Phụ nữ Vị Thủy học tập và làm theo gương Bác

29/06/2016 | 07:43 GMT+7

Bằng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, các cấp hội, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Vị Thủy đã không ngừng học tập và làm theo gương Bác, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân cũng như đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.

Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Đến nhà bà Huỳnh Thanh Thúy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, vừa lúc bà chuẩn bị bỏ tiền vào ống heo tiết kiệm. Công việc quen thuộc này được bà duy trì hàng ngày và kéo dài suốt mấy năm nay. “Đừng tưởng đây là chuyện nhỏ, nó đã được nhân rộng thành mô hình với nhiều phụ nữ ở ấp tham gia”, bà Thúy chia sẻ.

Rồi bà kể lại quá trình ra đời của mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” ở ấp mình cách đây hơn 5 năm. Khi ấy, bà thường bỏ tiền có mệnh giá nhỏ vào ống heo, ai ngờ cuối năm mở ra được khoản tiền kha khá. Trong đầu bà chợt lóe lên suy nghĩ: “Sao chị em xóm mình không làm theo cách này để dành dụm tiền, giúp đỡ nhau trong cuộc sống”. Nghĩ là làm, cuộc họp lệ tháng sau bà Thúy nêu lên ý tưởng để xin ý kiến mọi người, ai ngờ tất cả đều đồng ý.

Thế là mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” ra đời ban đầu với 24 thành viên. Mô hình này hoạt động theo hình thức: mỗi hội viên sẽ bỏ 5.000 đồng vào ống heo trong các buổi họp lệ hàng tháng, đến cuối năm sẽ đập ra lấy tiền cho hội viên vay xoay vòng.

Thời gian đầu, số tiền thu được không là bao nên mọi người quyết định bỏ ống heo 10.000 đồng/tháng kể từ năm 2013 đến nay. Bây giờ, tổng số vốn tiết kiệm được lên đến 11 triệu đồng và dùng cho chị em vay xoay vòng không lãi suất trong 3 tháng, với mức vay trung bình khoảng 1 triệu đồng/người. Dù số tiền đó không nhiều, nhưng với người dân nông thôn lắm lúc cũng rất cần thiết. Chị Đặng Thị Nhị, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Tân Long, cho biết: “Tôi mượn số tiền đó để lo cho con cái, mua sắm đồ dùng sinh hoạt gia đình. Thấy ít vậy chứ nhiều lúc cần xài mà không có”.

Theo chia sẻ của nhiều hội viên, điều họ thấy có lợi nhất khi tham gia mô hình này là chị em có thể quan tâm, thương yêu lẫn nhau. Ai có khó khăn gì thì mọi người sẵn sàng dang tay ra giúp đỡ, những buổi họp lệ hàng tháng luôn tràn ngập tiếng nói, cười…

Chi hội Phụ nữ ấp Tân Long hiện có 4 tổ phụ nữ trực thuộc, đến nay, mô hình này được nhân rộng ra 3 tổ. Bà Thúy hạ quyết tâm, thời gian tới, phải phát triển mô hình này ở tổ phụ nữ còn lại trong ấp. Dần dà hỏi thêm mới biết đây là mô hình mà Chi hội Phụ nữ ấp Tân Long thực hiện để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. “Nhờ học và làm theo Bác mà chị em phụ nữ trong ấp tiến bộ rõ rệt trong suy nghĩ và cả hành động. Họ luôn biết vun vén cho gia đình mình trong ấm ngoài êm. Một vài chị còn giỏi làm kinh tế gia đình, cho thu nhập cao”, chị Thúy khoe.

Không chỉ ấp Tân Long, 9 ấp còn lại của xã Vĩnh Tường đều xây dựng được mô hình học tập và làm theo gương Bác, có thể kể đến như mô hình nuôi heo đất ở ấp Xuân Thọ, hũ gạo tình thương ở ấp Vĩnh Lộc, mô hình trồng gừng ở ấp Vĩnh Hòa… Được biết, xã Vĩnh Tường là đơn vị được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Vị Thủy chọn làm điểm để thực hiện các mô hình học tập và làm theo gương Bác những năm qua.

Chị Mai Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Tường, chia sẻ: “Chi hội ở mỗi ấp đều thực hiện mô hình thiết thực gắn với việc học tập và làm theo gương Bác. Trong đó, mô hình trồng gừng ở ấp Vĩnh Hòa từng nhận được bằng khen của Hội LHPN Việt Nam. Nhờ tích cực lồng ghép tuyên truyền Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị trong các buổi họp lệ hàng tháng nên nhiều chị em rất có ý thức về vấn đề này”.

Ngoài xã Vĩnh Tường, Hội LHPN huyện Vị Thủy còn chỉ đạo cho các xã, thị trấn còn lại xây dựng các mô hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Nhờ vậy mà nhiều nơi đã xuất hiện các mô hình thiết thực, thu hút nhiều hội viên tham gia, như mô hình hội viên Chi hội Phụ nữ ấp 5 (Hội LHPN xã Vị Thủy) tận dụng đất trống quanh nhà trồng rau sạch để bán; xã Vị Thắng có mô hình hùn vốn sắm vàng (khi gia đình hội viên nào đó cưới vợ, gả chồng cho con thì được mượn để tổ chức lễ cưới); xã Vị Bình có mô hình hùn vốn cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay xây nhà mới… Mỗi nơi có mô hình riêng nhưng đều có chung mục đích là góp phần nâng cao đời sống hội viên, giúp chị em ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội, đặc biệt là họ có thể gắn bó, chia sẻ mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống đời thường.

Theo bà Nguyễn Thị Như Kiều, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vị Thủy, phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thật sự lan tỏa trong các cấp hội phụ nữ ở huyện; từng tổ chức hội, hội viên đã chọn học và làm theo gương Bác từ những việc gần gũi, gắn bó với cuộc sống và nhiệm vụ công tác của mình. Bà Kiều cho biết thêm: “Nhờ công tác tuyên truyền được thực hiện tốt nên việc học tập và làm theo gương Bác ngày càng thấm sâu vào suy nghĩ của nhiều chị em, đồng thời họ đã biết chuyển hóa thành những mô hình mang ý nghĩa thiết thực. Kết quả đó cũng là động lực để chúng tôi phát động sâu rộng hơn nữa việc học tập và làm theo gương Bác trong các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện thời gian tới”.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>