Sức bật từ việc học tập và làm theo gương Bác

17/10/2016 | 07:39 GMT+7

Thời gian qua, việc học tập và làm theo gương Bác đã tạo được bước đột phá, mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, chương trình an sinh xã hội tại các địa phương.

Học tập và làm theo gương Bác đã tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.

Xây dựng nông thôn mới

Việc học tập và làm theo gương Bác được các cấp ủy đảng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Từ những cách làm mới, thiết thực, hiệu quả, nhiều điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới xuất hiện ngày càng nhiều hơn như: Hội Nông dân phát động hội viên đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo gắn với các phong trào thi đua “Nông dân xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Đoàn thanh niên với phong trào thực hiện vệ sinh môi trường; Hội Cựu chiến binh với phong trào xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn; Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào tiết kiệm, phát triển kinh tế gia đình…

 Ông Lê Văn Điện, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Nhờ học tập và làm theo tấm gương của Bác mà mỗi cán bộ, đảng viên luôn đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc; còn người dân thì hăng say lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới”.

Còn ông Nguyễn Thanh Lâm, thành viên Đội tình nguyện xây dựng “Tuyến đường đẹp” ở ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Khi lộ làng được Nhà nước đầu tư xây dựng thông thoáng, việc đi lại dễ dàng thì bản thân tôi bắt đầu muốn có những con đường xanh, sạch, đẹp như nhiều địa phương khác. Chính vì vậy, khi xã yêu cầu tham gia vào Đội tình nguyện xây dựng “Tuyến đường đẹp” tôi rất nhiệt tình vận động bà con tham gia. Những gia đình neo đơn, hoặc đi làm ăn xa thì thành viên đội tình nguyện giúp trồng và chăm sóc hàng rào cây xanh cho họ”.

Đến xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, hỏi mô hình “Tổ từ thiện phúc lợi xã hội” của ông Võ Chín Song ai cũng biết. Ông Chín Song nổi tiếng là người tiên phong trong các hoạt động tình nguyện vá lộ, bắc cầu tại địa phương. Từng là bộ đội, khi về hưu, những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng được ông xem là một trong những cách tiếp tục rèn giũa, nêu cao tinh thần bác ái của người lính Cụ Hồ. Ông Chín Song chia sẻ: “Thời gian nghỉ hưu tôi thấy vẫn còn sức khỏe, nhìn quê hương mình thấy còn nhiều thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn, ấp xóm bị chia cắt bởi nhiều kênh rạch, từ đó tôi quyết tâm góp công sức nhỏ bé của mình để xây dựng nông thôn. Ban đầu chỉ là vận động bà con quyên góp vá đường, sửa cầu, về sau tôi đứng ra thành lập tổ vá đường, bắc cầu để làm được nhiều việc hơn”.

Đồng lòng vượt khó, thoát nghèo

Không chỉ đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng góp sức xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, nhiều cá nhân còn học tập Bác ở tinh thần hăng say lao động, gieo ước mơ thoát nghèo trên chính mảnh ruộng, thửa vườn của mình. Ngoài  việc vươn lên chăm lo tốt cho bản thân và gia đình, họ còn phát huy tinh thần đoàn kết giúp đỡ anh em, xóm làng cùng thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Học tập Bác ở tinh thần đoàn kết, những năm qua, các hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp Phước Tiến, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi, sản xuất để các cựu chiến binh có thêm điều kiện giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Sau hơn 5 năm hoạt động, đến nay, tổ hợp tác này vừa nâng lên thành hợp tác xã (HTX). Ông Trần Văn Đúng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Tiến, ở ấp Phước Tiến, cho biết: “Trước đây, anh em hội viên sản xuất riêng lẻ, manh mún, không mang lại hiệu quả, sau khi bàn bạc chúng tôi tập hợp lại xây dựng tổ hợp tác rồi lên HTX để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ vốn liếng trong sản xuất. Qua thời gian hoạt động, đến nay, đa phần đời sống kinh tế các thành viên có bước nâng lên rõ nét, nhiều hội viên đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, trở thành hộ có kinh tế khá giả ở địa phương”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiến, thành viên HTX Nông nghiệp Tân Tiến, chia sẻ: “Vào tổ hợp tác đến nay, đời sống kinh tế gia đình tôi từng bước được cải thiện. Cách nay khoảng 5 năm, từ 10 triệu đồng vốn vay cộng thêm kinh nghiệm học hỏi từ anh em hội viên trong tổ, tôi mạnh dạn thuê 2 công đất để trồng quýt, cam và làm cây giống. Đến nay, vốn vay đã trả xong, nguồn thu từ mảnh vườn cũng ổn định”.

Còn ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp lại xây dựng hiệu quả mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” hơn 5 năm nay. Bà Huỳnh Thanh Thúy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Long, cho biết: “Mô hình được xây dựng trên tinh thần chị em hội viên học tập Bác ở tính tiết kiệm và sống giản dị. Khi mới ra đời, mô hình đã có sự tham gia của đông đảo hội viên vì vừa dễ thực hiện vừa đem lại hiệu quả thiết thực. Mỗi tháng khi họp lệ, từng hội viên sẽ bỏ ống heo 10.000 đồng, cuối năm lấy số tiền đó cho một số chị em có nhu cầu vay không tính lãi. Từ số tiền đó, chị em đã xây dựng được mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Không chỉ giúp nhau thoát nghèo, nhiều hội viên khi tham gia mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” còn cảm nhận được tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau”. 

Có thể thấy, chính những cách làm hay trong học tập và làm theo gương Bác đã tạo nên sức bật trong quá trình xây dựng, phát triển quê hương. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế - xã hội tỉnh vẫn ổn định, phát triển và ngày càng đi lên bởi còn đó rất nhiều những tập thể, cá nhân luôn ý thức vai trò, trách nhiệm, việc làm của mình từ việc học tập và làm theo tấm gương của Bác.

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>