. Ông Trần Văn Thiên, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Học sinh ở trường chủ yếu là khiếm thính, khiếm thị. Tuy nhiên, nhà trường chỉ dạy đến lớp 5, vì vậy sau khi ra trường hầu hết các em đều quay về nhà trong sự đùm bọc của gia đình, chưa có khả năng tìm kiếm việc làm, tự nuôi sống bản thân. Khi các ngành, các cấp tạo điều kiện mở lớp dạy nghề cho học sinh khuyết tật tại trường, không chỉ học sinh mà giáo viên chúng tôi ai cũng phấn khởi, vì từ nay cuộc đời các em sẽ bước sang trang mới, có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng”.

Hợp tác xã Kim Ngân đang cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm đan lục bình do các em học sinh khuyết tật làm. Đây là tín hiệu mừng cho công tác giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Đậm, giáo viên dạy nghề cho biết, dẫu các em bị khuyết tật, nhưng các em rất siêng năng, chăm chỉ, sản phẩm làm ra đảm bảo theo yêu cầu.

Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh hiện đang nuôi dạy 45 học sinh khiếm thính, khiếm thị. Hầu hết các em đều thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên mọi chi phí như dụng cụ học tập, ăn nghỉ đều được Đảng, Nhà nước hỗ trợ và tấm lòng thơm thảo từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm. Những năm qua, để giúp học sinh khuyết tật hòa nhập cộng đồng, các ngành, các cấp đã mở một số lớp học nghề tại trường như kết hạt cườm, may công nghiệp, làm lồng đèn, đan lục bình… Song để các em có thể gắn bó với nghề đã học, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội phải quan tâm, tạo điều kiện, vì nếu không có việc làm thì người khuyết tật sẽ phải sống phụ thuộc, trở thành gánh nặng của gia đình và cộng đồng...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>