“Nhớ lời Bác, ráng làm tròn trách nhiệm với bệnh nhân”

05/09/2016 | 05:36 GMT+7

Với điều dưỡng Nguyễn Thanh Phong, Khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để thực hiện tốt lời dạy quý báu của Bác: “Lương y phải như từ mẫu”, anh luôn tự nhủ bản thân không ngừng trau dồi chuyên môn và nêu cao tinh thần y đức hàng ngày, hàng giờ khi khoác trên mình chiếc áo blouse.

Điều dưỡng Nguyễn Thanh Phong (bìa trái) phụ mổ cas phẫu thuật bắt con.

Trong bộ trang phục blouse màu xanh, là đồng phục riêng của nhân viên y tế trong phòng mổ, anh Phong đang hỗ trợ bác sĩ thực hiện cas phẫu thuật bắt con. Không thấy được mặt, nhưng qua ánh mắt nhìn của anh với bệnh nhân, chúng tôi cảm nhận đây là người rất hòa nhã. Theo lời giới thiệu của Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh Phong là một trong sáu người của bệnh viện được khen thưởng trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa qua của bệnh viện.

Theo lời kể của anh Phong, hơn 23 năm gắn bó với công việc điều dưỡng, anh đã có 18 năm làm việc ở phòng mổ. Trong suốt khoảng thời gian công tác, điều dưỡng Phong vẫn luôn hết lòng trong công việc, tận tâm phục vụ bệnh nhân, khắc ghi lời dạy của Bác và nhớ những điều y đức của một người làm trong ngành y. Anh Phong chia sẻ: “Công việc điều dưỡng ở phòng mổ áp lực hơn nhiều so với điều dưỡng ở các khoa, phòng khác. Những lúc có cas cấp cứu gấp đòi hỏi mình phải nhanh nhẹn, nhạy bén. Công việc của tôi là chuẩn bị dụng cụ, sắp xếp và đưa dụng cụ chính xác cho phẫu thuật viên trong ca mổ, xử lý dụng cụ phẫu thuật, trang thiết bị và vật tư tiêu hao đã sử dụng. Đồng thời, hỗ trợ kíp phẫu thuật để các cas phẫu thuật thành công nhất”.

Chị Văn Thị Cẩm Xuyên, ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, sinh con tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, kể lại: “Tôi vào đây nhập viện để dưỡng thai, nhưng hai ngày sau nhập viện em bé bị sa rốn. Tôi đã được đưa đến phòng mổ ngay tức khắc, các bác sĩ, điều dưỡng ở đây đã rất nhanh chuẩn bị tiến hành cas phẫu thuật để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con”. Cuộc phẫu thuật cho chị Cẩm Xuyên thành công, con trai của chị sinh ra được 3,5kg, trông rất kháu khỉnh. Điều dưỡng Phong là người trực tiếp chuẩn bị cho cas phẫu thuật này. Theo lời kể của anh, những trường hợp như vầy buộc những người điều dưỡng và cả bác sĩ phải chạy và làm mọi thứ thật nhanh mới cứu được bệnh nhân. Sau khi cứu được người bệnh, cả ê kíp đều mệt lả, nhưng ai cũng cười hạnh phúc…

Thầm lặng cống hiến là điều chúng tôi cảm nhận được khi nghe câu chuyện kể về công việc điều dưỡng của anh Phong. Bởi sau cas mổ, thường bệnh nhân hay người nhà của họ chỉ biết bác sĩ mổ, nhưng ít ai biết rằng, chính những người điều dưỡng đã đóng góp rất nhiều trong cas mổ của mình. Nhưng anh Phong bảo, khi cas mổ thành công đã rất vui rồi, làm hết trách nhiệm là thấy thanh thản, còn chuyện ai phải mang ơn hay không thì không đáng bận tâm…Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, điều dưỡng Phong luôn có thái độ cư xử với đồng nghiệp vui vẻ, hòa đồng nên cũng là trung tâm đoàn kết của khoa. Trong quá trình công tác, điều dưỡng Phong được đồng nghiệp đánh giá cao. Điều dưỡng Trần Thị Mai, cũng là điều dưỡng phòng mổ, cho biết: “Trung thực, nhạy bén là hai yêu cầu quan trọng nhất của người làm điều dưỡng ở phòng mổ, Phong đều có được. Trong phòng mổ, trung thực có ý nghĩa rất quan trọng nó ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Thông thường sau cas mổ điều dưỡng phải kiểm tra lại thật kỹ càng, cẩn thận và phải đảm bảo đầy đủ tất cả mọi thứ được chuẩn bị trước khi mổ, phải đủ từ miếng gạc đến cây kim. Nếu có thiếu thứ gì thì phải trung thực báo cáo để tìm cho đủ để loại trừ trường hợp sót lại trong người bệnh nhân”.

Điểm khác với những nhân viên điều dưỡng khác là rất ít thời gian để điều dưỡng phòng mổ tiếp xúc với bệnh nhân, thường chỉ là những lời trấn an trước khi bắt đầu phẫu thuật. Anh Phong cho biết thêm: “Tâm lý chung của bệnh nhân khi bước vào phòng phẫu thuật rất lo lắng, sợ hãi. Nên tôi thường thăm hỏi, động viên, trấn an giúp cho người bệnh an tâm hơn”. Trong lúc vào phòng mổ, không có người thân bên cạnh, chính những lời an ủi, động viên và giải thích chân tình của anh Phong là điểm tựa tinh thần để người bệnh vững tin.

Sau ngần ấy năm âm thầm cống hiến trong phòng mổ, không nhiều bệnh nhân biết đến điều dưỡng Phong, nhưng với nỗ lực, trách nhiệm của mình, anh đã được đồng nghiệp, lãnh đạo bệnh viện đánh giá cao, là tấm gương sáng trong thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của bệnh viện. Cảm nhận về điều dưỡng Phong, ông Đỗ Trọng Nguyễn, Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức, nói: Điều dưỡng Phong luôn quan tâm trau dồi chuyên môn, rèn luyện y đức, đối đãi với đồng nghiệp thân tình, tận tâm với bệnh nhân. Nhiều năm qua, trong công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công”.

Có lẽ, người dân còn những điều chưa hài lòng với các bệnh viện, trung tâm y tế, nhưng người dân chắc không thể quên có rất nhiều bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng ngày ngày vẫn hết lòng, tận tâm với người bệnh, điển hình như điều dưỡng Nguyễn Thanh Phong.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>